Thiên đường ẩn náu của cướp biển - Kỳ cuối:

 Tortuga và New Providence - pháo đài của cướp biển vùng Caribê


Ngoài Port Royal thì Tortuga và New Providence cũng được xem là những pháo đài lý tưởng của hải tặc vùng Caribê. Đây từng là căn cứ của những tên cướp biển khét tiếng như Henry Morgan, Pierre Le Grand, Blackbeard...

 

Đảo hình rùa với những “chiến hữu” của biển khơi

 

Đó chính là Tortuga (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Con rùa”), hòn đảo đã thu hút những người có cùng một tính cách: Căm ghét người Tây Ban Nha. Chính vì lý do này mà thỉnh thoảng, họ đã dùng xuồng và thuyền nhỏ tấn công, cướp bóc những con tàu của người Tây Ban Nha. Dần dần, họ trở thành những cướp biển chuyên nghiệp.


Bức tranh miêu tả cảnh tàu đổ bộ lên đảo New Providence năm 1776.


Theo A. Exquemelin, Pierre LeGrand là tên tướng cướp đầu tiên đã sử dụng hòn đảo làm căn cứ hoạt động của hắn. Tortuga, có kích thước chiều dài 20 dặm và chiều rộng 4 dặm, với một bến cảng tuyệt vời. Cuba, điểm dừng chân cuối cùng tại châu Mỹ của những con tàu chở hàng, trước khi vượt Đại Tây Dương về Tây Ban Nha, đã mang lại cho hải tặc những món hàng béo bở. Lúc đó, những tên cướp tự ví chúng như những chiến hữu của biển khơi. Bất kỳ người nào muốn được ra nhập băng nhóm với chúng đều phải thề tuân thủ nghiêm những điều luật thường được nhắc đến như là tục lệ của biển khơi. Hầu hết những tên cướp ở đây là người Anh hoặc người Pháp nhưng cũng có một số tên là người Hà Lan. Cả những tên cướp khét tiếng như Henry Morgan và L’ Ollonais đã từng sống ở đây.

 

Người Pháp khẳng định chủ quyền với hòn đảo và bổ nhiệm Jean Le Vasseur là Thống đốc đầu tiên. Ông chào đón bất kỳ tên cướp nào đến với Tortuga miễn là chúng nộp lại cho ông một phần của cải cướp được. Năm 1650, ông đã đưa vài trăm gái điếm đến hòn đảo để phục vụ bọn cướp. Sau khi ông mất, người Pháp mất quyền kiểm soát Tortuga và rồi hòn đảo này rơi vào tay người Tây Ban Nha. Những băng cướp bị giải tán. Năm 1656, người Anh chiếm được Tortuga và mời những tên cướp quay trở lại. Ba năm sau, người Pháp lại dành được quyền sở hữu và kể từ đó họ rơi vào một cuộc chiến tranh với người Anh. Họ đã dựa vào những tên cướp biển để bảo vệ chủ quyền hòn đảo.

 

Đến đầu những năm 1670, Petit Goave đã tiến hành một số thay đổi. Tortuga không còn là căn cứ hoạt động chính của hải tặc, tuy nhiên không ít tên cướp vẫn sử dụng nơi đây làm điểm xuất phát để đi cướp và chứa của cải cướp bóc được. Cho đến năm 1688, Tortuga mới không mang tiếng là nơi ẩn náu của hải tặc nữa.

 

New Providence - Hơn cả thiên đàng

 

Nơi ẩn náu nổi tiếng cuối cùng của cướp biển ở vùng Caribê là New Providence ở Bahamát. Nơi đây trở thành thuộc địa vào năm 1656 nhưng những kẻ thống trị ít quan tâm đến nên có rất ít khu dân cư phát triển. Đến năm 1670, New Providence đã trở thành một nơi ẩn náu an toàn cho những tên cướp biển.


Tortuga ngày nay.


Theo cuốn sách Lịch sử cướp biển, hòn đảo này dài khoảng 28 dặm và chỗ rộng nhất là 11 dặm. Nó có một bến cảng đủ lớn để chứa 500 tàu thuỷ. Trước mặt New Providence là một hòn đảo nhỏ hình thành nên hai con lạch dẫn vào trong cảng. Ở bất kể phía nào đều có một thanh chắn bắc qua khiến cho không con tàu nào tải trọng quá 500 tấn có thể vượt qua. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả những tàu cướp biển đều có thể vào neo đậu trong cảng, còn tàu chiến thì không.

