Doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Nhật Bản

Ngày 29/8, đại diện của 26 doanh nghiệp và 4 tỉnh của Việt Nam cùng với hàng chục doanh nghiệp Nhật Bản đã tham gia Hội thảo Giao thương Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tại thủ đô Tokyo để tìm kiếm đối tác và các cơ hội hợp tác kinh doanh.

Chú thích ảnh
 Các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản giao thương bên lề hội thảo.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, sự kiện này do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN - Nhật Bản tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại đã giới thiệu về môi trường kinh doanh và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Ông Tài cho biết bất chấp việc nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng với tốc độ 6,76% trong 6 tháng đầu năm nay. Tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 243 tỷ USD.

Liên quan tới quan hệ Việt - Nhật, ông Lê Hoàng Tài khẳng định Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, hai nước là thành viên của 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương gồm: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt - Nhật, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều này tạo ra rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương giữa hai quốc gia.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu cầu hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh tại Nhật Bản của các doanh nghiệp Việt Nam và ngược lại. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức hội thảo này để giúp các doanh nghiệp hai nước kết nối với nhau và thảo luận các cơ hội hợp tác, qua đó thúc đẩy quan hệ thương mại Việt - Nhật”.

Theo ông Tạ Đức Minh, sau buổi giao thương này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực liên hệ với các đối tác Nhật Bản để tìm hiểu về các nhu cầu của các đối tác để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng và phù hợp với thị trường này.

Bên lề hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã gặp gỡ và trao đổi với nhau để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh. Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Nguyễn Thị Phương Trà, Trưởng phòng Ngoại thương của Công ty Cổ phần Tập đoàn IDD - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu cà phê Han Coffee, cho hay hiện tại, Nhật Bản là một trong những thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất châu Á.

Hàng năm, Nhật Bản vẫn nhập khẩu rất nhiều cà phê từ Việt Nam, tuy nhiên cà phê của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu vẫn là hạt nhân xanh. Đó là điều rất thiệt thòi cho Việt Nam bởi vì trên thực tế, công nghệ rang và chế biến của Việt Nam đã phát triển rất mạnh trong thời gian qua.

Bà Nguyễn Thị Phương Trà chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy có tiềm năng rất lớn cho thị trường cà phê thành phẩm mang thương hiệu Việt Nam, nhãn hiệu Việt Nam và của người Việt Nam tại thị trường Nhật Bản. Do vậy, chúng tôi rất muốn chính thức bước chân vào thị trường này chứ không phải là thông qua xuất khẩu cà phê nhân xanh và mang nhãn hiệu của các thương hiệu khác không phải của Việt Nam”.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Trà, hiện IDD đã xuất khẩu sang châu Âu và Trung Quốc. Nhật Bản vẫn là thị trường mới đối với HanCoffee, song đây là một thị trường tương đối khó tính. Vì vậy, việc tiếp cận sẽ rất mất thời gian, chứ không dễ dàng như những thị trường khác. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại như Trung tâm Xúc tiến Thương mại tổ chức lần này, công ty sẽ dần dần tiếp cận và tìm hiểu các quy chế xuất - nhập khẩu hàng nông sản của Nhật Bản, đồng thời tìm kiếm các đối tác phân phối để đưa cà phê thành phẩm của Việt Nam vào thị trường trên.

Tin, ảnh: Đào Tùng (Pv TTXVN tại Nhật Bản)
CH Séc đánh giá cao vai trò EVFTA trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam
CH Séc đánh giá cao vai trò EVFTA trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam

Mới đây, Hội đồng châu Âu đã chính thức thông báo chấp thuận hai Hiệp định giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam về thương mại tự do (EVFTA) và về bảo hộ đầu tư (EVIPA), đồng thời ủy nhiệm cho Ủy ban châu Âu (EC) ký với Việt Nam vào cuối tháng 6 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN