Sự yếu kém của đối phương khiến quân Mỹ mong muốn tiến đến sông Rhine ngày càng tăng. Quân Đồng minh nhận thức rõ điều đang cản bước tiến của mình chính là phòng tuyến Siegfried. Hệ thống công sự của nó chạy qua thành phố Aachen và bao bọc 1 số thị trấn lớn như Stolberg, Düren, Eschweiler, Schmidt - cùng các làng mạc, thôn xóm nhỏ với các nhánh sông và rừng cây rậm rạp. Chỗ mạnh nhất trên Trường thành phía Tây gồm 2 tuyến phòng ngự. Tuyến Scharnhorst gần chỗ quân Đồng minh và tuyến Schill thì lùi sâu hơn về phía sau vài km.
Một đơn vị lính Đức hành quân trong rừng Hurtgen. |
Các kỹ sư Đức đã thiết kế và bố trí khéo léo hơn 3.000 lô cốt, hầm hào, đài quan sát dựa trên những thuận lợi về địa hình như ao hồ, sông suối, đồi núi, rừng cây và các chướng ngại vật thiên nhiên khác. Trong các pháo đài lớn có cả chỗ cho lính đồn trú, kho vũ khí đạn dược, những lối vào và lỗ châu mai bí mật. Mật độ các công trình phòng ngự cho thấy vùng Aachen cùng những khu vực xung quanh đóng vai trò là “cánh cửa” trên con đường ngắn nhất đến Berlin từ phía tây.
Những boong ke lớn, đa phần có hình dạng tròn, nên có thể khiến cho đạn pháo nhắm vào nó trượt đi. Những công trình ấy có cốt thép và được bao phủ bằng lớp bê tông dày 25 - 30 cm. Tường bê tông của những lỗ châu mai dày đến 3 m. Các kỹ sư Đức cũng khéo léo đắp đất che chắn xung quanh lỗ châu mai khiến cho đạn 155 mm dẫu có bắn vào cũng phải bật ra. Đại liên trên các boong ke khống chế hoàn toàn những khu vực trống trải. Xe tăng thì bị những hào rộng 2,5 m sâu 6 m ngăn cản. Những con hào này lại được lô cốt và các dãy ụ bê tông kiên cố cao 1,8 m gọi là "răng rồng" bảo vệ. Đường thì đầy hố bom khiến xe cộ không thể đi lại.
Binh sĩ Mỹ xung quanh một chiếc xe tăng tham gia tấn công vào rừng Hurtgen. |
Hệ thống phòng thủ trên gây ấn tượng mạnh đối với các chuyên gia tình báo và chiến lược, nhưng các chuyến thám sát đã cho thấy rằng quân đội phát xít hiện đang choáng váng và rơi vào tình trạng vô tổ chức nên đã để nhiều nơi trên phòng tuyến Siegfried không có người bảo vệ hoặc có nhưng ở mức tối thiểu. Khi hệ thống công sự này được xây dựng năm 1938, bộ máy tuyên truyền của Adolf Hitler đã huênh hoang rằng Trường thành phía tây là bất khả xâm phạm, điều này làm cho giới lãnh đạo quân sự Anh quốc tin tưởng. Chính vì tin nó là thứ bất khả xâm phạm nên người Anh đã phải nhượng bộ Hitler trong hội nghị Munich năm 1938.
Không như người Pháp quá tin tưởng vào phòng tuyến Maginot, các tướng lĩnh Đức đều hiểu vai trò bảo vệ của phòng tuyến Siegfried chỉ nhằm trì hoãn cuộc tiến công cho đến khi lực lượng dự bị được huy động tới. Nhu cầu nhân lực cho các mặt trận Nga, Italy và Pháp đã lấy đi cả lính phòng thủ trong các boong ke và lực lượng dự bị để bọc lót cho hệ thống phòng ngự trên. Với giới chỉ huy chóp bu Mỹ thì báo cáo từ những chuyến trinh sát đầu tiên của tháng 9 đã cho thấy phòng tuyến Siegfried chỉ tồn tại cho có mà thôi.
