Từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc đến nay, Hải quân Mỹ chỉ bị mất hai tàu ngầm là USS Thresher và USS Scorpion. Con tàu thứ hai, được cho là đang chở theo 2 vũ khí hạt nhân, đã không thể quay trở về căn cứ sau khi làm nhiệm vụ tuần tra.
Sau 55 năm, xác tàu Scorpion cùng lò phản ứng hạt nhân và hai vũ khí hạt nhân của nó vẫn nằm lại dưới đáy Đại Tây Dương. Lầu Năm Góc chưa từng lý giải được nguyên nhân khiến chiến hạm này và 99 thành viên thủy thủ đoàn gặp nạn.
Thế mạnh về tốc độ
USS Scorpion là tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Skipjack. Scorpion và những chiếc cùng lớp là một nhóm trong thế hệ tàu ngầm mới được thiết kế để đạt tốc độ dưới nước lớn hơn trên mặt nước. Việc sử dụng năng lượng hạt nhân thay vì động cơ diesel truyền thống cho phép tàu ngầm dành phần lớn thời gian chìm hoàn toàn dưới nước, thay vì phải liên tục nổi lên và lặn xuống gần vùng biển của kẻ thù. Phần thân tàu hình giọt nước của nó giúp tối ưu hóa di chuyển dưới nước.
Nhờ sự đổi mới này, tàu ngầm lớp Skipjack có thể đạt tốc độ 33 hải lý/giờ dưới nước, tức chạy nhanh hơn 30% so với tàu ngầm lớp Skate. Scorpion được cung cấp năng lượng bởi một lò phản ứng hạt nhân Westinghouse S5W duy nhất với công suất 11.000 kilowatt. Nó có trọng lượng choán nước 3.000 tấn dưới nước và chiều dài hơn 76 mét. Tàu ngầm này được trang bị sáu ống phóng ngư lôi 533 mm và mang theo cả vũ khí chống tàu nổi và chống tàu ngầm.
Mặc dù được cải tiến rõ rệt, số phận của tàu Scorpion lại không may mắn.
Ngày 20/5/1968, Hải quân Mỹ đã ra lệnh cho một trong những tàu ngầm nhanh nhất của mình, USS Scorpion, thực hiện sứ mệnh do thám công nghệ cao. Scorpion vừa tham gia diễn tập với Hạm đội số 6 của Mỹ ở Biển Địa Trung Hải và đã được chuyển hướng để đối phó với lực lượng đặc nhiệm Hải quân Liên Xô ở phía Tây Nam quần đảo Canary.
Nhóm tàu của Liên Xô gồm một tàu ngầm diesel-điện lớp Echo-II, một tàu khu trục, một tàu cứu hộ tàu ngầm, hai tàu khảo sát thủy văn và một tàu chở dầu. Theo các nguồn tin, nhóm tàu trên đang tiến hành một hoạt động tình báo riêng nhằm đo các tín hiệu âm thanh tàu chiến của khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khu vực.
Ưu thế tránh bị phát hiện của Scorpion hoàn toàn phù hợp để làm nhiệm vụ bí mật này. Ngày 21/5, tàu ngầm này đã báo cáo vị trị của nó qua máy phát thanh, cách khu vực Azores của Bồ Đào Nha khoảng 400km. Thủy thủ đoàn ước tính nó sẽ quay trở lại sau khi kết thúc nhiệm vụ vào ngày 27/5. Nhưng kể từ lần báo cáo đó, tàu Scorpion vĩnh viễn mất tín hiệu.
Ba giả thuyết, không kết luận
Đến ngày 24/5, Phó Đô đốc Arnold Schade, Chỉ huy Hạm đội Tàu ngầm Đại Tây Dương, biết rằng tàu ngầm này đã không phản hồi các tin nhắn liên lạc bí mật. Ba ngày sau đó, họ chính thức tuyên bố nó đã mất tích. Trong vòng vài giờ, Hệ thống giám sát âm thanh (SOSUS) - một mạng lưới dưới nước được thiết kế để phát hiện các tín hiệu âm thanh của tàu ngầm Liên Xô - đã dò ra vết nứt trên thân tàu Scorpion khi nó lao xuống vượt quá độ sâu mà thân tàu có thể chịu đựng.
