Người thư ký trung thành và tận tụy của Bác

Vũ Kỳ - người thư ký trung thành, tận tụy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã góp phần giữ gìn và phát huy di sản của Bác Hồ, người đã được Chủ tịch nước Tôn Ðức Thắng tặng Bằng khen "Tận tụy phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống".

Ông Vũ Kỳ và Bác Hồ trong ảnh chụp vào tháng 9/1960.

Người thư ký trung thành và tận tụy của Bác

Đồng chí Vũ Kỳ tên thật là Vũ Long Chuẩn, bí danh Nguyễn Cần, sinh ngày 26/9/1921 tại xã Mễ Sơn, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đồng chí được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương (tức Ðảng Cộng sản Việt Nam) khi vừa tròn 19 tuổi.

Ngày 28/8/1945 là ngày đặc biệt của cuộc đời, khi đồng chí Vũ Kỳ được giao nhiệm vụ làm thư ký cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam, người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.

Buổi đầu theo Bác Hồ, đồng chí được chứng kiến những giờ phút Bác soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Tết độc lập đầu tiên, đồng chí được theo Bác ra đền Ngọc Sơn đón Tết, đi thăm, chúc Tết người nghèo Thủ đô. Rồi đến Tết kháng chiến đầu tiên được theo Bác vượt mưa đêm gió rét đến chùa Trầm nơi đặt Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam để Người chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí cùng các đồng chí khác trong cơ quan trở lại Việt Bắc. Một tiểu đội rất gọn nhẹ, gồm 8 người theo Bác đi kháng chiến, kiêm nhiệm tất cả công việc, từ thư ký, liên lạc, hậu cần... và đồng chí là người chịu trách nhiệm của tiểu đội đó.

Để giữ bí mật và nhắc nhau luôn nhớ nhiệm vụ, Bác đã đặt tên cho các đồng chí giúp việc gần gũi, theo phương châm của cuộc kháng chiến là "Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Ðịnh, Thắng, Lợi", Vũ Long Chuẩn được Bác đặt tên là Kỳ, và từ đó, cái tên Vũ Kỳ đã gắn bó suốt đời với đồng chí.

Trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc là những ngày thiếu thốn, gian khổ, những lần vượt rừng đi tìm đất làm lán nghỉ, nơi gần dân không gần đường, trước có suối, núi phía sau, có đất tăng gia, có nơi tập thể dục.

Đến khi kháng chiến chuẩn bị bước sang tổng phản công, đồng chí được Bác Hồ giao nhiệm vụ về công tác ở thành ủy Hà Nội, rồi sang phụ trách Thanh niên xung phong Trung ương (năm 1953). Đồng chí trân trọng với vinh dự và trách nhiệm lớn lao này, luôn giữ gìn cẩn thận bên mình bức thư đặc biệt được Bác cấp cho mình khi đi làm nhiệm vụ.

Kháng chiến thành công, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ về Thủ đô. Đồng chí được cấp trên điều trở lại nhiệm vụ làm Thư ký của Bác. Đồng chí được theo giúp việc Bác đi đến nhiều nơi trong nước và nước ngoài.

Có lần Bác đi công tác dài ngày ở nước ngoài, Bác nhắc tới một món ăn Việt Nam - món cá kho lá gừng mà ở nhà Bác quen dùng. Đồng chí đã gửi yêu cầu, nhờ anh em ở nhà chỉ cho cách kho cá rồi tự mình xuống bếp làm món đó phục vụ bữa ăn cho Bác.

Suốt trong những năm phục vụ Bác, đồng chí duy trì đều đặn một thói quen ghi nhật ký công tác. Cách ghi nhật ký cũng đặc biệt, trang nhật ký được chia ra các phần. Phần lớn là để ghi các hoạt động của Bác Hồ, phần thì dành ghi việc cơ quan và phần nhỏ ghi những việc làm của bản thân mình.

Từng trang nhật ký đồng chí gọi vui là "chép sử" được coi như những thước phim bằng ngôn ngữ viết phản ánh sinh động về Bác và những người bên Bác, mỗi tháng đóng thành một tập. Sau này, mỗi lần cán bộ báo chí hay các cơ quan nghiên cứu đến hỏi sự kiện về Bác, đồng chí thường lật nhật ký ra để tra cứu, cung cấp thêm những thông tin tin cậy.

Năm 1968, Bác Hồ có ý định vào thăm đồng bào chiến sĩ miền Nam, Bác bảo ông để ria mép cải trang cùng với Bác hòa vào đoàn quân vào Nam. Nhưng tiếc rằng sức khỏe không cho phép Bác thực hiện nguyện vọng đó.

