AI mở ra cơ hội lớn cho lĩnh vực chẩn đoán và điều trị ung thư

Hội nghị Điện quang và Y học hạt nhân Thường niên lần thứ 25 (VSRNM 2024), sẽ diễn ra vào ngày 23-24/8/2024, tại Đà Nẵng. Hội nghị quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, cùng thảo luận về những tiến bộ khoa học đột phá trong lĩnh vực y tế.

Chú thích ảnh
AI làm thay đổi công nghệ chẩn đoán hình ảnh.

Sự kiện do Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam tổ chức, tài trợ chính bởi GE HealthCare. GE HealthCare dự kiến sẽ mang tới Hội nghị những công nghệ, giải pháp hiện đại và toàn diện trong Ung bướu, Tim mạch, Thần kinh... tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo, giúp tối ưu hóa quy trình làm việc cho bác sỹ và mang lại những giá trị đột phá trong chẩn đoán, điều trị và hậu điều trị cho bệnh nhân.

Theo đại diện GE HealthCar, công nghệ chẩn đoán hình ảnh tích hợp AI đang cách mạng hóa cách thức bác sĩ chẩn đoán và điều trị ung thư, mang đến giải pháp nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm chi phí hơn.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang nhanh chóng chuyển đổi nhiều lĩnh vực khác nhau và chăm sóc sức khỏe cũng không ngoại lệ. Một trong những ứng dụng đầy hứa hẹn nhất của AI chính là lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Theo Market.US, thị trường chẩn đoán hình ảnh y tế toàn cầu 33 tỷ USD, đang được thúc đẩy bởi trí tuệ nhân tạo. AI hiện được tích hợp sâu rộng vào các thiết bị chẩn đoán bao gồm siêu âm (US), chụp X-Quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)… để tạo nên hệ sinh thái trị giá 1,1 tỷ USD vào năm 2023, đồng thời sẽ tiếp tục tăng trưởng chóng mặt gấp 10 lần - lên 10,6 tỷ USD trong 10 năm tới.

Các quốc gia có nền y học tiên tiến cũng đang mở đường cho AI định hình lại lĩnh vực chẩn đoán và điều trị ung thư. Vào tháng 6/2024 vừa qua, Hiệp hội Điện quang Châu Âu (ESR) và Liên đoàn Chẩn đoán Hình ảnh Ung thư Châu Âu (EUCAIM) đã ra mắt Mạng lưới “Nâng cao Y học Chính xác cho Bệnh nhân Ung thư Châu Âu bằng Hình ảnh hỗ trợ AI” nhằm mở khóa sức mạnh của trí tuệ nhân tạo chống lại ung thư.

“Cộng đồng chẩn đoán hình ảnh ung thư đã hoàn toàn thay đổi”, Giáo sư Evis Sala tại Đại học Cattolica (UCSC) kiêm Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Xạ trị tại Bệnh viện Đại học Gemelli (IRCCS, Rome, Ý) chia sẻ. Thay vì chỉ tìm kiếm tổn thương bất thường, bà đang dành nhiều thời gian hơn cho bệnh nhân, thảo luận sâu hơn về sức khỏe và các lựa chọn điều trị nhờ tiến bộ của AI.

Giáo sư Evis Sala, trong một cuộc trao đổi với Ben Newton - Giám đốc toàn cầu Sản phẩm Chẩn đoán hình ảnh Ung thư của GE HealthCare, cũng chỉ ra 3 lợi ích cụ thể của AI đối với cộng đồng bác sĩ và bệnh nhân ung thư:

Đầu tiên, AI tái hiện hình ảnh y khoa rõ nét hơn, phân tích để phát hiện những tổn thương bất thường mà mắt người có thể bỏ qua, hỗ trợ sàng lọc ung thư ngay từ giai đoạn sớm. AI cũng hỗ trợ chẩn đoán chính xác các mặt bệnh ung thư bằng cách xác định mẫu trong kho “dữ liệu lớn” hình ảnh. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nature cho thấy, hệ thống AI vượt trội đã giúp các bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh ở Mỹ giảm 5,7% kết quả dương tính giả và 9,4% âm tính giả khi chẩn đoán ung thư trên máy chụp X-quang Vú.