Mục tiêu chính của Tập đoàn quân số 1 là kiểm soát sông Ruhr, vốn là dòng suối bắt nguồn từ dãy Ardennes, uốn khúc chảy qua thị trấn Monschau nằm gần biên giới Bỉ, nhận thêm nước từ những nhánh sông nhỏ khi qua thành phố Düren rồi uốn cong lên hướng tây bắc nhập vào sông Meuse của Hà Lan. Qua khỏi sông Ruhr về phía Đức là một vùng đồng bằng trải rộng cho đến chướng ngại thiên nhiên cuối cùng bảo vệ cho nước Đức là sông Rhine. Rất ít trong số những vị tư lệnh “đầy thông thái” của Mỹ để ý đến tầm quan trọng của nhóm các con đập, đặc biệt các đập Schwammenauel và Urft. Nếu quân Đức cho tháo nước mấy con đập này thì sẽ gây ra lũ lụt nghiêm trọng và làm trở ngại đến cuộc tiến công. Các tướng lĩnh, từ Eisenhower cho đến Bradley, Hodges, Joe Collins, lẫn Leonard Gerow về cơ bản đều bỏ qua mối nguy này mà chỉ tập trung vào việc chiếm đất. Việc Sylvan không hề đề cập đến mấy cái đập trong những ghi chép tỉ mỉ của mình là một minh chứng cho điều đó.
Định tung ra đòn kết liễu Đức quốc xã, giới chỉ huy chóp bu quân sự Mỹ với chiến lược không rõ ràng kết hợp với các sai lầm chiến thuật, coi thường những nguyên tắc quân sự cơ bản, thiếu hiểu biết về tình hình, lại tỏ ra cực kỳ kiêu ngạo, những tưởng hứa hẹn một chiến thắng chóng vánh đã phải chuốc lấy những tổn thất nặng nề. Việc ganh đua xem ai chiếm được nhiều đất, giết được nhiều địch, kiếm được nhiều huân chương vốn là việc vẫn thường xảy ra trong các đơn vị quân đội. Tuy nhiên, đôi khi sự hăng hái quá mức đã lấn át cả óc phán đoán và đưa đến những hậu quả tai hại. Trung tâm của cái thảm họa ấy diễn ra tại vùng đất dày đặc cây linh sam (cây thông) cao chót vót có tên là rừng Hurtgen. Thực ra trên khu vực rộng 70 dặm vuông này có đến mấy khu rừng - Hurtgen, Wenau, Roetgen, Monschau và những khoảnh rừng nhỏ nữa - nhưng người Mỹ đã gộp tất cả chúng lại dưới cái tên Hurtgen.
Harry Kemp, chỉ huy một đại đội hỏa lực thuộc Sư đoàn 28 từng tham chiến trong khu rừng nói: “Nếu nhìn từ vùng ngoại ô Đông Nam Aachen sang - thì sẽ thấy nó giống như một đại dương màu xanh đen nhấp nhô trải dài ngút tầm mắt”. Lịch sử quân sự Mỹ viết về giai đoạn quân Mỹ đối mặt với rừng Hurtgen như sau: “Khi bước vào rừng, bạn chỉ muốn kiếm vật gì đó để đánh dấu lối đi ra. Trong thứ bóng tối hắc ám bao quanh bởi những những cây thông khổng lồ, ánh sáng Mặt trời rất hiếm khi len nổi qua các kẽ lá đan xen nhau chằng chịt. Trên tấm thảm lá thông này, máu của lính Mỹ chưa bao giờ đổ nhiều như thế. Trong chiến dịch kéo dài năm tháng này, 7 sư đoàn bộ binh, thiết giáp cùng nhiều đơn vị khác đã bị tổn thất nặng nề”.