Sau khi nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng 120.000 km vuông khu vực biển ở Tây Australia để tìm máy bay mất tích từ năm 2014 là MH370 của Malaysia Airlines nhưng bất thành, các nhà hải dương học Australia đã nắm trong tay chi tiết địa hình nơi này.
Đồ họa về đáy biển được các nhà hải dương học Australia công bố. Ảnh: Reuters |
“Có nhiều núi dưới biển dự kiến thu hút các ngư dân trên khắp thế giới tới khu vực”, giáo sư Charitha Pattiaratchi tại Đại học Tây Australia cho biết.
Theo công bố của cơ quan Địa khoa học Australia ngày 19/7, cá ngừ, cá tuyết và những loài có giá trị cao thường tập trung ở vùng núi dưới biển nơi xuất hiện nhiều sinh vật phù du.
Đồ họa 3 chiều địa hình đáy biển đã được công bố với dự kiến nhiều thông tin khác sẽ được tiết lộ trong năm tới.
Chi tiết bản đồ núi dưới biển đồng thời góp phần phác họa tác động của sóng thần- hiện tượng thiên nhiên thường “giải tỏa” năng lượng vào khu vực này.
Khu vực bờ tây của Australia là một trong những địa điểm được thăm dò địa hình nhiều nhất trên thế giới. Kênh RT (Nga) cho biết chỉ có 10-15% khu vực biển trên thế giới đã được nghiên cứu với công nghệ tương tự như vậy.
Máy bay MH370 biến mất trong tháng 3/2014 với 239 người trên khoang khi đang trong hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc). Sau 3 năm, chiến dịch tìm kiếm MH370 đã kết thúc vào tháng 1/2017 và các nhà chức trách tuyên bố công cuộc này chỉ được khởi động lại khi có bằng chứng mới đáng tin tưởng hơn.