Ngày 28/10, Scorpion được tìm thấy ở độ sâu 3.300 mét dưới nước, cách quần đảo Azores khoảng 650km về phía Tây Nam. Không ai trong số 99 thủy thủ sống sót.
Bản báo cáo của Hải quân Mỹ về vụ chìm tàu này đã không thuyết phục được dư luận. Trong khi đó, các chuyên gia hải quân đề xuất khả năng tàu ngầm này đã bị đánh chìm vì sự cố ngư lôi “quá nhiệt” - vũ khí đột ngột hoạt động khi vẫn còn trong ống phóng ngư lôi. Bổ trợ thêm cho giả thuyết này là thực tế rằng chiếc tàu ngầm đã được tìm thấy ở hướng ngược lại so với lộ trình định trước. Một giải pháp phổ biến đối với ngư lôi “quá nhiệt” là cho tàu ngầm quay theo hướng ngược lại, kích hoạt cơ chế khai hỏa của ngư lôi.
Một giả thuyết khác là Bộ phận xử lý rác (TDU) của tàu ngầm đã gặp trục trặc. TDU cho phép thủy thủ đoàn tàu ngầm xử lý chất thải trên biển thay vì tích tụ chúng trong tàu ngầm. Scorpion vốn bị cho là gặp quá nhiều vấn đề về máy móc đến nỗi một số thủy thủ đã sửa tên nó thành Scrapiron (Sắt vụn). Thời điểm gần xảy ra thảm họa, tàu Scorpion đã đề nghị thay TDU mới và thiết bị này đã từng gây ra sự cố tràn nước vào trong khoang. Giả thuyết cho rằng một TDU bị trục trặc có thể khiến nước biển tràn vào phần ắc quy chì-axit nặng 69 tấn của tàu ngầm, khiến nó bị đoản mạch và phát nổ.
Giả thuyết thứ ba cho rằng Scorpion là nạn nhân của một vụ tích tụ khí hydro gây chết người, thứ mà ắc quy phụ tạo ra trong lúc nạp năng lượng. Không màu và không mùi, hydro rất khó phát hiện và thường không đáng lo ngại, trừ khi quá trình tích tụ diễn ra trong một ống kim loại kín, có áp suất. Một tia lửa duy nhất có thể đốt cháy khí hydro, tạo ra một vụ nổ có khả năng xé toạc thân tàu.
Bài học sau thảm họa
Ngoài lò phản ứng hạt nhân của Scorpion, vụ chìm tàu còn khiến hai quả ngư lôi chống ngầm MK.-45 Astor có đầu đạn hạt nhân biến mất. Astor được trang bị đầu đạn hạt nhân W34, có đương lượng nổ tương đương 11.000 tấn TNT và sức công phá bằng khoảng 2/3 quả bom ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Hải quân Mỹ đã tiến hành những thay đổi sâu rộng đối với hạm đội tàu ngầm kể từ vụ mất tích của tàu USS Thresher năm 1963. Chương trình Subsafe đã ra đời nhằm đảm bảo rằng các tàu ngầm được chế tạo theo quy định an toàn là trên hết, trong đó có cả khả năng giúp một tàu ngầm gặp sự cố nổi lên trong mọi điều kiện. Mặc dù Scorpion không được chế tạo theo Subsafe, các thế hệ tàu ngầm kế tiếp đã được chế tạo dựa trên các tiêu chuẩn chính xác của chương trình này. Hai tàu ngầm là San Francisco và Connecticut đã sống sót sau những vụ va chạm lớn với những ngọn núi ngầm. Chúng có thể nổi lên và thậm chí quay trở lại cảng.
Vụ chìm tàu USS Scorpion là một thảm kịch đã củng cố nhu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối trên các tàu ngầm của Hải quân. Cái chết của 99 người cùng với sự biến mất của hai vũ khí hạt nhân là một bài học to lớn. Chúng ta có thể không bao giờ biết chuyện gì đã xảy ra với Scorpion, nhưng chúng ta biết rằng nếu điều đó lặp lại, một tàu ngầm và thủy thủ đoàn của nó gần như chắc chắc có cơ hội trở về nhà.