Cuối tháng 10, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) cùng các đối tác thuộc ngành công nghiệp trong nước của Ấn Độ lần đầu tiên tham gia triển lãm quốc phòng ADEX - 2013 tại Seoul với một gian hàng riêng trưng bày các loại vũ khí của mình . Cuộc triển lãm này chỉ diễn ra vài ngày sau khi Ấn Độ đạt được thỏa thuận bán và chuyển giao công nghệ thiết bị phát hiện tàu ngầm và rađa cho Myanmar và đàm phán với Philippines về triển vọng cung cấp 2 tàu khu trục. Đồng thái này của Ấn Độ cho thấy tham vọng của nước này không chỉ dừng lại ở việc bảo trì và hỗ trợ huấn luyện quân sự cho một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Một căn cứ hải quân Ấn Độ. Ảnh: Indiandefence. |
Ngoài việc DRDO chọn địa điểm triển lãm lần đầu tiên của mình ở nước ngoài là Seoul - một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang ấm dần lên giữa Ấn Độ và Hàn Quốc, thì nó cũng là một biểu hiện về sự phát triển đáng kể trong lĩnh vực quốc phòng, nhấn mạnh cam kết trong việc triển khai chính sách “Hướng Đông” của New Delhi.
"Sự hiện diện của chúng tôi tại Seoul là cơ hội để xây dựng quan hệ đối tác trong lĩnh vực Nghiên cứu và Công nghệ, chế tạo cũng như tạo ra tiềm năng xuất khẩu. Năng lực chế tạo trong lĩnh vực quốc phòng Ấn Độ đã trưởng thành. Chúng tôi hy vọng không chỉ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ mà còn mở rộng sang tất cả các lĩnh vực quân sự khác”, Avinash Chander, Cố vấn khoa học cho Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ phát biểu bên lề cuộc triển lãm ADEX - 2013.
Hiện nay cũng như trong tương lai gần, New Delhi có thể cung cấp cho một số đối tác ASEAN của mình một số thiết bị quân sự mà họ đang cần trong khả năng mà ngành công nghiệp trong nước của Ấn Độ có thể đáp ứng được.
Với Myanmar, hợp đồng mua bán vũ khí gần đây giữa Nay Pyi Taw và New Delhi càng có ý nghĩa quan trọng, trong bối cảnh nước này đang trong cuộc đua tăng cường sức mạnh hải quân của mình với Bangladesh do những bế tắc liên quan đến tranh chấp khai thác khí đốt tại vịnh Bangal năm 2008.
Bế tắc giữa hai nước năm 2008 cuối cùng đã được xoa dịu thông qua sự can thiệp của Trung Quốc - nhà cung cấp các thiết bị chính cho cả hải quân hải quân Myanmar và Bangladesh. Nhưng kể từ đó, Myanmar bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung nước ngoài để tăng cường sức mạnh hải quân của mình, trong khi lực lượng hải quân Bangladesh ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị của Trung Quốc. Hải quân Myanmar cũng được cho là yếu trong việc chống tàu ngầm, vì thế đây cũng là một trong những lý do nước này chọn mua hệ thống phát hiện tàu ngầm và radar của Ấn Độ.
Trong chuyến thăm đến Ấn Độ vào tháng 7 vừa quan, Phó Tư lệnh hải quân Myanmar, Đô đốc Thura Thet Swe đã trực tiếp đề nghị phía Ấn Độ hỗ trợ các tàu tuần tra và hộ tống, cung cấp thiết bị cảm biến hải quân và thiết bị quân sự khác để tăng cường sức mạnh cho hải quân Myanmar, vốn bị suy giảm nghiêm trọng do cơn bão Nargis năm 2008. Rõ ràng là Myanmar muốn có một hạm đội hải quân và các thiết bị cảm biến khác so với hải quân Bangladesh với các trang bị chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Một số loại vũ khí nổi bật của quân đội Ấn Độ. |
Quan trọng hơn, chuyến thăm Ấn Độ của Đô đốc đã mở ra một cơ hội hợp tác mới giữa hai bên trong việc tổ chức cuộc tập trận hải quân song phương đầu tiên giữa hai nước, trong đó có hoạt động tuần tra gần quần đảo Coco của Myanmar, nơi mà trong thời gian dài New Delhi nghi ngờ là một cơ sở thu thập tin tức tình báo của Trung Quốc.
Nhưng có lẽ nhu cầu hiện đại hóa hải quân của Philippines còn cao hơn cả Myanmar do nước này đang có tranh chấp lãnh hải tại biển Đông với Trung Quốc. Và đây chính là cơ hội để Ấn Độ tăng cường hợp tác quân sự với Philippines. Trong chuyến thăm Manila mới đây, Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid được cho là đã thảo luận về khả năng cung cấp hai tàu khu trục cho hải quân Philippines. Vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận trong cuộc họp của Ủy ban Hợp tác Quốc phòng Philippines - Ấn Độ (JDCC) ở New Delhi sắp tới.
Trong tương lai, Ấn Độ có thể cung cấp tên lửa hành trình BrahMos (tên lửa hành trình siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình có thể phóng từ tàu, tàu ngầm, máy bay hay các trạm phóng lưu động trên mặt đất) cùng với tàu chiến cho các nước ASEAN. Tuy nhiên, ngoài những vấn đề có liên quan đến thiết bị do Nga chế tạo, thì vấn đề kinh phí cũng là yếu tố quan trọng. Ví dụ như hải quân Philippines đang tìm kiếm các hợp đồng vũ khí giá rẻ nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa của họ. Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của các nước ASEAN có hạn, giá cả cũng là một vấn đề mà các công ty công nghiệp quốc phòng Ấn Độ phải tính đến nếu muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
CT (Theo Diplomat/Indiandefence)