Thứ hai, AI có thể tiên đoán sự tiến triển của ung thư bằng cách phân tích dữ liệu hình ảnh lịch sử, hỗ trợ bác sĩ đưa ra phác đồ cá nhân hóa và điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn điều trị cho bệnh nhân. Giáo sư Sala lấy ví dụ, AI có khả năng xác định liệu pháp điều trị nào sẽ hiệu quả nhất đối với khối u tuyến tiền liệt, dựa trên cấu tạo di truyền, tiền sử bệnh và độ tuổi của bệnh nhân. Ở một nghiên cứu khác của Đại học Y Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc), AI cũng chứng thực được tiềm năng dự đoán nguy cơ tái phát trên 1.841 bệnh nhân từng phẫu thuật ung thư vú.

Cuối cùng, lợi ích kinh tế của AI trong chẩn đoán hình ảnh rất lớn. AI tối ưu hóa quy trình làm việc, giảm thời gian và công sức cần thiết cho các bác sĩ và kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh. Đối với bệnh nhân, AI giảm chi phí liên quan đến chẩn đoán sai, các liệu pháp điều trị không cần thiết và thời gian nằm viện kéo dài. Accenture báo cáo, AI có thể giúp ngành chăm sóc sức khỏe của Mỹ tiết kiệm 150 tỷ USD mỗi năm vào năm 2026.

Về phía Ben Newton, ông cho biết: “Chăm sóc y tế là một thế giới rất phân mảnh, đặc biệt là khi nói đến các kho dữ liệu và các công cụ khác nhau. Vì vậy, việc chúng ta càng tạo ra được một hệ sinh thái nơi những công cụ này có thể hoạt động hiệu quả trong quá trình chẩn đoán và điều trị thì lợi ích mang lại càng lớn. Vì vậy, mục tiêu chính của chúng tôi tại GE HealthCare là cung cấp các giải pháp kỹ thuật số được hỗ trợ bởi công nghệ học máy (machine learning) để giúp các khách hàng của chúng tôi thấu hiểu toàn diện dữ liệu của mình. Điều này sẽ giúp các bác sĩ lâm sàng cá nhân hoá phương án chăm sóc sức khỏe cho từng bệnh nhân, từ đó giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng khám chữa bệnh cho các bệnh nhân của họ”.

Báo cáo Globocan 2022 của Tổ chức Ung thư Toàn cầu ghi nhận, số người ung thư ở Việt Nam đã tăng 2,6 lần trong hơn 2 thập kỷ[1]. Mỗi năm, Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới - xếp hạng 91/185 và 122.000 ca tử vong - xếp hạng 50/185 quốc gia, thuộc nhóm nước tử vong do ung thư cao. Trong đó, 5 loại ung thư đang dẫn đầu là vú, gan, phổi, dạ dày và trực tràng.

Do đó, ứng dụng AI mang đến nhiều tiềm năng và giá trị thiết thực trong bối cảnh ung thư liên tục gia tăng ở mức cao. Thông qua việc hỗ trợ phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác hơn, AI giúp các bác sĩ điều chỉnh phác đồ điều trị cá nhân hóa hơn, tối ưu và kịp thời cho bệnh nhân nhằm gia tăng cơ hội và thời gian sống.

Đồng thời, trí thông minh nhân tạo cũng hứa hẹn giảm nhẹ khối lượng công việc và thời gian cho các bác sĩ, phù hợp với thực tế thiếu nhân lực y tế hiện nay. Theo thống kê năm 2022, Việt Nam trung bình có 1 bác sĩ trên 1.000 người dân, dẫn đến quá tải bệnh viện và tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế.

Statistic đánh giá thị trường thiết bị chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ nhanh, nhờ đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng và nhu cầu về công nghệ y tế tiên tiến ngày càng cao. Quy mô dự kiến ​​đạt 176,3 triệu USD vào năm 2024 và sẽ tăng lên 248,5 triệu USD vào năm 2029.

Tuy nhiên, quy mô thị trường thiết bị chẩn đoán hình ảnh tích hợp AI vẫn còn khiêm tốn - đạt 5 triệu USD vào năm 2022, do việc ứng dụng những công nghệ này đang ở giai đoạn đầu, theo Insights10. Song với việc Chính phủ đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về ứng dụng AI vào năm 2030, những công nghệ đột phá này sẽ sớm được ứng dụng sâu rộng hơn, mở ra cơ hội mới để thúc đẩy cộng đồng tầm soát ung thư định kỳ và tham vấn ý kiến bác sĩ nhằm can thiệp sớm.

PV
Lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh đang cải tiến nhờ chuyển đổi số
Lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh đang cải tiến nhờ chuyển đổi số

Trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, cuộc cách mạng chuyển đổi số được triển khai tích cực qua hàng loạt các ứng dụng vượt trội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN