Việc lên kế hoạch chiến lược, chiến thuật về cơ bản đều chú trọng đến việc bảo vệ sườn cho đơn vị khi tiến quân. Bên sườn phải của trục tiến đến sông Ruhr, thông qua hành lang Stolberg buộc phải đi qua rừng Hurtgen. Xuyên qua khu rừng có hai sống núi bị chia cắt bởi những hẻm núi sâu của sông Kall chạy từ đông sang tây hướng đến sông Ruhr. Do cây cối đã bị đốn sạch nên cả 2 sống núi đều thành những điểm quan sát và trận địa pháo cực tốt.
Ngày 14/9, các lực lượng Mỹ bắt đầu hành quân. Mục tiêu ban đầu của các cấp chỉ huy Mỹ là cầm chân quân đội Đức trong khu vực này để ngăn họ tăng viện cho các đơn vị tiền tuyến ở phía bắc trong trận Aachen, nơi quân Đồng minh đang chiến đấu trong các chiến hào nằm giữa các thị trấn và làng mạc được bố phòng gắn liền với các công sự chiến trường, bẫy xe tăng và bãi mìn. Mục tiêu thứ hai có lẽ là để thọc sườn quân Đức, đồng thời giúp bộ binh tiến vào điểm thấp nhất ở trên các trung tâm công nghiệp của Thung lũng Ruhr - một khu vực đô thị ở Nordrhein - Westfalen, Đức, được bao bọc bởi các con sông Ruhr về phía nam, sông Rhine về phía tây, và sông Lippe về phía bắc.
Đoàn xe tải của Lữ đoàn bộ binh 16, Sư đoàn 1 quân đội Mỹ tiến vào rừng Hurtgen. |
Các cuộc tấn công đầu tiên của quân đội Mỹ trong giai đoạn đầu diễn ra vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10, tập trung vào khu làng Schmidt, nơi mà các lực lượng Mỹ đã tìm cách tiếp cận theo những con phố hẹp và nguy hiểm Kall Trail. Tuy nhiên, địa hình trong khu vực này là vô cùng phức tạp, việc tiếp tế và hỗ trợ bằng cơ giới rất hạn chế. Ngoài các bãi mìn, các tay súng bắn tỉa, và các cuộc oanh kích bằng pháo binh của Đức, khu rừng cũng là một cái bẫy giết người khi bộ binh tiến công. Trong vòng ba tuần đầu tiên của cuộc chiến, con số thương vong tăng lên đáng sợ với hơn 4.500 lính Mỹ thiệt mạng và bị thương.
Trong cuốn sách lịch sử có tên: "8 ngôi sao tới chiến thắng" cũng đề cập đến những điều kiện tồi tệ càng ngày càng hành hạ các binh sĩ: "Ngày 14/9 thời tiết chẳng hề thuận lợi chút nào. Cơn mưa phùn rả rích từ chiều hôm trước mỗi giờ lại trở nên nặng hạt hơn. Dần dần mưa tăng cường độ trở thành cơn mưa 'như trút nước' và cứ thế cho đến tận trưa. Đến lúc đó thì mặt đất đã trở thành một đống bùn nhão, ướt nhẹp, lạnh ngắt khiến cho khu rừng càng thêm hắc ám và gây thêm nhiều khó khăn cho binh lính, những người đang căng thẳng tìm kiếm dấu vết quân thù".
Pháo cối Đức bắn phòng thủ chống lại một cuộc tấn công của Mỹ vào ngày 22/11/1944 ở Hürtgen Forest. |
Trung úy Chester H. Jordan, trung đội trưởng chỉ huy một đơn vị tiến vào rừng Hurtgen trong trận đánh này nhớ lại lúc vượt qua biên giới ngày 14/9: “Chẳng có dấu hiệu gì để nhận biết ngoài một cái nhà ga với tấm biển đề chữ ‘ROTT’ treo bên trên. Chúng tôi tiến vào rừng Hurtgen, nơi đơn vị sẽ ở lại trong 2 tháng tới. Hầu hết rừng Hurtgen là đất lâm trường. Thông được trồng thành từng hàng cách nhau từ 2,5 - 3,5 m. Cây trong hàng được trồng rất sát với nhau nên những hàng cây trưởng thành đã tạo nên 1 bức tường hầu như bất khả xâm phạm. Chạy đều đặn song song với các hàng cây là những đai trắng phòng lửa - đó là những con đường đã phát quang cây cối rộng 50 - 100 m. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp những khu vực đã bị khai thác và cây mới được trồng lại thì vẫn còn nhỏ. Đó chính là nơi dễ thủ khó công”.
Vấn đề địa hình phức tạp gây ra nhiều khó khăn cho người Mỹ cũng đồng thời giúp cho các lực lượng Đức quốc xã có lợi thế phòng thủ lớn. Ngoài ra, các công sự bê tông cốt thép mà người Đức gọi là Trường thành phía Tây, được quân Đồng minh biết đến với cái tên "Tuyến phòng thủ Siegfried", được Hitler xây dựng trong những năm 1930 như một hệ thống phòng thủ bảo vệ nước Đức, đã tạo ra các chiến sự phòng thủ kéo dài tới năm 1945. Sương mù, mưa và nước đá cũng giúp người Đức trong việc ngăn chặn sự yểm trợ của không quân Mỹ. Schmidt cuối cùng đã bị các lực lượng Mỹ kiểm soát vào đầu tháng 10, nhưng việc tiếp ứng hạn chế hoặc bị cắt đứt hoàn toàn dọc theo Kall Trail khiến quân đội Mỹ không thể duy trì khả năng kiểm soát trên. Đến ngày 10/11, giao tranh tiếp tục diễn ra nhưng do các tuyến đường cung ứng bị gián đoạn, những nỗ lực nhằm chiếm lại Schmidt và kiểm soát Kall Trail cuối cùng đã bị Mỹ bỏ rơi.
Thay vì đánh giá lại giá trị quân sự của Hurtgen lúc này, các nhà hoạch định chiến lược lại mưu tính trên quy mô lớn hơn nữa. Cuộc họp của các nhà chỉ huy quân sự Mỹ diễn ra ngày 17/11 đã thông qua một kế hoạch có tên là “Chiến dịch Nữ hoàng” (Operation Queen). Đó là một đòn tấn công trên chính diện, quy mô rộng của các Tập đoàn quân số 1 và 9 về hướng sông Ruhr với sự yểm trợ của lực lượng không quân khổng lồ bao gồm tất cả các máy bay oanh tạc đủ kích cỡ. Cuộc tấn công vào rừng Hurtgen giờ đã là phần của một kế hoạch vĩ đại.
Xem Kỳ cuối: Khu rừng đẫm máu