Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển trên toàn
cầu đã lên mức cao kỷ lục trong hơn hai thập kỷ qua do lượng khí cácbon
điôxít (CO2) và các loại khí thải giữ nhiệt tồn tại lâu trong khí quyển
tăng. Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ) dẫn báo cáo
công bố ngày 20/11 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết trong
giai đoạn 1990 - 2011, bức xạ bắt buộc trên Trái Đất tăng 30% do lượng
khí CO2 và các loại khí thải giữ nhiệt tồn tại lâu trong khí quyển tăng.
Kể từ khi thế giới bắt đầu bước vào kỷ nguyên công nghiệp năm 1750,
khoảng 375 tỷ tấn cácbon được thải vào khí quyển như khí CO2, chủ yếu do
quá trình đốt cháy các nhiên liệu trong lòng đất. Khoảng một nửa khối
lượng khí CO2 này vẫn tiếp tục tồn tại trong không khí và phần còn lại
được các đại dương và sinh quyển trên mặt đất hấp thụ.
Hàng tỷ tấn CO2 trong bầu khí quyển trên thế giới sẽ tiếp tục tồn tại trong nhiều thế kỷ. Ảnh Internet. |
Theo Tổng Thư ký WMO Michel Jarraud, hàng tỷ tấn CO2 trong
bầu khí quyển trên thế giới sẽ tiếp tục tồn tại trong nhiều thế kỷ, từ
đó làm cho nhiệt độ Trái Đất tăng lên và tác động đến tất cả các lĩnh
vực của sự sống trên hành tinh. Lượng khí thải trong tương lai sẽ tiếp
tục khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Đến nay,
các bể chứa cácbon đã hấp thụ gần một nửa lượng CO2 do con người thải
vào khí quyển, nhưng quá trình này chưa chắc đã được tiếp tục trong
tương lai. Các bồn hấp thụ cácbon là các quá trình, hoạt động hoặc cơ
chế loại bỏ một lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ khí quyển. Rừng, đất tự nhiên và đại dương là các bồn tự nhiên hấp thụ khí CO2.
Các đại dương ngày càng chứa nhiều chất axít do kết quả của hấp thụ CO2
và những tác động trở lại rất lớn của hàng loạt hệ sinh vật dưới nước
và các bãi san hô ngầm.
Theo WMO, các bồn hấp thụ cácbon
đóng vai trò rất quan trọng trong việc hấp thụ khí thải cácbon. Nếu
lượng CO2 được thải ra nhiều hơn nữa và được lưu trữ trong các hồ chứa
như các đại dương, nó có thể bị giữ lại hàng trăm hoặc thậm chí hàng
nghìn năm, ngược lại lượng khí cácbon được lưu trữ ở các khu rừng trong
khoảng thời gian ngắn hơn nhiều.
Khí CO2 là loại khí thải
gây hiệu ứng nhà kính quan trọng nhất do các hoạt động của con người
thải ra và nó chiếm 85% sự gia tăng bức xạ bắt buộc trong thập kỷ qua.
Đây cũng là khí thải tồn tại lâu dài và nguy hiểm nhất so với các loại
khí thải khác như mêtan và kali nitrat.
Do đó, khí thải gây hiệu ứng nhà
kính là vấn đề nổi lên trong chương trình của Hội nghị Biến đổi khí hậu
của LHQ, diễn ra tại thủ đô Đôha (Doha) của Cata ngày 19/11, trong đó
có các đại diện của 195 quốc gia tham gia Công ước khung của LHQ về Biến
đổi khí hậu (UNFCCC), hiệp ước ban đầu của Nghị định thư Kiôtô (Kyoto)
năm 1997 đã được 193 nước thành viên UNFCCC phê chuẩn.
Theo Nghị định thư Kiôtô, 37 quốc gia gồm các nước công nghiệp và các
nước đang chuyển sang nền kinh tế thị trường, phải cam kết và bắt buộc
cắt giảm và hạn chế lượng khí thải, hướng tới mục tiêu cuối cùng là ổn
định lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tập trung trong khí quyển ở
mức nhất định nhằm ngăn chặn những tác động nguy hiểm cho con người qua
các địa tầng khí hậu.
TTXVN/Tin tức