Sông băng Collins tại Nam Cực. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo bài viết đăng trên tờ The Guardian ngày 11/5, Giáo sư Jennifer Verduin, giảng viên tại Đại học Murdoch, đã cùng hơn 100 nhà khoa học tham gia chuyến khảo sát tại Nam Cực vào đầu năm 2025. Bà cho biết các quan sát thực địa đã cho thấy những biến đổi sâu sắc về môi trường tại châu lục này. Mặc dù cảnh quan vẫn hiện lên với các tảng băng trôi khổng lồ, đàn chim cánh cụt, cá voi và hải cẩu - cho thấy một hệ sinh thái phong phú, nhưng phía sau đó là sự suy giảm nhanh chóng về ổn định sinh học. Tốc độ tan băng và biến đổi môi trường diễn ra nhanh hơn nhiều so với các mô hình dự báo trước đây.
Bà Verduin nhận định rằng hiện tượng ấm lên của đại dương đang thúc đẩy quá trình tan băng, thay đổi đặc điểm sinh cảnh và đẩy nhiều loài sinh vật vào tình trạng nguy cấp. Trong số đó có Ceratoserolis trilobitoides - loài sinh vật cổ đại sống chậm, có chu kỳ sinh sản duy nhất trong đời, hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng do sự thay đổi nhanh chóng của nhiệt độ và điều kiện sinh thái tại Nam Đại Dương.
Là nơi hội tụ các dòng chảy của Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, vùng biển quanh Nam Cực đóng vai trò then chốt trong điều tiết khí hậu toàn cầu thông qua Dòng hải lưu vòng Nam Cực. Bà Verduin nhấn mạnh rằng các tác động như ô nhiễm, nhiệt độ nước biển tăng và sự cố tràn dầu không bị giới hạn trong phạm vi địa lý, mà có thể lan rộng, gây rối loạn các dòng hải lưu, làm suy giảm đa dạng sinh học biển và làm mất ổn định hệ thống khí hậu toàn cầu.
Bài viết cũng đưa ra ví dụ về mô hình quản lý bền vững tại đảo Lockroy - nơi sinh sống của loài chim cánh cụt gentoo. Một nửa đảo được thiết lập thành khu bảo tồn nghiêm ngặt, trong khi nửa còn lại tiếp nhận du khách dưới sự giám sát chặt chẽ. Mô hình này cho thấy khả năng cùng tồn tại giữa con người và tự nhiên khi có sự điều tiết khoa học và trách nhiệm.
Tuy nhiên, bà Verduin cũng lưu ý rằng các tàn tích từ ngành săn bắt cá voi tại đảo Deception vẫn là minh chứng rõ nét cho hậu quả lâu dài của việc khai thác tài nguyên không kiểm soát, nhấn mạnh sự cần thiết của công tác bảo tồn.
Với vai trò là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về đại dương, Giáo sư Verduin kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh hành động nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang mô hình năng lượng tái tạo và tăng cường đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường. Theo bà, việc bảo vệ Nam Cực không chỉ là bảo vệ một hệ sinh thái độc đáo, mà còn là hành động thiết yếu để đảm bảo ổn định khí hậu cho toàn bộ hành tinh trong tương lai.