Vụ tai nạn với cảnh tượng kinh hoàng
Tối 28/1/1959, chàng thanh niên Igor Alekseyevich Dyatlov, 23 tuổi, dẫn theo một nhóm gồm 8 người, phần lớn đến từ Học viện Bách khoa Ural (Liên Xô cũ), bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Otorten, một ngọn núi ở phía Bắc Urals. Trước khi rời lên đường, Dyatlov đã nói với thành viên câu lạc bộ thể thao của mình rằng ngay sau khi trở về sẽ gửi điện thông báo. Nhưng bức điện đó không bao giờ được gửi đi và không ai trong số những tham gian đoàn thám hiểm còn sống để trở về. Tất cả đã tử nạn trong “Tai nạn Đèo Dyatlov”.
Khi thời điểm trở về như trong kế hoạch (20/2/1959) trôi qua mà không nhận được liên lạc gì từ đoàn thám hiểm, một nhóm cứu hộ tình nguyện đã lên đường. Họ tới Đèo Dyatlov, tìm thấy khu cắm trại không bóng người. Vì vậy, các nhà điều tra quân sự và cảnh sát đã được cử đến để xác định điều gì đã xảy ra với đoàn thám hiểm. Những gì tìm thấy 6 ngày sau đó khiến họ không khỏi bàng hoàng, đồng thời khơi mào cho hàng loạt giả thiết về bí ẩn “Tai nạn Đèo Dyatlov”.
Khi các nhà điều tra đến khu cắm trại, điều đầu tiên họ nhận thấy là chiếc lều đã bị cắt toang. Sau đó, họ phát hiện ra tám hoặc chín dấu chân dẫn đến bìa rừng, cách trại khoảng 1 dặm. Điều đáng chú ý là nhiều trong số dấu chân rõ ràng là của những người không mang tất hoặc chỉ đi một chiếc giày. Nhưng đó cũng mới chỉ là “đường dẫn” tới cảnh tượng rùng rợn.
Ở bìa rừng, dưới tán một cây tuyết tùng lớn, các nhà điều tra đã tìm thấy tàn tích của một đám cháy nhỏ và hai thi thể đầu tiên của Yury Krivonischenko, 23 tuổi và Yury Doroshenko, 21 tuổi. Bất chấp nhiệt độ lạnh dưới 0 độ C vào đêm họ chết, cả hai người được tìm thấy trong tình trạng không giầy và chỉ mặc quần lót. Tiếp đó, họ tìm thấy thêm 3 thi thể, gồm Dyatlov và Zinaida Kolmogorova, 22 tuổi; Rustem Slobodin, 23 tuổi. Họ chết trên đường trở về trại từ cây tuyết tùng.
Bốn thi thể còn lại được phát hiện vào mùa xuân khi tuyết đã tan. Thi thể của họ thậm chí còn cho thấy đã có những câu chuyện khủng khiếp hơn đã xảy ra. Trong khi Nikolai Thibeaux-Brignolles, 23 tuổi, bị tổn thương hộp sọ đáng kể thì Lyudmila Dubinina, 20 tuổi và Semyon Zolotaryov, 38 tuổi, bị gãy xương ngực nghiêm trọng. Tình trạng này vốn chỉ xảy ra trong các vụ tai nạn ô tô với lực đâm cực mạnh. Nhưng khủng khiếp nhất là trường hợp của Lyudmila Dubinina. Cô bị mất lưỡi, mắt, một phần môi cũng như mô mặt và một mảnh xương sọ. Các nhà điều tra cũng tìm thấy thi thể của Alexander Kolevatov, 24 tuổi, trong cùng một vị trí nhưng không có cùng loại vết thương nặng.
Cuộc điều tra vén màn sự thật và lý giải hợp lý nhất
Mặc dù một vụ án hình sự đã được mở vào cuối tháng 2 năm đó, nhưng cuối cùng cơ quan điều tra kết luận rằng “một lực rất mạnh của tự nhiên” đã gây ra cái chết của những người leo núi. Dẫu vậy, vẫn tồn tại rất nhiều giả thiết, từ người ngoài hành tinh tấn công, ngộ độc phóng xạ đến xung đột với người Mansi bản địa, khiến “Tai nạn Đèo Dyatlov” càng thêm bí ẩn. Cuối cùng, vào năm 2019, giới chức Nga đã cho điều tra lại vụ việc.
