T-34 là loại xe tăng xuất sắc nhất của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Được vũ trang và bảo vệ tốt, khả năng cơ động nhanh, dòng xe tăng này không có đối thủ trên chiến trường cho đến năm 1942.
“Xe tăng T-34 luôn đáng tin cậy ở bất cứ địa hình nào” - Thượng tướng Johannes Friesner, Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân Nam Ukraine nhớ lại - “Những chiếc xe tăng Nga có thể hoạt động ở những nơi mà chúng tôi nghĩ là không thể. Hỏa lực của T-34 cũng rất ấn tượng. Với bộ binh Liên Xô, nó đã phục vụ như một phương tiện hỗ trợ và dọn đường xuất sắc”.
Không có gì ngạc nhiên khi Đệ Tam Đế chế cũng đã tìm ra vai trò xứng đáng cho một cỗ máy đáng gờm như vậy. Trên cơ sở những chiếc T-34 thu giữ được, quân Đức xây dựng nên cả những tiểu đoàn, có thời điểm đã trở thành những con át chủ bài thực sự.
Những chiếc T-34/76s (mang súng 76 ly) xuất hiện trong quân đội Đức vào mùa hè năm 1941 với tên gọi Pz.Kpf – là chữ viết tắt của Panzerkampfwagen, có nghĩa là “phương tiện chiến đấu thiết giáp”. Khoảng 300 chiếc xe tăng như vậy đã chiến đấu trong hàng ngũ quân Đức trong Thế chiến II.
Những chiếc T-34 được trang bị radio và kính quang học của Đức. Một số được lắp đặt vòm quan sát cho chỉ huy để tăng tầm nhìn.
Tình trạng thiếu hụt trầm trọng đạn dược và linh kiện thay thế khiến quân phát xít khó duy trì toàn bộ đội xe tăng này trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Một số chiếc T-34 bị tháo gỡ hoàn toàn để cung cấp linh kiện cho những chiếc khác. Những quả đạn pháo thường được gỡ từ những chiếc T-34 đã bị phá hủy, có khi ngay giữa trận chiến.
Để tránh trường hợp những chiếc T-34 dính hỏa lực bởi chính pháo binh và không quân Đức, một chữ vạn lớn – biểu tượng của phát xít Đức, đã được sơn lên thân và tháp pháo. Tuy nhiên, giữa những trận chiến nóng bỏng, các xạ thủ Đức thường không nhận ra chúng và có khi nhả đạn vào những chiếc xe tăng do Liên Xô sản xuất.
Những chiếc T-34 không chỉ được phát xít Đức tận dụng trong vai trò truyền thống. Một số đã bị hoán cải thành phương tiện thu hồi hoặc súng phòng không tự hành. Ở phương án thứ hai, tháp pháo được tháo dỡ và thay thế bằng một tháp xoay đặc biệt có mui mở, với súng phòng không Flakvierling 38 cỡ 20 ly. Những chiếc T-34 bị hư hỏng nặng thì được lắp đặt trên các đoàn tàu bọc thép để làm bệ pháo.
Waffen SS (nhánh vũ trang của SS) là lực lượng sử dụng rộng rãi nhất xe tăng T-34 bắt giữ của Liên Xô, trong đó nhiều nhất là Sư đoàn Thiết giáp số 2 Das Reich. Sau khi chiếm lại được Kharkov vào ngày 18/3/1943, khoảng 50 chiếc T-34 đang chờ sửa chữa của Hồng quân Liên Xô đã rơi vào tay địch.
Sử dụng chính cơ sở của Nhà máy Máy kéo Kharkov, lực lượng SS phát xít Đức đã khôi phục hàng chục chiếc tăng và thành lập một công ty riêng thuộc sư đoàn, trở thành đơn vị T-34 bắt giữ lớn nhất trong lực lượng vũ trang Đức. Trong số xe tăng này, có tổng cộng 24 chiếc được đưa ra chiến trường và 12 chiếc khác được đưa tới trường huấn luyện của SS để phục vụ huấn luyện chống tăng.
Các xe tăng T-34 trong quân đội Đức thậm chí đã tham gia trận chiến lịch sử Kursk vào mùa hè năm 1943. Vì lúc này, những chiếc T-34-76 bị lỗi kỹ thuật, nên người Đức đã không sử dụng nó cho những sứ mạng đột phá mà chỉ như một vũ khí chống tăng, chủ yếu khai hỏa từ các vị trí được che khuất và cố định để giảm thiểu rủi ro.
Sau Trận Kursk, những chiếc T-34/76 dần được rút khỏi quân đội Đức, mặc dù một số vẫn xuất hiện trong cuộc kháng cự ở Berlin vào tháng 5/1945.
Năm 1944, chiếc T-34/85 tiên tiến hơn (với súng 85 ly) được đưa vào biên chế trong Hồng quân. Tuy nhiên, quân Đức chỉ bắt giữ được chỉ một số ít chiếc xe tăng loại này, không tận dụng được nhiều, khi cuối cùng toàn bộ lực lượng Đức đều chịu khuất phục trước sức mạnh của Hồng quân Liên Xô.
Từ năm 1940 đến năm 1950, ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Xô đã sản xuất được 61.000 chiếc T-34 các phiên bản. Với việc sản xuất được cấp phép ở Tiệp Khắc và Ba Lan trong những năm 1950, số lượng T-34 sản xuất được đã tăng lên tới 65.900 chiếc - một kỷ lục thế giới tuyệt đối. Chưa bao giờ trên thế giới có một loại xe tăng được chế tạo với số lượng lớn như vậy. Tại Liên Xô, việc sản xuất mẫu T-34-85 chỉ ngừng sau khi bắt đầu sản xuất hàng loạt xe tăng T-54.