Kỳ cuối: Các thương vụ rắc rối
First Boston đã tham gia các thị trường nợ có lãi suất cao trong suốt những năm 1980 và cho vay hàng tỷ USD để có tiền cho các giao dịch mua lại đầy rủi ro.
Một trong những thương vụ rắc rối nhất của Credit Suisse là khoản vay 457 triệu USD để mua lại công ty Ohio Mattress.
Sau khi tiếp quản, Credit Suisse đã chấp nhận các loại hình kinh doanh rủi ro tương tự, chẳng hạn như tài chính có đòn bẩy và giao dịch trái phiếu thế chấp, dẫn đến thỏa thuận có nhiều vấn đề. Các nhà lãnh đạo sau đó của Credit Suisse đã tiến hành nhiều cuộc cải tổ, cuối cùng đã loại bỏ cái tên First Boston mà họ từng rất tự hào vào năm 2006.
Việc tiếp quản First Boston là một phần trong chiến lược tăng trưởng thái quá, mà trong đó, ngân hàng này mua lại các đối thủ và tình hình ngày càng phức tạp. Sau khi kế nhiệm ông Gut làm Giám đốc điều hành, Lukas Muehlemann đã mua công ty bảo hiểm Winterthur vào năm 1997. Credit Suisse sau đó đã mua lại Donaldson, Lufkin & Jenrette (DLJ) vào năm 2000, nhưng thương vụ mua lại ngân hàng đầu tư có trụ sở tại New York này hóa ra lại là một sai lầm đắt giá vì một số nhân vật quan trọng nhất của DLJ đã rời bỏ để sang phía đối thủ trong thời gian ngắn.
Giám đốc điều hành lúc bấy giờ là Oswald Gruebel sau đó đã bán Winterthur vào năm 2006. Những thay đổi quản lý thường xuyên đã tạo ra tình trạng hỗn loạn chiến lược ở cấp cao nhất, đồng thời gây thêm áp lực lên ngân hàng này.
Ông Thomas Bell, một thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng Credit Suisse vào đầu những năm 2000, cho biết: “Ban lãnh đạo là nguyên nhân cốt lõi khiến Credit Suisse sụp đổ. Không ai thực sự biết tất cả các bộ phận đang làm gì, điều này dẫn đến việc quản lý rủi ro và khủng hoảng kém”.
Vào năm 2015, một vụ gian lận tại Credit Suisse bị phanh phui. Vụ này liên quan tới Patrice Lescaudron, một nhân vật không có kinh nghiệm ngành ngân hàng nhưng đã gia nhập Credit Suisse. Sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng thị trường năm 2008, Patrice Lescaudron bắt đầu lén lút rút tiền từ tài khoản của một khách hàng giàu có, sử dụng số tiền này để cố gắng gỡ lại những khoản lỗ cho những khách hàng khác.
Những trò lừa bịp đơn giản đến kinh ngạc. Theo lời thừa nhận của chính Lescaudron, ông ta cắt chữ ký từ một tài liệu, dán nó vào các lệnh giao dịch và sao chụp chúng. Đã có những cảnh báo đỏ về Lescaudron, gồm cả cảnh báo miệng lẫn cảnh cáo bằng văn bản của người giám sát vào năm 2008, 2011 và hai lần vào năm 2013 vì vi phạm chính sách tuân thủ. Tuy nhiên, Credit Suisse đã thất bại trong xử lý nhân vật này. Lescaudron bị kết tội lừa đảo vào năm 2018 và tự tử vào năm 2020.
Theo một cuộc điều tra độc lập do Finma (cơ quan quản lý ngân hàng Thụy Sĩ) yêu cầu, ngân hàng Credit Suisse đã dung túng cho hành vi xấu của Lescaudron miễn là tiền vẫn còn chảy vào, mặc dù cuộc điều tra này không kết luận rằng Credit Suisse biết về vụ lừa đảo.
Tiếp đó, vào tháng 1/2019, mối thù địch dai dẳng giữa Giám đốc điều hành lúc bấy giờ là Tidjane Thiam và Iqbal Khan - người điều hành bộ phận quản lý tài sản và có mục tiêu trở thành lãnh đạo Credit Suisse - đã bùng phát trong một bữa ăn tối ở vùng ngoại ô giàu có trên Hồ Zurich.
Mọi chuyện bắt đầu từ một nhận xét chê bai của ông Khan về khu vườn của ông Thiam và sau đó đã dâng lên thành một vụ bê bối khủng khiếp của ngân hàng này, phá vỡ danh tiếng về tính thận trọng và phơi bày một sự thật là sự phù phiếm cá nhân vượt qua ranh giới đạo đức và pháp lý.
Vài tuần sau bữa tiệc tối, Khan được thăng chức và sau đó nghỉ việc vào tháng 7. Sau đó, khi Khan nhận một công việc tại UBS, Credit Suisse lo ngại ông này sẽ kéo hết nhân sự cấp cao của mình về UBS. Do đó, Credit Suisse đã thuê một công ty an ninh tư nhân giám sát các hoạt động của Khan, nhưng đã bị Khan phát hiện trong một sự cố dẫn đến xô xát.
Mặc dù Credit Suisse đã vội vàng bác bỏ sự cố đáng xấu hổ này, nhưng người ta sớm biết rằng đó không phải là vụ duy nhất. Ông Thiam bị buộc thôi việc vào tháng 2/2020 khi bị Chủ tịch lúc đó là Urs Rohner đổ lỗi về tình trạng suy giảm về lòng tin, danh tiếng và uy tín.
Trong cuộc điều tra xuất phát từ vụ của ông Khan, vào tháng 10/2021, cơ quan quản lý ngân hàng Thụy Sĩ đã phát hiện thêm 5 trường hợp theo dõi tương tự từ năm 2016 đến năm 2019. Bầu không khí độc hại ở cấp cao nhất ở Credit Suisse đã góp phần gây ra những sai lầm trong hoạt động.
Vào tháng 3/2021, bộ phận giao dịch của Credit Suisse được thông báo rằng khách hàng lớn nhất sẽ không thể trả hơn 2 tỷ USD mà họ nợ vào ngày hôm sau. Archegos Capital Management, công ty đầu tư tại New York chịu trách nhiệm quản lý tài sản cá nhân của tỷ phú Bill Hwang, đã dành hai ngày trước đó để dàn xếp với những ngân hàng khác và họ không còn đủ tiền để trả cho Credit Suisse.
Thông tin này khơi mào cho một màn đổ lỗi trong nội bộ. Các giám đốc điều hành ở New York, London và Zurich đổ lỗi cho nhau thay vì tập trung vào kiểm soát thiệt hại. Các đối thủ đã nhanh chân bán tài sản thế chấp của Archegos nhanh hơn. Còn Credit Suisse phải mất gần hai tuần mới đưa ra được con số ban đầu về thiệt hại: 4,7 tỷ USD. Cuối cùng, con số này tăng lên 5,5 tỷ USD, xóa sạch lợi nhuận của hơn một năm và đẩy ngân hàng này vào vòng xoáy tồn vong dẫn đến cuộc khủng hoảng niềm tin vào tuần trước.
Các giám đốc điều hành Credit Suisse đã bị sa thải vì không bảo vệ được ngân hàng và các khách hàng giàu có trước vụ sụp đổ của các quỹ trị giá 10 tỷ USD mà ngân hàng này điều hành cùng nhà tài chính Lex Greensill. Hai vụ việc đã gây sốc cho thế giới tài chính, nhưng nhìn kỹ lại thì hai vụ này đã hình thành trong nhiều thập kỷ.
Theo một báo cáo độc lập về vụ sụp đổ của công ty luật Paul, Weiss, Rifkind, Wharton & Garrison, sự phức tạp, lề lối làm việc và quyền kiểm soát của Credit Suisse là nguyên nhân gây ra tổn thất lớn cho Archegos. Báo cáo kết luận rằng Credit Suisse đã có thái độ thiếu thận trọng đối với rủi ro và trong nhiều thời điểm đã không đưa ra hành động quyết đoán và khẩn cấp.
Credit Suisse đã phản ứng bằng một loạt các biện pháp để khắc phục những thiếu sót và tuyên bố sẽ sử dụng sự cố này làm bước ngoặt cho cách tiếp cận tổng thể đối với quản lý rủi ro. Nhưng thời gian đã hết.
Vào tháng 10/2022, bộ đôi lãnh đạo mới gồm Chủ tịch Axel Lehmann và Giám đốc điều hành Ulrich Koerner đã coi việc đưa ngân hàng này trở lại phiên bản ban đầu là con đường tốt nhất để tiến lên.
Họ cắt giảm việc làm và huy động được 4 tỷ USD vốn mới. Quan trọng nhất, họ đã lên kế hoạch thực hiện các hoạt động ngân hàng đầu tư và cuối cùng loại bỏ đơn vị First Boston để chấm dứt nỗ lực cạnh tranh với giới ngân hàng Mỹ kéo dài suốt ba thập kỷ.
Ông Koerner nói sau khi trình bày kế hoạch tái cơ cấu: “Credit Suisse mới chắc chắn sẽ có lãi từ năm 2024 trở đi. Chúng tôi không muốn hứa hẹn quá mức mà không thực hiện được, chúng tôi muốn làm điều đó theo cách khác”.
Nhưng thế giới không đứng yên. Thời kỳ tiền rẻ đã hết, nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn và niềm tin của nhà đầu tư giảm mạnh. Nhiều điều cùng xảy ra này là quá sức chịu đựng đối với một ngân hàng chưa bao giờ thực sự rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ông John Plassard, chuyên gia đầu tư tại công ty Mirabaud có trụ sở tại Geneva, cho biết: “Ngành ngân hàng không giống bất kỳ lĩnh vực nào khác. Một khi niềm tin đã mất, bạn không thể xây dựng lại”.