Vụ khủng bố ở Djerba: Kỳ I: Những ác mộng kinh hoàng

Đó là cuộc tấn công khủng bố đầu tiên kể từ sau sự kiện 11/9/2001 tại Mỹ: Ngày 11/4/2002, Nizar Ben Mohammed Nawar, một kẻ tấn công liều chết người Tuynidi, đã cho nổ một chiếc xe tải chứa khoảng 5.000 lít khí đốt hóa lỏng ngay trước Nhà thờ Do thái Ghriba tại Djerba (Tuynidi), đúng vào lúc một đoàn du khách đang chen nhau vào nhà thờ làm 21 người chết, trong đó có 14 người Đức.

Giờ đây, đúng 10 năm sau cuộc khủng bố, những người cứu trợ, gia đình những nạn nhân và những người may mắn sống sót đã hồi tưởng lại sự kiện kinh hoàng này và những cơn ác mộng còn đeo đuổi họ cho tới ngày nay.

Tới một lúc nào đó, Bettina Fischer ngừng đếm những vết mổ mà Niklas phải chịu đựng. Hai mươi vết mổ hay là đã ba mươi? Bettina Fischer chỉ có thể linh cảm được rằng nỗi đau tinh thần còn tồi tệ hơn nữa. Đêm hôm đó, Niklas khóc thét lên. Khi đó, Niklas là một đứa trẻ mới 22 tháng tuổi, tuy không phải con bà, nhưng mùa hè năm 2002 đã nằm trên giường của bà, bị bỏng da tới 60% và bị hành hạ bởi những cơn ác mộng.


Walid Nawar, em trai của tên khủng bố liều chết Nizar Ben Mohammed Nawar. Sau này, Walid bị một tòa án Pháp kết án 12 năm tù vì tội hỗ trợ cho tên khủng bố bằng kỹ thuật và hậu cần như cung cấp giấy tờ giả và điện thoại vệ tinh.


Và cũng tới một lúc nào đó, Helmut và Edith Eckert không thể lên kế hoạch đi nghỉ, mà không nghĩ tới vụ nổ và đám cháy: Thay vì đi Tuynidi hay Ai Cập, giờ đây họ thích đi Tây Ban Nha hơn. Họ không bao giờ muốn thăm lại Djerba.

Đã mười năm trôi qua, kể từ khi tên khủng bố liều chết Nizar Ben Mohammed Nawar gây ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại Djerba, thiên đường du lịch của Tuynidi. Trong 10 năm này, thế giới đã chai sạn đi một chút đối với những hành động khủng bố Hồi giáo, nhưng khi đó, sự kiện 11/4/2002 được coi là mở đầu một giai đoạn mới.

Đó là dấu hiệu sống về cơn giận dữ đầu tiên của Al Qaeda kể từ sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ. Mọi người vừa mới trở lại bình thường một chút. Họ đã dẹp bỏ nỗi sợ hãi và lại tăng cường đăng ký đi nghỉ tại những nước Hồi giáo, thì mạng lưới khủng bố lại đưa ra bằng chứng rằng chúng chưa hề bị đánh bại. Và đây là lần đầu tiên, đa phần dân thường Đức bị rơi vào tầm ngắm của những kẻ khủng bố: Trong số 21 người đi thăm nhà thờ Do thái cổ nhất châu Phi bị tên khủng bố đưa theo vào cõi chết, có 14 người từ nước Đức, những nạn nhân còn lại là người Tuynidi và người Pháp.

Quang cảnh sau vụ nổ do một nữ du khách Đức sống sót chụp được.


Những ai giờ đây tìm cách tiếp xúc với những người sống sót, sẽ nhanh chóng cảm nhận được rằng vết thương còn rất đau đớn. Nhiều người chưa bao giờ trả lời phỏng vấn và bây giờ cũng không muốn. Một số người thậm chí cố tình đăng ký đi nghỉ qua lễ Phục sinh để tránh bị hỏi. Những người khác, như Sieglinde Schuster, thực ra chẳng muốn nói gì, nhưng chỉ nghe tới cái từ "Djerba" trong điện thoại đã đủ tái hiện lại trong đầu họ những hình ảnh đó như một bộ phim và tự nhiên họ nói ra tất cả những điều đó, lửa cháy, tiếng la hét, những người bị chết cháy. Cuối cùng bà nói: "Điều đó làm tôi xúc động, khiến tôi ớn lạnh. Tôi không thể quên được".

Cách đây mười năm, mọi việc diễn ra nhanh chóng: Khi đó, chỉ sau một ngày, các nhà chức trách Tuynidi đã bắt đầu tìm cách xóa bỏ những ký ức về vụ khủng bố. Mặt tiền của nhà thờ Do thái bị cháy xém đã được sơn trắng trở lại, những hàng ghế và cột bị cháy đã được sơn lại. Họ tìm cách xóa bỏ mọi dấu vết, bởi vì theo diễn giải chính thức ban đầu, vụ khủng bố này được coi là một tai nạn bi thảm. Tuynidi quá phụ thuộc vào du lịch nên không muốn làm sáng tỏ sự kiện 11/4.

Ngược lại, khoảng sau một năm Edith Eckert mới tạm thời nguôi ngoai được cú sốc của Djerba. Người phụ nữ 72 tuổi này giờ đây ngồi cùng chồng trong phòng khách ở Zernsdorf, thuộc bang Brandenburg. Bà kể, vào mùa hè, phong cảnh ở đây rất đẹp với nhiều hồ nước, nên bà chẳng đi đâu. Nhưng đầu năm, khi thời tiết lạnh thì bà hay đi khỏi Brandenburg, cũng như năm 2002. Ngoài trời, cành thông đu đưa yên bình theo gió, trong nhà, hồi ức năm xưa trở lại.
Khi vụ nổ đột nhiên xảy ra, đúng lúc Edith Eckert đang chuẩn bị tháo giày để vào phòng cầu nguyện của nhà thờ. Theo bản năng, bà cúi xuống nấp, nhìn thấy lửa cháy, bà nhảy qua một chiếc ghế và bị thương nhẹ ở cẳng chân, bà chạy tới chỗ chồng. Ông chồng quay lại về phía cửa vào nhà thờ và nhìn thấy một đám lửa dữ dội đang lan về phía mình, nhưng nhận ra rằng lửa vẫn còn ở dưới trần nhà. Sau đó, hai vợ chồng chạy trốn vào phòng cầu nguyện, trong khi máy quay video của ông vẫn tiếp tục ghi hình, mà ông không biết.

Trong phòng cầu nguyện, cửa sổ ra sân sau có gắn chấn song sắt. Một số du khách tuyệt vọng lay chấn song, kêu cứu, nhưng chẳng ai giúp. Edith Eckert nhớ lại: "Lúc đó tôi hoảng loạn, tôi nghĩ rằng đây là một nhà tù, đến đây là chấm hết, chúng tôi không bao giờ ra khỏi nơi này được nữa". Bên cạnh bà có một người Tuynidi khoác một tấm áo choàng dài còn đang bén lửa. Eckert nói: "Vào lúc đó, tôi như bị tê liệt, nên không thể cảnh báo cho anh ta hoặc dập tắt ngọn lửa đó". Trong khi đó, chồng bà tìm cách mở cửa sổ đang bị khóa bằng con dao díp, nhưng vô ích.

Vũ Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)

Kỳ cuối: Nỗi ám ảnh nặng nề

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN