Tên đầy đủ của Noriega là Manuel Antonio Noriega Moreno, theo hồ sơ của tòa án Pháp thì Noriega sinh ngày 11/2/1938 tại Panama, nhưng có nhiều tài liệu khác lại nói là ông sinh năm 1934, 1935 hoặc 1940. Noriega có biệt hiệu là “kẻ mặt dứa”, một khái niệm ở Mỹ Latinh để chỉ những người mặt có nhiều mụn trứng cá.
Tướng Noriega thời “ăn nên làm ra”. |
Người ta thường lầm gọi Noriega là cựu Tổng thống của Panama. Mặc dù Noriega là người nắm thực quyền ở Panama từ ngày 12/8/1983 tới 20/12/1989, nhưng chức danh thực của Noriega chỉ là “Tư lệnh Vệ binh quốc gia”. Ngày 15/12/1989, Quốc hội Panama đã chính thức bổ nhiệm Noriega làm Thủ tướng Panama với những quyền hạn đặc biệt và không hạn chế về thời gian. Tuy nhiên, chức danh này chỉ tồn tại được vài ngày trước khi quân đội Mỹ nhảy vào và bắt giam Noriega.
Khi 5 tuổi, Noriega được đưa tới một trại trẻ của nhà thờ và sau đó được đi học. Sau khi tốt nghiệp trung học, Noriega vào quân đội và tốt nghiệp học viện quân sự ở Lima (Pêru). Từ 1964, Noriega phục vụ trong lực lượng Vệ binh quốc gia và cũng được đưa sang Mỹ đào tạo về tâm lý chiến. Cuối năm 1969, Noriega ủng hộ Omar Torrijos giành chức vụ Tổng thống Panama và sau đó được thưởng công bằng chức Tư lệnh tình báo quân đội (G-2). Tháng 8/1983, Noriega được bổ nhiệm làm Tư lệnh Vệ binh quốc gia. Tháng 5/1984, Noriega ủng hộ việc bầu Nicolas Ardito Barletta Vallarino làm tổng thống Panama và bị chỉ trích gay gắt đã gian lận trong bầu cử.
Ngoài việc bị báo chí Mỹ chỉ trích có quan hệ với những tổ chức tội phạm, việc Noriega muốn tiếp tục đường lối của cựu Tổng thống Omar Torrijos như từ chối gia hạn hoạt động của Trường Mỹ (School of the Americas) và có kế hoạch xây dựng một kênh đào Panama mới với những nhà đầu tư và công ty xây dựng Nhật Bản. Kế hoạch này xung đột với lợi ích của công ty Mỹ Bechtel Corporation. Những thành viên trước đây của công ty này hiện đang nằm trong chính phủ của Tổng thống George H.W. Bush. Rốt cuộc, chính phủ Mỹ đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, mà Tổng thống Jimmy Carter năm 1977 đã ký hiệp ước trao trả cho Panama vào năm 2000.
Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Tổng thống Panama Omar Torrijos sau khi ký hiệp định trao trả kênh đào Panama. |
Những chính sách và quan hệ làm ăn phức tạp của Noriega đã biến Noriega từ một đồng minh thân cận trở thành kẻ thù của Mỹ, khiến Mỹ cuối cùng đã huy động một lực lượng vũ trang lớn vào xâm lược Panama, lật đổ và giam giữ Noriega trong gần 20 năm, trước khi dẫn độ ông sang Pháp để rồi tòa án Pháp tiếp tục kết án ông 7 năm tù giam.
Cuộc gặp gỡ giữa đại diện CIA, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm góc vào mùa hè 1986 là một cuộc họp tối mật. Cuộc họp xoay quanh tương lai của Tướng Manuel Antonio Noriega. Một mặt, có những bằng chứng cụ thể cho thấy vị tướng độc tài của Panama tham gia vào kinh doanh ma túy, mặt khác, ông ta giúp đỡ chính quyền Reagan trong cuộc chiến chống lại những người thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng Sandino ở Nicaragoa.
Cuộc họp đã quyết định ủng hộ Noriega và chống lại những người Sandino. Francis McNeil, nhân vật số 2 trong Cục Tình báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhớ lại: “Cuộc họp đã quyết định gác lại hồ sơ của Noriega, cho tới khi tình hình ở Nicaragoa được giải quyết”.
Ngay từ năm 1972, Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ BNDD đã tính tới việc sát hại Noriega vì dính lứu tới việc buôn bán ma túy, khi đó Noriega là người đứng đầu Cơ quan Tình báo quân đội Panama. Kế hoạch sau đó được hủy bỏ. Chính phủ Carter phớt lờ những hoạt động của Noriega, vì không muốn làm ảnh hưởng tới việc phê chuẩn Hiệp định trả lại kênh đào Panama, một khi việc sát hại Noriega bị phát giác.
Chính phủ Reagan lên cầm quyền năm 1981 tập trung vào cuộc chiến chống lại những người cách mạng cánh tả ở Nicaragoa và vì vậy nhắm mắt làm ngơ đối với Noriega, do đó Noriega đã có cơ hội xây dựng Panama trở thành trung tâm buôn bán côcain và cần sa quốc tế. Theo Jose Blandon, nguyên là một nhân viên dưới quyền Noriega thì vì tướng này “không quan tâm tới tư tưởng, chỉ quan tâm tới tiền”. Bằng cách này, Noriega đã kiếm được một tài sản trị giá hàng trăm triệu USD.
Năm 1979, Noriega đã có một cuộc thỏa thuận cá nhân với Ramon Milian Rodriguez, trùm rửa tiền của băng đảng buôn bán côcain Medellin (Côlômbia). Theo Milian, tùy theo hình thức dịch vụ, Tướng Noriega được nhận từ 0,5 tới 10% số tiền được rửa. Nguồn thu nhập này liên tục gia tăng.
Ngoài ra, Noriega còn được nhận tiền thêm cho mỗi lô hàng côcain được tuồn lậu qua Panama. Một bộ máy khổng lồ hỗ trợ cho việc buôn bán ma túy đã được thiết lập ở Panama dưới sự lãnh đạo của Noriega: Quân đội, cảnh sát, hải quan đều được nhận tiền hối lộ hoặc được tham gia chia phần tiền lãi.
Noriega còn dùng chiến thuật “một mũi tên trúng hai đích” với việc thỉnh thoảng lại “bán đứng” những kẻ buôn ma túy của băng đảng đối lập cho các nhà điều tra của Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA). Như vậy, Noriega vừa hạn chế được sự cạnh tranh, vừa làm cho người Mỹ hài lòng.
Tướng Noriega cũng xử sự tinh vi như vậy trong việc tổ chức bộ máy nhà nước: Đại úy Luis Quiel, chỉ huy cao nhất trong lực lượng phòng chống ma túy của Panama, không chỉ có sự liên hệ với băng đảng Medellin, mà còn được chỉ định làm sĩ quan liên lạc với DEA, một sự đơn giản hóa tới thiên tài về luồng thông tin.
Vũ Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)
Đón đọc kỳ 2: Noriega và Mỹ: “Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”