Kỳ cuối: Phiên điều trần của Oppenheimer
Vào tháng 11/1945, ông nói với khán giả ở Philadelphia rằng quả bom nguyên tử là một thứ xấu xa xét theo tất cả các tiêu chuẩn của thế giới mà chúng ta sinh sống. Ông đã trả lời phỏng vấn trên truyền hình và làm rõ nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Năm 1949, khi là Chủ tịch Ủy ban cố vấn cho Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (AEC) mới thành lập, ông đã đưa ra một báo cáo cảnh báo về việc phát triển bom hydro – một vũ khí nhiệt hạch mạnh hơn quả bom đã được thả ở Trinity, Hiroshima hay Nagasaki. Ý tưởng về quả bom hydro là của nhà khoa học Edward Teller cũng thuộc Dự án Manhattan.
Oppenheimer viết: “Một siêu bom có thể trở thành vũ khí diệt chủng. Không bao giờ nên sản xuất siêu bom”.
Năm 1953, ông đã có một bài phát biểu mà ông ví hai quốc gia có năng lực hạt nhân là Mỹ và Liên Xô như “hai con bọ cạp trong một cái chai, con này có khả năng giết chết con kia, nhưng cũng phải đánh đổi bằng mạng sống của chính mình”.
Những lời cảnh báo thẳng thắn của Oppenheimer đã khiến ông trở thành mục tiêu. Tháng 12/1953, Chủ tịch AEC Lewis Strauss, người có ác cảm với Oppenheimer, đã gọi nhà khoa học này vào văn phòng mình và thông báo thu hồi giấy phép an ninh tuyệt mật của ông. Oppenheimer kiên quyết tự bảo vệ mình, khiến AEC phải triệu tập một phiên điều trần an ninh công khai để giải quyết vấn đề.
Phiên điều trần kéo dài một tháng, bắt đầu vào ngày 12/4/1954, giống như một lần chụp X-quang phơi bày toàn bộ cuộc đời trưởng thành của Oppenheimer. Những vi phạm lớn nhỏ đều bị lôi ra công khai và bị soi xét chặt chẽ. Các vấn đề bị đưa ra để chống Oppenheimer bao gồm tình bạn thân thiết của ông với Chevalier - một học giả văn học Pháp tại Berkeley vốn là một người Cộng sản, cũng như việc Oppenheimer phản đối quả bom hydro của nhà khoa học Teller.
Vốn là nhà khoa học giỏi thuyết phục người khác nhưng Oppenheimer đã hoảng sợ khi bị luật sư AEC là Roger Robb chất vấn. Có lúc ông trả lời mâu thuẫn, nhưng cũng có lúc ông kiên quyết bảo vệ vấn đề cá nhân. Ví dụ như khi bị chất vấn việc qua đêm với vị hôn thê cũ theo chủ nghĩa Cộng sản là Tatlock vào mùa hè năm 1943 khi ông đang làm việc tại Los Alamos, sáu tháng trước khi cô tự sát vào năm 1944. Khi ủy ban hỏi: “Tại sao anh phải gặp cô ta?”, Oppenheimer trả lời: “Bởi vì cô ấy vẫn còn yêu tôi”.
Vào ngày 27/5, hội đồng giám sát các phiên điều trần đã bỏ phiếu với tỷ lệ 2:1, không khôi phục giấy phép an ninh cho Oppenheimer.
Tới lúc này, mối quan hệ của Oppenheimer với chính phủ Mỹ đã chính thức kết thúc. Ông trở lại Princeton (New Jersey), nơi ông từng là giám đốc của Viện Nghiên cứu Cao cấp từ năm 1947.
Các phiên điều trần đã hủy hoại Oppenheimer. Một người bạn là nhà ngoại giao George Kennan đã cố gắng an ủi Oppenheimer và nói rằng ông chắc chắn sẽ được chào đón ở nước ngoài. Ông Kennan kể lại: “Câu trả lời của ông ấy, khiến tôi rơm rớm nước mắt: ‘Chết tiệt, không may là tôi lại yêu đất nước này’”.
Oppenheimer đã cố gắng gạt bỏ ảnh hưởng của phiên điều trần với cuộc sống của mình. Ông nói với một phóng viên: “Tôi nghĩ đây là một sự cố lớn, giống như một vụ tai nạn tàu hỏa hoặc vụ sập nhà. Sự cố không liên quan hay ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi. Tôi chỉ tình cờ ở đó thôi”.
Dù Oppenheimer mong muốn như vậy nhưng sự suy sụp của ông trong các phiên điều trần đã tác động đến cái nhìn của công chúng với ông.
Trong nỗ lực phục hồi hình ảnh của Oppenheimer trước công chúng, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã trao tặng ông Giải thưởng Enrico Fermi, vinh dự cao nhất của AEC, vào năm 1963. Tuy nhiên, nhà vật lý này chưa bao giờ hồi phục hoàn toàn sau đòn giáng vào danh tiếng của mình. Ông sống những ngày còn lại ở Princeton, nơi ông làm việc tại Viện Nghiên cứu Cao cấp cho đến năm 1966, rồi qua đời vì bệnh ung thư ở đó vào tháng 2/1967. Như tờ New York Times đã viết trong cáo phó: “Tuy nhiên, người đàn ông phức tạp khó hiểu này không bao giờ hoàn toàn thành công trong việc xua tan những nghi ngờ về hành vi của mình”.
Giấy phép an ninh của Oppenheimer vẫn bị thu hồi cho đến tháng 12/2022, khi Bộ Năng lượng Mỹ hủy bỏ quyết định năm 1954 của ủy ban AEC.
Hình ảnh Oppenheimer trên phim của đạo diễn Nolan
Trong hơn 50 năm kể từ khi Oppenheimer qua đời, văn hóa đại chúng đã có nhiều cách tiếp cận khác nhau để khám phá cuộc đời ông. Gần đây nhất là bộ phim “Oppenheimer” của đạo diễn Christopher Nolan đang được chiếu tại nhiều rạp trên toàn thế giới từ ngày 21/7 và chiếu ở Việt Nam từ ngày 11/8.
Hai tác giả cuốn American Prometheus là Martin J. Sherwin và Bird đã đọc một số kịch bản dựa trên cuốn sách của họ. Cả hai tác giả đều chê các kịch bản này và phản hồi bằng cách chỉ ra chi tiết các lỗi lịch sử của kịch bản.
Vì vậy, ông Bird cảm thấy nhẹ nhõm khi vào mùa thu năm 2021, ông trở thành một trong số ít những người ngoài đoàn làm phim đã đọc kịch bản bộ phim Oppenheimer của đạo diễn Nolan. Ông Bird nói: “Tôi nghĩ đó là một kịch bản tuyệt vời. Không giống như các mô tả gần đây khác, phim có các cảnh trong toàn bộ cuộc đời của Oppenheimer và không né tránh các câu hỏi đạo đức về quả bom. Đạo diễn Nolan đã kể một cách rất khéo léo về cuộc tranh luận giữa các nhà vật lý về việc liệu quả bom có cần thiết hay không và liên quan việc Oppenheimer nói sau vụ Hiroshima rằng quả bom đã được sử dụng nhằm vào một kẻ thù gần như đã bị đánh bại”. Ông Bird nói thêm: “Những người không biết gì về Oppenheimer sẽ nghĩ rằng họ sắp xem một bộ phim về cha đẻ của bom nguyên tử. Nhưng thay vào đó, họ sẽ thấy một nhân vật bí ẩn và một câu chuyện tiểu sử rất kỳ bí”.
Video đoạn giới thiệu phim Oppenheimer của đạo diễn Nolan (Nguồn: Smithsonian Magazine):
Tuy nhiên, theo tác giả Greg Mitchell, đến tận cuối đời, bản thân Oppenheimer cũng không thể xác định được cảm giác của mình liên quan việc chế tạo và đưa vào sử dụng quả bom nguyên tử. Cho đến bây giờ, các nhà làm phim dường như cũng không thể giải quyết được những cảm xúc và phát ngôn mâu thuẫn của ông.
Bộ phim Oppenheimer của đạo diễn Nolan xuất hiện vào thời điểm mà thế giới không còn lạc quan về giải trừ hạt nhân nữa và đang mở ra một thời đại hạt nhân mới. Ngày nay, hầu như không có nhà lãnh đạo thế giới nào có trải nghiệm trực tiếp về sự khủng khiếp của bom hạt nhân và một số người trẻ thậm chí còn không biết gì về những thông tin cơ bản của Thế chiến II.
Nhưng có lẽ khoảng cách của chúng ta với thời đại của Oppenheimer cũng mang đến một cơ hội. Bà Cynthia C. Kelly, Chủ tịch Tổ chức Di sản Nguyên tử cho biết: “Ngày nay, gần 80 năm đã trôi qua kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Giờ đây, công chúng có thể xem xét một cách cởi mở hơn những cách giải thích khác nhau về lịch sử bom nguyên tử”.
Tại sao phải mất quá lâu để một đạo diễn tầm cỡ như Nolan làm phim về câu chuyện của Oppenheimer? Có lẽ đó là vì chúng ta thời nay đã cách thời của Oppenheimer đủ xa để có thể nhìn các sự kiện và Oppenheimer bằng cái nhìn mới mẻ.