Hull biết rằng mình cần thêm tiếp tế nếu muốn giữ vững Detroit. Ông cử Trung tá James Miller đến Maumee Rapids để lấy số đồ tiếp tế mà Van Horne không lấy được.
Miller dẫn 280 lính chính quy và 330 dân quân Ohio lên đường, tiến đến Maguaga. Ngày 9/8, họ đụng độ một lực lượng hỗn hợp gồm quân Anh, dân quân Canada và chiến binh bản địa. Quân Mỹ giữ vững trận địa, nhưng với cái giá đắt: 70 thương vong, so với chưa đến 30 người của đối phương. Miller bị chấn động tâm lý, hoảng sợ trước viễn cảnh bị phục kích, nhất quyết không chịu tiến lên. Hull bất lực, đành phải ra lệnh cho Miller trở về Detroit.
Ngày 13/8, quân tiếp viện Anh đổ bộ lên Amherstburg, dẫn đầu là Thiếu tướng Isaac Brock, tư lệnh cao lớn, lực lưỡng của Thượng Canada. Brock đã dành nhiều tuần trước đó để tập hợp dân quân và chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược. Biết tin Hull rút lui, Brock quyết tâm truy kích và bao vây Detroit. Ông nghiên cứu kỹ lưỡng các công văn thu giữ của Mỹ, phát hiện ra hai điểm yếu chí mạng: quân đội Mỹ chủ yếu là dân quân vô kỷ luật và Hull cực kỳ sợ hãi người Mỹ bản địa.
Gần nửa đêm, Brock gặp Tecumseh. Hai người đàn ông, một vị tướng Anh và một thủ lĩnh người Shawnee, đứng bên bản đồ, lặng lẽ đánh giá đối phương.
Detroit thất thủ
Ngày 12/8, quân Mỹ rút về Detroit trong tư thế uể oải và bất mãn. Âm mưu nổi loạn âm ỉ lan truyền. Một số binh lính toan tính lật đổ Hull, đưa McArthur lên thay thế, trong khi các sĩ quan viết thư cho thống đốc Ohio phàn nàn về vị tướng hèn nhát.
Ngày 14/8, Hull cử McArthur, Cass và 350 người bất mãn nhất đi hộ tống đoàn tiếp tế. Động thái này tạm thời xoa dịu tình hình trong pháo đài, nhưng cũng làm suy yếu đáng kể lực lượng phòng thủ. Cùng lúc đó, Hull nhận được một lá thư bị chặn của quân Anh. Nội dung lá thư khiến ông hối hận vì đã điều quá nhiều quân ra ngoài.
Lá thư viết rằng không cần thêm người Mỹ bản địa đến Amherstburg nữa, vì đã có 5.000 chiến binh sẵn sàng tấn công Detroit và nguồn cung cấp không đủ để tiếp tế cho thêm người.
Đó là một trò bịp bợm. Brock, nắm thóp nỗi sợ của Hull, cố tình phóng đại quân số và để lá thư lọt vào tay quân Mỹ. Thực tế, Brock chỉ có 1.300 lính và 600 chiến binh bản địa, bằng một nửa quân số của Hull.
Nhưng lá thư chỉ là mở màn cho cuộc chiến tâm lý. Brock cho quân đóng trại gần Detroit, ở phía bên kia sông, thắp nhiều đống lửa để tạo ảo giác về một đội quân hùng hậu và trang bị cho dân quân đồng phục của Trung đoàn 41 để đánh lừa quân Mỹ rằng mình có nhiều lính chính quy hơn.
Cuối cùng, Brock gửi thư cho Hull, yêu cầu đầu hàng, kèm theo lời đe dọa: “Tôi không muốn tiến hành một cuộc chiến tiêu diệt, nhưng ngài nên biết rằng rất đông chiến binh da đỏ đang theo tôi, và khi giao tranh bắt đầu, tôi không thể kiểm soát được họ”.
Hull lo sợ nhưng vẫn từ chối đầu hàng. Ông vội cử người đi triệu hồi McArthur và Cass.
Ngày 15/8, cuộc vây hãm bắt đầu. Pháo binh Anh từ bên kia sông Detroit nã đạn vào pháo đài suốt buổi chiều. Rạng sáng 16/8, Tecumseh dẫn đầu các chiến binh vượt sông, theo sau là quân của Brock.
Brock chia quân, vòng ra phía sau Fort Detroit, nơi phòng thủ yếu nhất. Tecumseh cho quân diễu qua một khoảng trống trong rừng, mỗi người đi vòng lại ba lần, tạo ảo giác một đội quân hùng hậu hàng nghìn người. Quân phòng thủ Mỹ hoang mang, rối loạn trước tiếng đại bác gầm rú và tiếng thét xung trận của các chiến binh da đỏ. Một quả đạn pháo rơi trúng khu vực sĩ quan, giết chết bảy người Mỹ và làm bị thương nhiều người khác, khiến tinh thần binh lính hoàn toàn sụp đổ.
Hull tin rằng thất bại là không thể tránh khỏi. Nhớ lại lời cảnh báo của Brock, ông biết mình phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn một cuộc thảm sát. Cờ trắng đầu hàng được kéo lên ngay khi Brock chuẩn bị ra lệnh tấn công.
Vài giờ sau, Brock cưỡi ngựa tiến vào Fort Detroit trong tiếng kèn vang dội bài "The British Grenadiers". Nhiều binh lính Mỹ phẫn uất, nguyền rủa Hull là kẻ phản bội. McArthur và Cass chạy về ứng cứu, chỉ kịp nhìn thấy lá cờ Liên hiệp Anh tung bay trên pháo đài. Cass đau đớn thốt lên rằng Hull đã làm nhục quốc thể, rồi bẻ gãy thanh kiếm của mình.
1.600 dân quân Ohio được thả về nam, 582 quân chính quy bị bắt làm tù binh và được đưa đến Quebec. Một số người không chịu nổi chặng đường dài, đã bỏ mạng trên đường đi. Khi quân Mỹ đang bị tập trung, Tecumseh bước vào pháo đài. Một nhân chứng kể lại hình ảnh vị thủ lĩnh da đỏ ngồi lặng lẽ trong pháo đài, rít thuốc lá, vẻ mặt điềm tĩnh, nhưng ánh mắt ánh lên niềm hân hoan tột độ.
Sự thất thủ của Detroit không chỉ giúp người Anh đặt chân lên đất Mỹ, mà còn khích lệ nhiều bộ tộc người Mỹ bản địa nổi dậy tấn công các khu định cư.
Brock trở thành người hùng ở Canada, còn liên minh các bộ tộc da đỏ của Tecumseh dường như sắp thành hiện thực. Hull trở thành tội đồ, gánh chịu mọi trách nhiệm cho thất bại. Năm 1814, ông bị đưa ra tòa án binh, lãnh án tử hình. Sau đó, Tổng thống Madison đã giảm án xuống khai trừ khỏi quân đội, ghi nhận công lao của Hull trong Chiến tranh cách mạng.
Trận Detroit là một bài học xương máu về sự chủ quan, nhẹ dạ và hậu quả tàn khốc của nỗi sợ hãi trong chiến tranh. Đó là một vết nhơ trong lịch sử quân sự Mỹ và là lời nhắc nhở về cái giá phải trả cho sự thiếu chuẩn bị và những quyết định sai lầm.