Theo ông Alexander Kurennoi, đại diện chính thức của Tổng công tố Nga, người thân, giới truyền thông và công chúng vẫn yêu cầu các công tố viên xác minh sự thật và họ nghi ngờ rằng có điều gì đó đã bị che giấu. Tuy nhiên, cuộc điều tra năm 2019 chỉ xem xét các giả thiết xoay quanh lý do thời tiết bởi giả thiết về hành vi của tội phạm là bất khả thi và cũng không có một bằng chứng nào ủng hộ nó. Sau đó vào tháng 7/2020, các nhà điều tra cho biết những người leo núi trong “Tai nạn Đèo Dyatlov” đã chết vì hạ thân nhiệt sau khi một trận tuyết lở đẩy họ ra khỏi lều và chết trong giá lạnh.
Giả thiết tuyết lở tiếp tục thu hút sự chú ý khi hai nhà nghiên cứu ở Thụy Sĩ – Alexander Puzrin, giáo sư kỹ thuật địa kỹ thuật tại ETH Zurich và Johan Gaume, người đứng đầu Phòng thí nghiệm mô phỏng tuyết và tuyết lở tại Ecole Polytechnique Fédérale de Lausanne – công bố một nghiên cứu trên tạp chí tạp chí Communications Earth & Environment vào năm 2021. Báo cáo của họ nói rằng một tảng tuyết lớn kết hợp với độ dốc đặc biệt của Đèo Dyatlov có thể đã tạo ra một thảm họa đặc biệt gây ra cái chết thương tâm cho những người leo núi. Trên thực tế đã có bằng chứng về một trận tuyết lở tại hiện trường.
Mảng tuyết trong vụ lở tuyết năm đó có thể được hình thành bởi sự tích tụ của tuyết trên một con dốc gần khu cắm trại của những người leo núi do gió mạnh. Sau đó, mảng tuyết này kết hợp với “địa hình không đều, vết cắt được tạo ra trên sườn dốc để dựng lều” đã dẫn đến trận tuyết lở khi những người leo núi. Trận tuyết lở ập xuống những người leo núi trong khi họ đang ngủ, buộc họ phải đột ngột chạy khỏi lều trong đêm lạnh giá. Đây có lẽ là lý do thi thể của họ được tìm thấy trong tình trạng khỏa thân, với nhiều vết thương kỳ lạ.
Tác giả chính của nghiên cứu Johan Gaume chia sẻ với Live Science: “Chúng tôi không thể tuyên bố là đã giải quyết được bí ẩn Đèo Dyatlov, vì không một ai sống sót để xác minh câu chuyện. Nhưng chúng tôi đã chứng minh được tính hợp lý của giả thiết tuyết lở”. Để kiểm tra giả thiết của mình, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một mô hình dựa trên các báo cáo thời tiết từ thời điểm xảy ra sự cố để mô phỏng cách trận tuyết lở ập xuống những người leo núi. Vì những người leo núi có lẽ đã nằm ngửa khi ngủ, nên một mảng tuyết bất ngờ rơi vào họ có thể gây ra “những vết thương ở ngực và hộp sọ nghiêm trọng nhưng không gây chết người”.
Sau đó, nhiều người bắt đầu tin rằng “Tai nạn Đèo Dyatlov” cuối cùng đã có lời giải, nhưng họ không phải là tất cả và nghiên cứu không giải thích mọi khía cạnh của những gì đã xảy ra với chín người leo núi đó vào năm 1959, chẳng hạn như tại sao một người đã bị mất lưỡi. Dẫu vậy không thể phủ nhận đây là lần đầu tiên xuất hiện một lý giải thực sự mang tính khoa học, chống lại thuyết âm mưu.