Năm 2008, Tổng thống Mỹ George W. Bush bãi bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Libi và rút nước này khỏi danh sách "các quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố".
Nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi. |
Các công ty dầu lửa xuyên quốc gia đã lao đến Libi tìm cách kiểm soát các mỏ dầu khổng lồ của nước này. Như đã từng làm trong chiến tranh, họ mang đến Libi nhiều loại vũ khí, từ súng ống, đạn dược đến những chiếc máy bay chiến đấu tinh vi. Nhiều kẻ dương dương tự đắc tuyên bố, chính họ đã buộc Kadhafi cuối cùng phải từ bỏ lập trường cấp tiến của ông.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice. |
Cũng trong năm đó, Kadhafi đã đón Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice sang thăm Libi. Tiếp theo, nhiều nguyên thủ quốc gia cũng đã tới Tripôli như Thủ tướng Anh Tony Blair và người kế nhiệm Gordon Bown, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos và Thủ tướng nước này Rodriguez Zapatero đã hạ mình khi bán cho Libi một số lượng vũ khí trị giá 3,5 tỉ euro.
Ông Kadhafi bỗng nhiên trở thành ngôi sao trên chính trường quốc tế. Lần đầu tiên ông được mời tham dự cuộc họp Đại hội đồng LHQ, và trong dịp này, ông đã được Tổng thống Barack Obama của Mỹ tiếp đón. Ông Kadhafi cũng được mời sang thăm Pháp, Italia, Tây Ban Nha và luôn được đón tiếp như “Vua của các Vua”, “Sư tử của sa mạc Sahara”.
Năm 2009, ông Kadhafi được bầu làm Tổng Thư ký của Liên minh châu Phi (AU). Ông đã bày tỏ quyết tâm tiếp tục phấn đấu cho việc thiết lập sự liên kết của các nước châu Phi và sự hình thành của Hợp chủng quốc châu Phi. Những phát biểu của ông tại diễn đàn này chứng tỏ lập trường cấp tiến và xã hội chủ nghĩa của ông vẫn được giữ nguyên.
Tháng 3/2010, một trong 8 người con của ông là Hanibal bị nhà chức trách Thụy Sĩ bắt giam vì đã ngược đãi hai người nội trợ trong gia đình. Ông Kadhafi đã đình chỉ bán dầu lửa và tiến hành các cuộc trả đũa bổ sung về kinh tế và thương mại chống Thụy Sỹ, đồng thời kêu gọi thánh chiến chống Bécnơ và tuyên bố muốn “xóa Thụy Sĩ khỏi bản đồ”.
Ông Kadhafi luôn được các nữ vệ sĩ bảo vệ. |
Nhưng Liên minh châu Âu (EU) không vội vàng tố cáo lời đe dọa của ông Kadhafi và chọn một lập trường hoàn toàn trái ngược với lập trường đã áp dụng với Iran, quốc gia cũng từng tuyên bố muốn "xóa Ixraen khỏi bản đồ". Không những thế, EU còn công khai xin lỗi vì đã cấm các công dân Libi đến châu Âu, vì cuộc xung đột giữa Thụy Sỹ và Libi.
Cách hành xử của Kadhafi thường bị đánh giá là quá khích. Khi đến New York tham dự cuộc họp Đại hội đồng LHQ, ông thường yêu cầu được phép dựng chiếc nhà bạt “beduina” khổng lồ của mình ở một công viên nào đó. Tại đó, ông tiến hành các thương vụ làm ăn và tiếp đón quý khách. Hay trong một cuộc họp thượng đỉnh của Liên đoàn Arập (AL), ông Kadhafi đã đeo găng trắng trên bàn tay phải, với lý do "để tránh bị nhiễm trùng khi bắt tay một số nguyên thủ quốc gia có thể đã bắt tay các quan chức Ixraen". Trong các chuyến công cán, ông Kadhafi còn có thói quen mang theo hàng tá nữ vệ sĩ trẻ trung, xinh đẹp - những người không chỉ bảo vệ mà còn chăm sóc ông, cả việc ăn uống, để không bao giờ thiếu pho mát dê và hạt điều. Ví như trong lần đến Rôma với tư cách là khách mời danh dự của Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi, ông đã kéo theo 200 nữ vệ sĩ được trang bị súng AK để tạo thành những vành đai an ninh vây quanh ông. Các nữ vệ sĩ của ông Kadhafi đều là những chuyên gia võ thuật, sử dụng súng và dao thành thạo, có thể lái máy bay, trực thăng và tàu thuyền. Họ được huấn luyện về bắn tỉa, sử dụng thuốc nổ và các hoạt động gián điệp.
Julio Cesar Centero- Lưu Vạn Kha (lược dịch)
Đón đọc kỳ cuối: Sự tráo trở của phương Tây