Đến thế kỷ thứ 3, các nhà máy địa phương dọc biên giới đã sản xuất hàng nghìn vũ khí, chủ yếu là dao kiếm và lưỡi giáo, không chỉ trang bị cho các doanh trại La Mã mà còn cung cấp cho các chiến binh bộ lạc.
Chỉ cần các thị tộc phục tùng đế quốc và hạn chế các cuộc đột kích thì họ không phải là mối đe dọa đối với La Mã. Nhưng trước sức ép của các bộ lạc khác muốn cướp phá hoặc tìm kiếm những miền đất tốt hơn, các thị tộc lớn dọc biên giới bắt đầu trở thành mối đe dọa, xuất phát từ sự di cư ồ ạt vào biên giới của đế quốc.
Các thủ lĩnh bộ lạc, đến thời điểm này có thể hậu thuẫn và trang bị cho các quân đội có quy mô đáng kể, đã áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc và toàn thời gian của La Mã. Kết quả là sự ra đời của các lực lượng vũ trang bán chuyên nghiệp với các chỉ huy từng phục vụ trong quân đội La Mã. Một ví dụ của thông lệ lâu đời này là Arminius, một tù trưởng German. Các chiến binh của ông đã tiêu diệt 3 quân đoàn La Mã trong Trận rừng Teutoburg năm thứ 9 trước Công nguyên.
Đến cuối thế kỷ thứ 2, tính chất và mức độ của mối đe dọa mà La Mã phải đối mặt xuất phát từ phía bên kia đường biên giới phía tây đã thay đổi chóng vánh. Các bộ lạc nói tiếng Đức đã hợp nhất thành những liên bang lớn có tổ chức về mặt chính trị, do các chỉ huy chiến binh lãnh đạo và sở hữu những quân đội tinh nhuệ. Họ vẫn thường xuyên tấn công và cướp phá các khu định cư của người La Mã bên phía biên giới của mình. Các cuộc tấn công như vậy đôi khi dẫn đến đòn giáng trả khốc liệt của La Mã.
Khi chịu áp lực từ các bộ lạc khác hoặc bị cám dỗ bởi viễn cảnh đời sống vật chất khá hơn, thì những bộ lạc này có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đế quốc.
Mùa đông năm 166, hai bộ lạc German là Langobardi và Ubii đã đột kích tỉnh Pannonia của La Mã (thuộc Hungary ngày nay ở phía nam sông Danube). Một năm sau, hai bộ lạc hùng mạnh khác là Marcomanni và Victuali yêu cầu vượt sông Danube đến định cư bên trong đế quốc. Sở dĩ họ làm như vậy là do chịu sức ép từ các bộ lạc cách xa biên giới muốn tìm cách chiếm đóng khu vực này. Rome đã phản ứng chậm chạp. Hoàng đế Marcus Aurelius (161 - 180) đang có chiến tranh với đế quốc Pathia và phải tập trung lực lượng cho cuộc chiến đó.
Sự mở rộng lãnh thổ của các bộ lạc German. |
Các cuộc chiến của bộ lạc Marcomanni không chỉ đơn thuần là những cuộc đột kích biên giới. Các bộ lạc German đã cướp phá một số thành phố và gây thiệt hại ở khắp nơi. Khi chiến sự đang diễn ra thì một số bộ lạc tìm cách di cư ồ ạt. Từ năm 235 - 275, các man tộc đã phát động những cuộc tấn công quy mô lớn dọc đường biên giới phía tây của La Mã, một số bộ tộc đã định cư ở bên trong biên giới đế quốc. Các học giả gọi giai đoạn này là Cuộc khủng hoảng thế kỷ thứ 3. Các bộ lạc chiến binh nay đã trở thành một lực lượng phải dè chừng và họ vẫn luôn là mối hiểm dọa trong hai thế kỷ tiếp theo cho đến khi La Mã hoàn toàn thất thủ ở đường biên giới dọc Rhine và Danube.
Một yếu tố quan trọng khiến Rome không thể đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn của các man tộc là tình trạng nội chiến giữa các hoàng đế và những kẻ âm mưu tiếm quyền, thường là những tướng lĩnh hay các sĩ quan khác ủng hộ một số nhân vật giành ngôi báu. Giao tranh gây thương vong lớn, làm gián đoạn các hoạt động huấn luyện và nguồn cung nhân lực đồng thời khiến Rome phải rút các đơn vị từ vùng biên ải dọc sông Rhine và Danube. Trong các cuộc xung đột lần lượt với Hoàng đế Theodosius I, Magnus Maximus (383 - 388) và Flavius Eugenius (392 - 394), các doanh trại La Mã trên biên giới bị suy yếu đến mức việc phòng thủ ở Rhine chủ yếu phụ thuộc vào sự trung thành của các tiểu quốc khu vực.
Trước khi Marcus Aurelius lên ngôi, đế quốc Tây La Mã trải qua rất ít những cuộc nội chiến nghiêm trọng. Nhưng trong khoảng thời gian từ sau cái chết của Aurelius đến khi vị hoàng đế cuối cùng của Tây La Mã Romulus Augustus bị phế truất năm 476, đế quốc này đã chứng kiến hơn 100 vụ bạo động vũ trang khi những kẻ nổi loạn thách thức hoàng đế. Một số cuộc xung đột kéo dài hàng năm, khiến La Mã kiệt quệ nguồn nhân lực quân sự và suy yếu sức mạnh biên phòng.
Những cuộc nội chiến triền miên đã hình thành trong các hoàng đế La Mã nỗi lo sợ cố hữu đối với những kẻ tiếm quyền. Vì những thủ lĩnh nổi dậy này không thể thành công mà không có sự trợ giúp của một lực lượng quân sự lớn mạnh, nên chính quyền La Mã đã chia cắt các tỉnh lớn hơn để giảm thiểu sức mạnh quân sự của bất cứ một quan chức tỉnh nào. Việc tách tỉnh bắt đầu dưới thời Septimius Severus (193 - 211), và Diocletian (284 - 305) tiếp tục quá trình này cho đến khi một số doanh trại tỉnh quá nhỏ để có thể đối phó thậm chí chỉ với quân phiến loạn địa phương.
Đầu thế kỷ thứ 4, Constantine (306 - 337) đã thay đổi chóng vánh cơ cấu tổ chức của quân đội La Mã. Ông đã thành lập các tập đoàn quân lớn, cơ động gọi là “comitatenses”, do chính mình chỉ huy nhằm bảo vệ bản thân và ngăn chặn các âm mưu cướp ngôi báu. Như một phần của những cải cách an ninh này, ông và các hoàng đế kế nhiệm đã từ bỏ thủ đô Rome, thường xuyên dời đô để tránh vạ phế đế. Nhưng chính điều này đã làm suy yếu chính quyền La Mã trung ương, bởi sự liên lạc chậm chạp và bất ổn ở hoàng cung khiến bộ máy chính quyền khó hoạt động hiệu quả. Nó đặc biệt bất lợi đối với quân đội, vốn phụ thuộc vào các giới chức nhà nước để cung cấp nguyên liệu, nhân lực và tài chính phục vụ chiến tranh.
Huy Lê
Đón đọc kỳ cuối: Cơn oằn mình giãy chết