Những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn

Sau phép thử tàn bạo cuối cùng đối với ta bằng việc dùng máy bay ném bom chiến lược B-52 ném bom rải thảm Thủ đô Hà Nội suốt 12 ngày đêm không thành mà còn chịu thất bại nhục nhã, chính quyền Washington lúc bấy giờ đã phải ra lệnh cho Ngoại trưởng Mỹ Henrry Kissinger ký với ta Hiệp định Paris không có những điều kiện mà Mỹ muốn áp đặt. 

Tuy vậy, Mỹ vẫn chưa muốn từ bỏ hẳn chính quyền tay sai của họ ở Sài Gòn mà vẫn ngấm ngầm tiếp sức cho chính quyền này nhiều vũ khí, tiền bạc và các phương tiện chiến tranh để chống lại chúng ta và phá hoại Hiệp định Paris đã ký như họ đã từng phá hoại Hiệp định Geneva về Việt Nam để dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm và hàng loạt chính quyền tay sai khác sau Diệm để kéo dài cuộc chiến tranh ở Việt Nam thêm hơn 20 năm nữa sau khi Pháp đã chịu thất bại ở Điện Biên Phủ năm 1954.

Tù binh bị quân giải phóng bắt trong trận đánh vào quận lỵ Tiên Phước (Quảng Nam) mùa Xuân 1975.Ảnh: Việt Long - TTXVN



Ba tháng trước khi ký Hiệp định Paris, Mỹ đã viện trợ cho chính quyền Sài Gòn 700 máy bay các loại, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, xe bọc thép và nhiều tàu chiến, tăng dự trữ vật tư chiến tranh lên 2 triệu tấn. Các quân binh chủng quốc phòng của Ngụy được củng cố, tăng cường để thay thế cho Mỹ rút đi. Bộ Quốc phòng Mỹ thay thế Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam gọi tắt là MACV bằng cơ quan tùy viên quốc phòng Mỹ gọi tắt là DAO do tướng Mỹ John Muray điều khiển. Thực chất DAO vẫn là Bộ chỉ huy quân sự trá hình của Mỹ để tiếp tục điều khiển và giám sát các hoạt động của quân đội Sài Gòn và có sự phối hợp của quân đội Mỹ khi cần. Kế hoạch dài hạn của Mỹ - Ngụy là: Từ tháng 2 đến tháng 8/1973 ra sức lấn chiếm và kiểm soát tuyệt đại bộ phận lãnh thổ Nam phần Việt Nam. Từ tháng 9/1973 đến tháng 2/1974 củng cố những nơi đã giành được, phòng thủ vững chắc. Vào năm 1974 hay muộn lắm là năm 1975 sẽ có giải pháp chính trị, tổng tuyển cử để hợp pháp hóa, chỉ còn một chính quyền của Nguyễn Văn Thiệu, một quân đội mạnh, chiến tranh tàn lụi, Việt Cộng (ý nói ta) chỉ còn như một đảng đối lập chính trị đơn thuần. Nếu không được như vậy thì sẽ dùng chiến tranh quy mô lớn thanh toán hoàn toàn Việt Cộng vào năm 1976 và 1977. Tương ứng với kế hoạch chính trị - quân sự, Mỹ - Ngụy cũng vạch kế hoạch kinh tế dài hạn 8 năm, chia làm 3 thời kỳ: 1973 – 1974 phục hồi tái thiết; 1975 - 1976 phát triển củng cố; 1977 - 1980 tự lực, giảm viện trợ.

Sau khi ký Hiệp định Paris đầu năm 1973, Mỹ phải rút quân nhưng mục tiêu trước mắt của Mỹ - Ngụy là lấn chiếm và bình định vùng giải phóng, tiêu diệt và đẩy quân giải phóng ra sát biên giới, loại bỏ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam ra khỏi đời sống chính trị ở miền Nam. Để thực hiện được mục tiêu này Mỹ tăng cường viện trợ ồ ạt cho chính quyền Sài Gòn như nói ở trên, ráo riết bắt lính, dồn quân, tăng lực lượng vũ trang ở cơ sở để khống chế nhân dân, liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”… duy trì lực lượng răn đe ở các vùng phụ cận quanh Việt Nam, đồng thời tăng cường các hoạt động ngoại giao để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam.