 

Khoảng cách gần với các thuộc địa ở Bắc Mỹ đã mang lại cho những tên cướp biển những chuyến tàu chất đầy hàng hoá và những thị trường mà chúng có thể tiêu thụ đồ ăn cắp được. New Providence cũng nằm ngay chính giữa trung tâm của những tuyến đường buôn bán trên biển nối châu Âu và vùng phía tây Ấn Độ. Những vịnh và lạch nhỏ ở Bahamát giúp chúng có thể dễ dàng lẩn trốn mỗi khi bị truy đuổi hay sửa chữa tàu thuyền mà không sợ bị bắt giữ. Động đá vôi là những nơi thuận tiện cho bọn cướp cất giấu của cải. Lương thực, nước ngọt, và gỗ để sửa chữa tàu thuyền cũng rất sẵn có ở đây. Những quả đồi quay mặt ra cảng giúp cho người ta có thể dễ dàng quan sát mọi thứ trong khoảng cách hàng dặm. Những tên cướp biển có thể phát hiện được từ trước đó rất lâu những “con mồi” sắp đến hay những tàu săn lùng chúng trước khi những con tàu này đến gần được hòn đảo.

 

Henry Jennings là tên cướp đầu tiên nhận ra được những lợi thế cho một nơi ẩn náu của cướp biển của New Providence. Edward Teach (Blackbeard-Râu Đen), Edward England, Christopher Condent, Ben Hornigold, Charles Vane, Calico Jack Rackham, Anne Bonny, và Stade Bonnet tất cả đều đã đặt chân lên hòn đảo này. Nhiều tên cướp đã không ngần ngại bày tỏ “nguyện vọng” khi chết, chúng không muốn lên thiên đàng mà muốn được… quay trở lại New Providence!

 

Đến năm 1716, cướp biển đã trở thành một nguy cơ đe doạ công việc buôn bán đến mức nước Anh đã quyết định phải tiêu diệt bằng được những băng nhóm này. Hai năm sau đó, toàn quyền đầu tiên của hoàng gia được ba tàu chiến hộ tống đến New Providence. Tên ông ta là Woodes Rogers và chính phủ tin rằng cách tốt nhất để bắt được một tên cướp biển là sử dụng một tên cướp biển. Do trước đây đã từng là một cướp biển và quen biết nhiều tên khác nên Rogers đã phát triển một chiến lược nhằm thực thi sứ mệnh của mình.

 

Trước hết, ông ban hành các đạo luật và đưa ra các thông báo. Ông cũng cho hưởng chế độ khoan hồng nếu như bất kỳ tên cướp nào mong muốn. Ít nhất một lần có khoảng từ 600 đến 2.000 tên cướp đến xin được khoan hồng. Mục đích của cách làm này là để chứng tỏ quyền lực. Rogers tin rằng nếu ông sử dụng vũ lực thì những tên cướp sẽ cho rằng ông thực ra đang lợi dụng vũ lực. Hai là, ông đã tiến hành một chính sách không đối đầu. Chừng nào mà bọn cướp không còn có hành động cướp bóc nữa, ông sẽ bỏ quả tất cả những hành vi của chúng.

 

Cuối cùng, ông đã động viên những tên cướp biển bỏ nghề giúp đỡ truy đuổi những tên cướp biển khác. Những tên bị bắt sẽ bị truy tố, kết án và xử tử. Tháng 12/1718, Rogers khẳng định mục tiêu chấm dứt tình trạng cướp biển hoành hành bằng cách treo cổ một số lượng lớn những tên cướp biển. Chẳng bao lâu sau, New Providence sạch bóng không còn một tên cướp biển và từ đó, cướp biển vùng Caribê cũng giảm mạnh.

 


Đình Vũ (Tổng hợp)

 

Thiên đường ẩn náu của cướp biển  - Kỳ 2
Thiên đường ẩn náu của cướp biển - Kỳ 2

Port Royal nằm dọc tuyến đường biển nối giữa Tây Ban Nha và Panama là một bến cảng an toàn khác cho những tên cướp biển. Ban đầu, Port Royal (nay thuộc Giamaica) được đặt dưới sự cai trị của người Tây Ban Nha, nhưng đến năm 1655, nó đã bị người Anh xâm chiếm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN