Nhà đàm phán kỳ tài thời Chiến tranh Lạnh - Kỳ 1

Luật sư James B. Donovan được coi là một trong những nhà đàm phán huyền thoại trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ông là “kiến trúc sư” của cuộc trao đổi điệp viên lịch sử giữa Washington và Moskva (đã được Hollywood dựng phim vào năm 2015 với tựa đề “Bridge of spies” - Người đàm phán) đồng thời còn là người Mỹ hiếm hoi được lãnh tụ Cuba Fidel Castro tin cậy.

James B. Donovan là một luật sư kỹ tính, tài giỏi, làm việc trong văn phòng ở Manhattan sôi động. Donovan sống tại Brooklyn (New York), nhưng thường đi công tác và bảo vệ cho thân chủ ở khắp nước Mỹ. Tuy nhiên Donovan cũng là người đàn ông của gia đình, tận tụy với vợ con và là một người mộ đạo.

Donovan sinh ra tại Bronx (New York) vào ngày 29/2/1916 và là con trai thứ hai của Harriet và John Donovan. Mẹ của ông là một giáo viên dạy nhạc kiêm nghệ sĩ piano còn cha ông là bác sĩ phẫu thuật. Donovan tốt nghiệp Trường Luật Harvard năm 1940, đó cũng là thời điểm ông gặp gỡ người vợ tương lai Mary McKenna và họ kết hôn vào tháng 6/1941.

Bức ảnh chụp Donovan (trái) và Rudolf Abel năm 1957.

Sau khi tốt nghiệp, Donovan phụ trách các trường hợp về bảo hiểm tại một công ty luật ở New York nhưng trong vòng 2 năm sau đó ông cùng vợ chuyển tới Washington, D.C. nơi ông đảm nhiệm công việc trợ lý luật tại Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển Khoa học, cơ quan liên bang chịu trách nhiệm cho việc phát triển bom nguyên tử.

Năm 1943, khi đang đeo lon thiếu úy trong lực lượng Hải quân trừ bị Hoa Kỳ, Donovan đã đăng ký làm việc tại Cơ quan Công tác Chiến thuật (OSS), tiền thân của CIA. Khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai sắp đi vào hồi kết tại châu Âu, lãnh đạo OSS đã yêu cầu Donovan đứng đầu bộ phận tội phạm chiến tranh của cơ quan này.

Donovan đến Đức quay phim về các trại tập trung được giải phóng bởi lực lượng Đồng minh. Ý tưởng của ông là ghi lại hình ảnh về những thi thể chồng chất tại trại tập trung như Belsen nhằm làm bằng chứng. Sau này các dữ liệu ảnh của Donovan đã góp phần quan trọng khiến 12 tên chóp bu của phát xít Đức phải chịu án phạt thích đáng tại phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh Nuremberg.

Viên phi công Mỹ Francis G. Powers

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ về Nuremberg, Donovan quay trở về với gia đình, đến Brooklyn vào Giáng sinh năm 1945 và tiếp tục theo con đường làm luật sư. Donovan lao mình vào công việc và gặt hái nhiều thành công nhưng sự nghiệp của ông không chỉ dừng lại ở đó. Vào ngày 19/8/1957, khi Donovan đang ở trong trang trại nghỉ dưỡng mùa hè ở hồ Placid cùng gia đình thì điện thoại đổ chuông. Sau này ông viết trong cuốn sách có tựa đề (tạm dịch) “Người lạ trên cầu: Vụ trao đổi gián điệp Abel và Francis Gary Powers” xuất bản năm 1964: “Đó là Ed Gross tại công ty luật của tôi gọi từ New York. Qua giọng nói của ông ấy, tôi có thể hình dung rằng có chuyện không hay đã xảy ra”.

Rồi Gross nói với Donovan: “Jim, một điệp viên Liên Xô mới bị FBI bắt, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ muốn anh bào chữa cho hắn”. Điệp viên Liên Xô được nhắc đến là Rudolf Ivanovich Abel, người hai tuần trước đó đã bị bồi thẩm đoàn ở Brooklyn truy tố. Donovan đã đọc về vụ việc trên báo chí và nhận thấy rằng Abel đã bị miêu tả một cách đầy độc đoán như một “điệp viên đứng đầu mọi hành động trái phép của Liên Xô ở Mỹ”.