Tác phong làm việc thận trọng cùng với năng lực làm việc chủ động, linh hoạt giúp đồng chí có tư duy và trí nhớ rõ ràng. Người thư ký trung thành ấy, người duy nhất của Đảng, của dân tộc ta được chứng kiến từ đầu đến cuối quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo di chúc.

Đồng chí cũng chính là người duy nhất vinh dự được Bác Hồ giao cho trọng trách giữ gìn, bảo quản "tài liệu tuyệt đối bí mật" trong những năm từ năm 1965 đến 1969. Trong cuốn hồi ký "Bác Hồ viết Di chúc", đồng chí Vũ Kỳ kể lại rằng: “Vào một buổi sáng tháng 5/1965, nhân dịp ngày sinh của mình, chọn đúng vào lúc 9 giờ, Bác bắt đầu viết Di chúc một cách thanh thản, ung dung. Sau đó, hàng năm, cứ đến dịp tháng Năm, Bác lại bảo ông lấy "Tài liệu tuyệt đối bí mật" để Bác bổ sung, sửa chữa”.

Từ đó cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí đã dồn tất cả thời gian và sức lực để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này. Những cố gắng và sự đóng góp của đồng chí đã được ghi nhận trong Bằng khen của Chủ tịch nước: "Tận tụy phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống" do Chủ tịch nước Tôn Ðức Thắng ký tặng.

Kho tư liệu sống vô cùng quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của Bác

Sau khi Bác mất, đồng chí đã báo cáo với Trung ương Đảng xin được tình nguyện tiếp tục công việc chăm lo, giữ gìn thi hài và các di sản của Bác để lại, tổ chức công tác nghiên cứu tuyên truyền, giáo dục đạo đức, tác phong và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ.

Suốt 20 năm sau ngày Bác mất, từ năm 1970 đến năm 1990, Đảng và Chính phủ đã giao cho đồng chí nhiều nhiệm vụ: Ủy viên Ban Chỉ đạo xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Khi được giao làm Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, đồng chí có nhiều đóng góp, đặc biệt là cung cấp những tư liệu, hiện vật, bút tích chân thực, chính xác của Bác Hồ, trả lại chân giá trị lịch sử.

Ngày 19/5/1990, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ, cũng là ngày khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, đồng chí xin thôi giữ chức vụ Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh để lớp cán bộ kế cận đảm trách. Đồng chí vẫn tiếp tục công tác nghiên cứu, dành trọn đời phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Đồng chí lặng lẽ như con ong chăm chỉ, tên tuổi Vũ Kỳ được mọi người biết đến và ngày càng in dấu ấn sâu đậm trong trái tim đồng chí, đồng bào.

Đồng chí đều đặn viết bài cho các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân cùng hàng chục tờ báo khác, cả Trung ương và các địa phương, kể lại những hành động quyết đoán, chính xác, những suy nghĩ sâu sắc, thông tuệ, những quyết sách chiến lược, sáng suốt, những dự báo xuyên qua không gian và thời gian cùng những việc làm bình dị, tinh tế và cao thượng của Bác Hồ, cả ở trong nước và ngoài nước.

Những mẩu chuyện xúc động về việc Bác Hồ đi thăm, chúc Tết đồng bào, chiến sĩ từ những năm đầu cách mạng thành công đến những cái Tết trong chiến tranh ác liệt ... được bạn đọc gần xa hồi hộp chờ đợi, đón đọc. Vũ Kỳ là kho tư liệu sống vô cùng quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.

Qua hơn 60 năm hoạt động, dù ở cương vị nào, dù ở lĩnh vực công tác nào, đồng chí Vũ Kỳ luôn luôn thể hiện là một người cộng sản trung kiên, vững vàng trong mọi thử thách, nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, tận tụy với công việc, đoàn kết thân ái với đồng chí, dìu dắt giáo dục và đào tạo thế hệ cán bộ kế tục.

Đồng chí Vũ Kỳ mất ngày 16/4/2005, tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), hưởng thọ 84 tuổi.

Hoài Nam (TTXVN)
Ý nghĩa bức thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số
Ý nghĩa bức thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số

Trong kho tàng di sản quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, có một vấn đề càng học tập, càng nghiền ngẫm, càng chiêm nghiệm, càng thấy sáng rõ hơn tầm trí tuệ, phong cách của người. Đó là tư duy, cách nhìn nhận và thái độ ứng xử của Bác đối với vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN