Vào năm 1993, Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton đã sa thải Giám đốc FBI William Sessions sau khi ông này từ chối từ chức do vướng vào lùm xùm về đạo đức nghề nghiệp.
Trụ sở FBI ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo tờ Los Angeles Times, Văn phòng Điều tra Trách nhiệm Nghiệp vụ thuộc Bộ Tư pháp đã điều tra ông Sessions từ năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống thứ 41 George H.W. Bush. Tổng thống thứ 40 Ronald Reagan là người đã đề cử ông Sessions đảm nhận vị trí Giám đốc FBI.
Bộ Tư pháp đã phát hiện ông Sessions tham gia giao dịch giả mạo để trốn thuế trong việc sử dụng xe limousine của FBI để đi làm. Bên cạnh đó, Sessions còn yêu cầu chính phủ chi trả cho hàng rào an ninh quanh nhà ông này mặc dù thực chất việc này không củng cố thêm an ninh. Ông Sessions còn sắp xếp các chuyến công tác tới những địa điểm mà ông có thể gặp gỡ họ hàng.
Ông Sessions khi đó một mực phủ nhận thông tin trên đồng thời từ chối từ chức.
Với đề xuất từ Bộ trưởng Tư pháp Janet Reno, ông Clinton đã ra quyết định sa thải Giám đốc FBI Sessions.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Clinton nêu rõ: “Chúng ta không thể để cơ quan quan trọng với nước Mỹ là FBI có khoảng trống lãnh đạo. Đây là thời điểm mà chương khó khăn trong lịch sử FBI đi đến hồi kết”.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo tạp chí Newsweek, kể từ năm 1968, Giám đốc FBI thường giữ vị trí trong nhiệm kỳ 10 năm và không được tái bổ nhiệm. Tổng thống sẽ là người đề cử giám đốc FBI trong khi Thượng viện Mỹ sẽ là nơi cuối cùng thông qua đề cử.
FBI trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ và giám đốc cơ quan này hoạt động dưới quyền của Bộ trưởng Tư pháp đồng thời có nhiệm vụ báo cáo với giám đốc cơ quan tình báo quốc gia.
Theo Newsweek, Tổng thống Mỹ có quyền sa thải Giám đốc FBI mà không cần nêu lý do cho quyết định này.
Ông Scott Bomboy tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia Mỹ cũng phân tích rằng chức vụ giám đốc FBI là "một nhân viên không ràng buộc" và tổng thống có quyền sa thải Giám đốc FBI theo ý mình.