Không chần chừ, ông quyết định biện hộ cho Abel. Thời điểm Abel bị truy tố, mới trước đó 4 năm hai công dân Mỹ làm điệp viên cho Liên Xô là Julius và Ethel Rosenberg đã bị xử tử. Nhưng Donovan đã trả lời phỏng vấn rằng trường hợp của Abel ở vị thế khác so với nhà Rosenberg bởi đó là những người phản bội lại chính đất nước của họ.

Ngay khi còn làm việc tại OSS, Donovan đã chia điệp viên làm hai loại, thứ nhất là những người chỉ mang tính chất đánh thuê và còn lại là những công dân ái quốc. Ông cho rằng Abel thuộc nhóm thứ hai và là “quý ông bác học có khiếu hài hước”. Khi đi sâu vào vụ kiện, Donovan lại càng cảm mến Abel, một người đàn ông thông tuệ nói được 6 thứ tiếng và đã ở Mỹ từ năm 1948.

Rồi khó khăn liên tiếp xuất hiện khi Donovan phải đối mặt với sự chì chiết, mỉa mai và thậm chí là bị đe dọa do bào chữa cho một điệp viên Liên Xô. Nhưng điều gây quan ngại hơn với ông là việc này đã ảnh hưởng tới vợ và cả các con của ông.

Đã vậy vụ việc của Abel lại gặp trắc trở khi các bằng chứng chống lại điệp viên Liên Xô này hoàn toàn rõ ràng. Trong cuộc rà soát nơi ở của Abel tại Manhattan và xưởng làm việc ở Brooklyn, đặc vụ Mỹ đã phát hiện nhiều đài radio sóng ngắn, thiết bị vi phim, bản đồ đánh dấu các khu vực phòng thủ chiến lược của Mỹ, cuốn sách mật mã, tin nhắn mật mã và đồ dùng bị làm rỗng ruột như bút chì có thể chứa những tin nhắn này.

Donovan vẫn tích cực hợp tác cùng Abel kháng cáo lên Tòa án Tối cao rằng các bằng chứng được đưa ra để chống lại Abel bị tịch thu nhưng vi phạm Tu chính án hiến pháp thứ tư của Mỹ. Theo đó cả Cơ quan Di trú và Nhập tịch (INS) và FBI chưa hề có trát của liên bang để bắt Abel và khám xét nơi ở của ông. Thay vào đó, nhân viên INS và FBI chỉ được cơ quan chức năng địa phương cho phép thẩm quyền bắt Abel do nghi ngờ vi phạm quyền cư trú.

Trong quá trình kháng cáo, Abel bị giam tại nhà lao ở Atlanta, thụ án 45 năm. Ông bị kết tội gián điệp thông tin quân sự, nhưng vẫn đối mặt nguy cơ lãnh tử hình. Vào ngày 17/11/1957, Donovan lại có một ý tưởng có thể giúp Abel thoát án tử. Tại tòa, Donovan nêu rõ: “Rất có thể trong tương lai tới một công dân Mỹ với chức vụ tương đương sẽ bị bắt bởi Liên Xô và đồng minh của họ vì tội gián điệp. Ở thời điểm như vậy việc trao đổi tù nhân thông qua kênh ngoại giao có thể là lợi ích quốc gia tối ưu cho nước Mỹ”.

Vào ngày 1/5/1960, viễn cảnh Donovan dự tính đã trở thành sự thật khi Liên Xô bắt phi công Mỹ Francis Gary Powers sau khi chiếc máy bay giám sát U-2 do anh ta điều khiển bị bắn hạ bên ngoài Sverdlovsk, sự kiện dấy lên lo ngại rằng Chiến tranh Lạnh có thể trở nên “nóng hơn”.

Xem Kỳ cuối: Dấu ấn ở Đông Đức và Cuba
Hà Linh (tổng hợp)
Nhà đàm phán kỳ tài thời Chiến tranh Lạnh - Kỳ cuối
Nhà đàm phán kỳ tài thời Chiến tranh Lạnh - Kỳ cuối

Cả Powers và Pryor đều được thả tự do và Donovan đã để lại tiền lệ tốt cho việc thương thuyết sau này với Makinen được thả vào năm 1963. Donovan đã nhận được vô số giải thưởng ghi nhận công lao của ông, trong đó có huân chương tình báo xuất chúng của CIA.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN