Ông Musharraf nắm quyền lực sau cuộc đảo chính của quân đội vào năm 1999. Ông lãnh đạo Pakistan trong 9 năm rồi từ bỏ quyền lực sau cuộc tổng tuyển cử năm 2008.
Ông Musharraf sinh tại New Delhi năm 1943. Đến năm 1947, Tiểu lục địa Ấn Độ bị tách thành Ấn Độ và Pakistan ngày nay. Không lâu sau, cha mẹ ông Musharraf quyết định rời New Delhi đến Karachi (Pakistan). Ở thời điểm đó, hàng triệu người đã rời miền Bắc Ấn Độ để tới Pakistan – quốc gia mới được thành lập với chủ yếu dân số theo đạo Hồi.
Năm 1964, ông Musharraf gia nhập quân đội Pakistan rồi kinh qua cuộc chiến tranh năm 1965 và 1971 với Ấn Độ. Musharraf có sự nghiệp thuận lợi, được thăng cấp nhanh chóng. Năm 1998, Thủ tướng Pakistan khi đó Nawaz Sharif đã bổ nhiệm ông Musharraf là người đứng đầu quân đội nước này.
Tờ Al Jazeera cho biết ông Musharraf và cựu Thủ tướng Sharif là những cá nhân đứng sau cuộc thử hạt nhân của Pakistan tháng 5/1998 vốn là lời đáp trả đối với cuộc thử nghiệm tương tự của Ấn Độ vài ngày trước đó.
Đến tháng 10/1999, mối quan hệ giữa ông Musharraf và cựu Thủ tướng Sharif chuyển biến xấu. Thủ tướng Sharif thậm chí tìm cách truất quyền ông Musharraf khi ông này đang trên chuyến bay từ Sri Lanka trở về nước.
Ông Musharraf đã có phản ứng rất nhanh chóng là ra lệnh cho quân đội kiểm soát các cơ quan công quyền và tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ngay khi máy bay hạ cánh, Pervez Musharraf tự nhận là “lãnh đạo điều hành” Pakistan và giữ cương vị này đến năm 2002 khi một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức. Đảng PML-Q cầm quyền giành chiến thắng và ông Musharraf trở thành tổng thống.
Dưới thời lãnh đạo của ông Musharraf, Pakistan có nền kinh tế tương đối ổn định, thị trường tự do và hình thành nhiều hạn mức tín dụng góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế trong nhiều năm.
Ông Musharraf còn giữ vị trí quan trọng trong cái mà Washington gọi là “cuộc chiến chống khủng bố” tại khu vực khi Mỹ đưa quân đến Afghanistan năm 2001 sau vụ khủng bố 11/9. Ông Musharraf thậm chí từng nói rằng đã nhận được điện thoại từ Ngoại trưởng Mỹ khi đó Colin Powell với thông điệp rõ ràng: “Về phe chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi”.
Khi đó Pervez Musharraf lựa chọn cắt quan hệ với Taliban của Afghanistan và hỗ trợ an ninh đồng thời tạo điều kiện để Mỹ cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tế cho lực lượng tại Afghanistan qua lãnh thổ Pakistan.
Ông Musharraf từng ra lệnh cho nhiều chiến dịch quân sự chống lại các nhóm vũ trang trên lãnh thổ Pakistan. Năm 2007, quân đội Pakistan đã ập vào thánh đường Hồi giáo tại Islamabad nơi một thủ lĩnh lên kế hoạch tấn công vào đối tượng không tuân theo lệnh của ông ta. 100 người đã thiệt mạng sau chiến dịch này.
Điều gây tranh cãi khác là ông Musharraf còn giữ vị trí đứng đầu quân đội cho đến tháng 11/2007 – thời điểm ông ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia lần thứ hai sau khi làn sóng biểu tình phản đối nhà lãnh đạo này lan rộng, đồng thời ra lệnh bắt giữ nhiều lãnh đạo đối lập và thẩm phán. Chính các động thái trong tháng 11/2007 là nguyên nhân hàng đầu khiến ông Musharraf bị buộc tội phản quốc.
Trước chỉ trích mạnh mẽ vì việc đảm nhận cả vị trí đứng đầu quân đội và ghế tổng thống, ông Musharraf bổ nhiệm Tướng Ashfaq Pervez Kayani là người kế nhiệm phụ trách quân đội. Từ đây, ông Musharraf chỉ giữ vai trò tổng thống. Đến giữa tháng 12/2007, ông Musharraf tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Tháng 2/2008, đảng của ông Musharraf là PML-Q thất thế trong cuộc bầu cử, sau đó đảng Nhân dân Pakistan (PPP) nắm giữ quyền lực. Tháng 8 cùng năm, ông Musharraf từ chức tổng thống và chủ tịch PPP là ông Asif Ali Zardari là người kế nhiệm.
Năm 2010, ông Musharraf thành lập đảng mới có tên All Pakistan Muslim League (APML). Tuy nhiên đảng này không nhận được nhiều ủng hộ từ cử tri Pakistan.
Năm 2013, ông Nawaz Sharif trở thành Thủ tướng Pakistan và từ đây quá trình tố tụng ông Musharraf vì tội phản quốc bắt đầu diễn ra.
Tháng 3/2016, ông Musharraf rời Pakistan để đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sau khi được Tòa án Tối cao cho phép xuất cảnh để điều trị bệnh. Ông Musharraf cam kết sẽ trở lại sau vài tuần hoặc vài tháng. Từ đó đến nay ông ta chưa hề quay trở lại Pakistan.
Với phán quyết vào ngày 17/12, ông Musharraf là cựu lãnh đạo quân đội đầu tiên trong lịch sử Pakistan bị tuyên án tử hình vì chiếm quyền lực trái phép.