Về phía ta, ngày 28/10/1974 Quân ủy Trung ương đã phê duyệt Kế hoạch chiến lược hoàn toàn giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, trình Bộ Chính trị thông qua. Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975 đã kết luận: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Bộ Chính trị nhận định: “Cả năm 1975 là thời cơ, đòn tiến công quân sự mạnh tạo nên thời cơ, phong trào chính trị thúc đẩy thời cơ, tình hình thế giới và nội bộ nước Mỹ là thời cơ, từ bình thường đến vừa, đến cao, đến đột biến với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”, do đó cần khẩn trương, phải đánh nhanh hơn, nếu đã có thời cơ mà không kịp thời phát hiện, bỏ lỡ thời cơ thì có tội với dân tộc”. Ngoài kế hoạch chiến lược 1975 - 1976, Bộ Chính trị còn dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Theo kế hoạch chiến lược nói trên, sau trận đánh mở màn ở Buôn Ma Thuột, ngày 24/3/1975 toàn bộ bình phong Tây Nguyên quan trọng của quân Ngụy bị ta đập nát tan tành. Tiếp đó ta đánh và giải phóng Huế, ngày 29/3/1975 ta đập tan căn cứ liên hiệp quân sự Đà Nẵng. Ngày 16/4/1975 ta phá tan “lá chắn thép” Phan Rang ở tỉnh Ninh Thuận, quê hương của Nguyễn Văn Thiệu. Có một sự trùng lặp tình cờ trước đó không lâu mồ mả tổ tiên của Nguyễn Văn Thiệu ở Phan Rang bị sét đánh. Các thầy tướng số, tử vi nổi tiếng ở Sài Gòn đều lên tiếng phán đoán rằng: Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã tận số rồi! Hết phương cứu chữa rồi! Đòn giáng mạnh về cân não và tâm linh đó, cộng với việc bị Washington bỏ rơi và lính Mỹ rút đi sau khi ký Hiệp định Paris với ta và “pháo đài” cuối cùng Xuân Lộc trước cửa ngõ Sài Gòn bị đánh sập khiến cho Nguyễn Văn Thiệu càng hoang mang lúng túng và hoảng sợ. Cùng lúc đó chính quyền của G.Ford ở Mỹ lúc bấy giờ lại luôn luôn gây sức ép buộc Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức để đưa một tên tay sai khác lên với ý đồ tìm một “giải pháp thương lượng chính trị” nào đó hòng kéo dài thêm những ngày tàn của Chính quyền Sài Gòn.

Chẳng thế mà đại sứ Pháp lúc đó ở Sài Gòn đã được Mỹ sử dụng để đứng ra chạy đôn, chạy đáo gặp hết phía chính quyền Sài Gòn rồi lại tìm cách tiếp cận với Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam dàn xếp một “giải pháp chính trị” cho Mỹ dù chính ông ta cũng biết rằng Đại quân ta đã ở ngay cửa ngõ Sài Gòn rồi. Trong tình thế ấy, Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố từ chức để trao lại quyền hành “Phó Tổng thống Trần Văn Hương” một ông già gầy còm, cao tuổi và nhu nhược! Thiệu từ chức vì ông ta cũng biết rằng mình không còn khả năng gì nữa để cứu vãn tình hình, vì ông ta cũng phải lo bảo vệ nguồn tài sản khổng lồ mà ông và gia đình ông đã vơ vét được sau bao nhiêu năm cầm quyền và đặc biệt là vì ông ta quá sợ việc nhân dân miền Nam Việt Nam sẽ hỏi tội sau mấy chục năm ông ta hết đi theo người Pháp lại đến người Mỹ để chống lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trong bài diễn văn từ chức được xếp vào loại “mùi mẫn” nhất của mình, Thiệu vừa kể công với Mỹ, vừa thóa mạ và nguyền rủa Mỹ đã bỏ rơi ông ta, vừa tìm cách thanh minh, ngụy biện cho những sai lầm và tội lỗi của mình.

Thay Nguyễn Văn Thiệu vào “Dinh Độc Lập” không được bao lâu, do nghĩ mình tài hèn, sức mọn và do nhiều sức ép khác, ông già Trần Văn Hương cũng xin thoái vị và Dương Văn Minh được các phía dựng lên làm “Tổng thống Việt Nam cộng hòa”. Tuy là người đã lật đổ anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu từ năm 1963, nhưng sau đấy ông ta cũng bị Nguyễn Khánh lật đổ, rồi Nguyễn Khánh cũng bị những tên tay sai khác của Mỹ lật đổ tiếp. Đúng như Bác Hồ đã nhận định sau khi Dương Văn Minh lật đổ Ngô Đình Diệm: “Cái chuồng ngựa ở Sài Gòn hiện nay không còn con ngựa đầu đàn nữa, cho nên đàn ngựa sẽ đá nhau chí chết mới thôi”. Dương Văn Minh ngồi ghế “Tổng thống” không được bao lâu thì Đại quân ta đã giải phóng Sài Gòn, cắm cờ trên “Dinh Độc Lập” và bắt sống toàn bộ nội các của ông và buộc ông phải lên Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng quân giải phóng, kết thúc sự nghiệp cũng không có gì vinh quang hơn Nguyễn Văn Thiệu.

Hồ Tiến Nghị

'Đất thép Thành đồng' Củ Chi 40 năm sau giải phóng
'Đất thép Thành đồng' Củ Chi 40 năm sau giải phóng

Vùng đất thép Củ Chi anh hùng - giờ đây là một huyện ngoại thành, TP Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân Củ Chi đã trực tiếp đương đầu với lực lượng quân đội của quân khu 3 chế độ Sài Gòn và Sư đoàn 25 Mỹ mệnh danh tia chớp nhiệt đới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN