Yi Sun-shin - Vị đô đốc vĩ đại của Triều Tiên-Kỳ cuối:

Phép màu Myeongnyang


Chính “phép màu Myeongnyang” đã đưa Yi Sun-shin lên hàng ngũ của những đô đốc nổi tiếng như Horatio Nelson, Togo hay Chester Nimitz.
 

Bản đồ trận Myeongnyang.


Cuối tháng 10/1597, hàng trăm tàu chiến Nhật Bản chuẩn bị xông vào eo biển Myeongnyang và tiến vào Hoảng Hải. Hải quân Triều Tiên bị xé nhỏ, chỉ còn khoảng 100 thủy thủ. Ngay cả khi ấy vẫn còn có hy vọng. Khi nông dân tỉnh Jeolla nghe được rằng Yi Sun-shin đã được thả khỏi ngục, họ kéo đến chỗ ông và ông nhanh chóng có đủ người để lấp đầy đội thủy thủ cho 12 tàu Panokseon. Vì tất cả tàu Con rùa đã bị phá hủy, Yi và quân của ông vội vàng chuẩn bị giáo phòng thủ và bọc sắt vào thành tàu, trên thực tế biến chúng thành những chiếc tàu Con rùa. Biết rõ quy mô khổng lồ của hạm đội Nhật đang tới, Yi hiểu rằng hy vọng duy nhất của ông là chiến đấu ở một hải lộ nhỏ. Rút ra từ Binh pháp Tôn Tử bài học “chiến đấu dựa lưng vào tường”, Yi không cho người của mình lối thoát nào và do đó tạo ra một “đội quân cảm tử”.


Ông đã chọn điểm dừng cuối cùng là eo Myeongnyang nhỏ hẹp và sâu giữa bán đảo Triều Tiên và đảo Jindo, một địa điểm với dòng nước chảy xiết. Ngày 26/10, quân Nhật áp sát. Yi sắp xếp 12 tàu Panokseon thành hình bán nguyệt gần điểm hẹp nhất, với dòng nước chảy ngược hướng ông. Phía sau, ông xếp tàu đánh cá, tàu chở hàng và bất kỳ thứ gì có thể nổi được để tạo cảm giác ông được hỗ trợ bởi cả một hạm đội lớn. Buộc các binh sĩ của mình thề chiến đấu tới chết, Yi Sun-shin đánh trống trận khi quân Nhật tới gần. Đột ngột, vào thời khắc quan trọng, Yi dường như sụp đổ. Các thuyền trưởng tàu Panokseon khác ngừng chạy, vẫn ở phía sau tàu Đô đốc, và vì thế chỉ có mình tàu của Yi đối đầu với quân Nhật. Hét lên rằng “ai muốn sống sẽ chết, ai chuẩn bị chết sẽ sống”, ông cho khai hỏa, tiêu diệt tàu Atakebune dẫn đầu.


Lúc này, thủy triều đang chảy về hướng người Triều Tiên, và xác chết lính Nhật trôi qua phía họ. Người của Yi tóm lấy xác một chỉ huy cao cấp của Nhật, cắt thủ cấp và treo lên cột tàu. Quân Nhật nhìn thấy cảnh đó liền hoang mang. Các thuyền trưởng ngần ngừ của Yi cũng tiến lên và gia nhập trận đánh. Khi người Triều Tiên khai hỏa, một số tàu Atakebune bị co cụm tại eo biển nhỏ hẹp, khiến đội tàu bị hư hại. Dù thế các tàu Atakebune vẫn tiến lên phía trước và cuối cùng đã tới chỗ Yi. Nhưng ngay khi họ sắp tới gần và ném móc neo lên tàu Triều Tiên, thủy triều đổi hướng. Nước bắt đầu chảy ngược quân Nhật. Tàu Nhật vội vã rút lui nhưng đâm vào nhau rồi chìm dần. Vùng biển chảy xiết và sâu đã nhấn chìm hàng nghìn quân khi thuyền Triều Tiên dâng lên theo thủy triều. Họ bắn súng thần công hạng nặng, gây thiệt hại nặng nề cho tàu Nhật. Vào cuối ngày, hàng tá tàu chiến Nhật đã bị đánh chìm và lối ra Hoàng Hải của người Nhật đã bị chặn đứng.
 

Yi Sun-shin bị trúng đạn ở trận Noryang.

 

Sau trận này, viện binh nhà Minh đã mở những cuộc phản công mạnh mẽ chống lại quân Nhật trên đất liền, khiến Hideyoshi phải chấp nhận rằng ông sẽ không thể chinh phục Triều Tiên. Vào cuối năm 1598, đã có một cuộc tranh giành để rút quân Nhật ra khỏi bán đảo. Cuộc tranh giành càng dữ dội hơn khi Hideyoshi chết vì bệnh tật và các chỉ huy Nhật Bản ở Triều Tiên tìm cách trở về nhà để tham gia cuộc chiến quyền lực.


Ngay cả như vậy, vẫn có thời gian cho trận chiến cuối cùng của Yi Sun-shin. Trận đánh này diễn ra ở eo biển Noryang, nơi người Nhật đang thực hiện cuộc di tản cuối cùng khỏi Triều Tiên. Chiến đấu bên cạnh tàu và hàng nghìn quân của nhà Minh, hải quân Triều Tiên nổ một loạt đạn dữ dội nữa trong khi quân Nhật chiến đấu đầy liều lĩnh để trốn chạy vì biết rằng đó là cơ hội cuối cùng để họ trở về nhà.


Ở lúc cao trào của trận chiến, Yi Sun-shin đứng trên tháp chỉ huy của tàu Panokseon đánh trống trận rồi bị trúng một viên đạn hỏa mai vào bên sườn. Ông ngã xuống sàn với vết thương chết người. Trong hơi thở cuối cùng của mình, ông nói với thuộc hạ: “Trận chiến gần kết thúc rồi… hãy tiếp tục đánh trống. Đừng công bố cái chết của ta”. Vào lúc trận Noryang chấm dứt, gần 200 tàu Nhật Bản đã bị nhấn chìm và vô số quân địch thiệt mạng. Nhiệm vụ cuối cùng của Yi cho đất nước đã đem đến một thắng lợi đáng kinh ngạc.


Hành trình đưa thi thể Yi Sun-shin về quê ông ở Asan không khác gì như với các vị vua triều Joseon. Nông dân xếp hàng bên đường để khóc thương người anh hùng của họ, một trong số ít sĩ quan đã phụng sự Triều Tiên trong những thời khắc đen tối nhất. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh, và triều Joseon đổ nát nghiêm trọng. Hàng triệu người chết và Triều Tiên không bao giờ hồi phục lại được. Sau khi nhà Minh sụp đổ vào năm 1644, Triều Tiên bước vào một thời kỳ dài đình đốn và cô lập, cho đến khi đế quốc Nhật Bản trở lại vào năm 1894.


Lần này, không còn có Yi Sun-shin để cứu Triều Tiên.



Trần Anh


(Mời xem trọn các kỳ trên trang web: baotintuc.vn)

Yi Sun-shin - Vị đô đốc vĩ đại của Triều Tiên - Kỳ 2: Busan
Yi Sun-shin - Vị đô đốc vĩ đại của Triều Tiên - Kỳ 2: Busan

Trong những ngày sau chiến thắng phi thường này, các tàu Nhật còn sống sót bị lùng sục ở các vịnh khác nhau dọc bờ biển Triều Tiên và 42 tàu chiến nữa đã bị phục kích và tiêu diệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN