Những cuộc cách mạng, khởi nghĩa hay nổi dậy vì những mục đích cao cả cho nhân dân không phải lúc nào cũng gắn liền tên tuổi với nam giới. Trong lịch sử nhân loại, đã có nhiều người phụ nữ làm rạng danh đất nước và quê hương họ bằng những hành động anh hùng, mà không ít trong số đó đã phải trải qua vô số đau khổ hay thậm chí phải hy sinh khi đại nghiệp còn chưa hoàn thành.
Yaa Asantewaa
Được gọi là Joan de Arc của châu Phi, Yaa Asantewaa là Mẹ Nữ Hoàng của vùng Edweso, một phần của Vương quốc Asante trước đây, hiện nay là đất nước Ghana. Sinh ra vào khoảng năm 1830, bà là chị em của Kwasi Afrane Panin, người đã trở thành nhà lãnh đạo của Edweso khi Yaa còn trẻ. Từ Bờ biển Vàng gần đó, người Anh đã phát động một chiến dịch nhằm vào quyền kiểm soát của đế chế Asante, trong đó có việc đánh thuế và chiếm nhiều khu vực rộng lớn của các vùng đất bộ lạc ở nơi này, kể cả các mỏ vàng.
Yaa Asantewaa cầm súng phát biểu trước dân chúng. |
Khi Asante bắt đầu chống lại ách cai trị của Anh, Thống đốc Anh Lord Hogson đã đề nghị họ phải giao nộp ngai vàng, vốn được coi là biểu tượng của sự độc lập. Để đạt được yêu sách đó, Đại tá Armitage được phái đến để hăm dọa người dân nơi này. Armitage đi từ làng này qua làng khác, đánh đập trẻ em cũng như người lớn hòng giành được chiếc ngai. Cuối cùng, vua Asante, Nana Osei Agyeman Prempeh I, cùng với 55 tộc trưởng và thân thích, đã buộc phải đi lưu đày.
Không lâu sau đó, vào ngày 28/3/1900, những người còn lại của nền quân chủ được tập hợp lại và vị Đại tá Anh đòi hỏi chiếc ngai vàng. Yaa, người phụ nữ duy nhất xuất hiện lúc đó, đã tuyên bố với người Anh rằng bà từ chối trả thêm bất kỳ đồng thuế nào nữa cho họ. Lời phát biểu này đã gây ra cuộc chiến tranh Yaa Asantewaa giành độc lập, nổ ra cùng ngày hôm đó. Là lãnh đạo của cuộc cách mạng, Yaa tập hợp được một đội quân riêng với hơn 4.000 lính. Trong 3 tháng, bà đã bao vây được đồn của người Anh ở Kumasi. Sau khi hứng chịu thương vong trong cuộc giao chiến đầu tiên, viện binh Anh từ Nigeria được điều đến để đối phó với Yaa. Với công nghệ vũ khí vượt trội, chiến thuật đốt phá và trao thưởng cho những kẻ phản bội, người Anh đã bắt được Mẹ Nữ hoàng vào ngày 3/3/1901. Bà bị đi lưu đày và cuối cùng mất ở tuổi 90.
Corazon Aquino
Coranzon “Cory” Aquino là một người phụ nữ Philippines vào năm 1986 đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chính phủ dân chủ đầu tiên của nước này kể từ trước cuộc xâm lược của Nhật Bản. Sinh năm 1933, bà kết hôn với Benigno “Ninoy” Aquino sau khi tốt nghiệp trường Mount St. Vicent ở New York. Ninoy Aquino là một người chỉ trích rất mạnh mẽ nhà độc tài Philippines Ferdinand Marcos, người đã nắm quyền ở đất nước này từ năm 1965. Năm 1972, Ninoy bị cảnh sát bắt giữ, bị kết án tù 8 năm rồi phải sống lưu vong ở Mỹ. Khi được cho phép trở về quê hương, ông đã bị chính quyền ám sát ngay lúc vừa tới nơi.
Corazon Aquino, vợ của người anh hùng Philippines Ninoy Aquino. |
Vụ hành hình đẫm máu này cùng với sự đi xuống của nền kinh tế đã kích động những người đối lập với Marcos. Giận dữ trước cái chết của chồng mình, Cory lên nắm quyền kiểm soát phe đối lập, bất chấp nguy cơ phải đối mặt với số phận giống với Ninoy. Năm 1985, một cuộc bầu cử nhiều vòng được tổ chức để hợp pháp hóa sự cai trị của Marcos. Ban đầu lưỡng lự ra tranh cử, Cory cuối cùng đã chấp thuận chỉ khi nhận được một quyển sách với 1 triệu chữ ký ủng hộ chiến dịch của bà.
Trong một cuộc tranh luận, sau khi bị công kích về giới tính và sự thiếu kinh nghiệm chính trị, Cory đã ngầm phản ứng với Marcos khi đồng ý rằng bà không có “kinh nghiệm gian lận, lừa dối công chúng, ăn cắp tiền của chính phủ và sát hại các đối thủ chính trị”.
Vào cuối cuộc bầu cử, tháng 2/1986, Marcos đã “giành chiến thắng” vang dội. Cory đã kêu gọi biểu tình, bãi công và tẩy chay trong hòa bình. Phong trào này đã được biết đến với tên gọi Cách mạng Sức mạnh của người dân - những nữ tu sĩ và mọi gia đình, kể cả trẻ em, đều tham gia. Trong nỗ lực cuối cùng nhằm giành lại sự kiểm soát dân chúng, Marcos đã ra lệnh cho quân đội nổ súng vào người cách mạng hòa bình. Quân đội từ chối nghe theo lệnh của nhà lãnh đạo, nhiều người đào ngũ hoặc trở về căn cứ của mình.
Vào cuối tháng 2, nhà độc tài đã buộc phải bỏ chạy và Corazon Aquino đã trở thành Tổng thống của một chính phủ được bầu lên một cách dân chủ ở Philippines.
Trần Anh
(Còn tiếp)