Người phụ nữ đầu tiên bay vòng quanh thế giới - Kỳ cuối

Sau chuyến bay đi vào lịch sử, Mock đối diện với một cuộc sống như một ngôi sao điện ảnh mà cô không hề mong đợi.

Tại nhà, điện thoại liên tục đổ chuông với những lời mời tới tấp mà Mock không thể từ chối. Cô cần tiền thù lao phát biểu tại một sự kiện nào đó để trả lại khoản tài trợ của tờ Columbus Dispatch vốn là một khoản cho vay. Khán giả có lẽ không nhận thấy rằng cho dù giọng điệu sôi nổi và mỉm cười nhưng cô rất sợ nói chuyện với họ. Cô tâm sự: “Kiểu người có thể ngồi trên máy bay một mình không phải là kiểu người thích ở với người khác liên tục”.

Trong những năm 1930, công chúng Mỹ say mê với chuyến bay của Amelia Earhart, khiến nữ phi công trở nên nổi tiếng. Cô bảo trợ cho một số hãng thuốc lá và quần áo, viết bài cho tờ Cosmopolitan, chụp ảnh với diễn viên Cary Grant theo chiến dịch quảng bá của chồng.

Jerrie Mock - người phụ nữ làm nên lịch sử.

Với Mock cũng tương tự khi chồng cô cũng muốn quảng bá cho vợ. Lúc họ có mặt trên các chuyến bay thương mại, Russ sẽ tự hào đề nghị phi hành đoàn thông báo đặc biệt về sự có mặt của Mock trên chuyến bay mà không hề hiểu tại sao cô sẽ không thích sự nổi tiếng. Russ cho rằng vợ mình xứng đáng làm anh hùng.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Mock ví sự nổi tiếng của mình như là một con vật trong sở thú, coi việc làm lợi từ giấc mơ không khác gì việc bán linh hồn. Cô chỉ muốn trở lại cuộc sống bình thường, được lái máy bay, được ở một mình. Sau này, Mock cứ lặp đi lặp lại câu nói: “Tôi thích tới một hòn đảo nào đó không có điện thoại hay TV và không bao giờ nói chuyện với ai nữa”.

Trong kỷ nguyên có nhiều sự kiện quan trọng như phong trào quyền dân sự, cuộc chiến tranh tại Việt Nam, cơn sốt nhóm nhạc The Beatles, cuộc chạy đua vũ trụ, tin tức về một phụ nữ lập kỷ lục như Mock cuối cùng cũng bị chìm xuống. Cô đã có sự riêng tư mà mình mong chờ.

Năm 1969, Sở Thuế vụ thông báo Mock nợ 6.000 USD tiền mua chiếc máy bay Cessna 206. Đây thực ra là món quà mà Cessna trao cho Mock để đổi lấy việc hãng được trưng bày chiếc Cessna 180 bay vòng quanh thế giới tại nhà máy. Mock đã thuê luật sư và thắng kiện. Không phải trả 6.000 USD nhưng cô lại phải trả chừng ấy tiền phí pháp lý.

Bức tượng Jerrie Mock trong ngày khánh thành tại sân bay Columbus năm 2014.

Ánh hào quang nổi tiếng biến mất, Mock và chồng trở lại cuộc sống thường nhật. Họ cãi vã nhau chuyện tiền nong. Mock liên tục dọa bỏ đi khi con gái tròn 18 tuổi. Cuối cùng, Russ đã gặp một phụ nữ khác. Người này vừa có một khoản thừa kế, dư dả tiền nong để bao Russ tới du lịch Maroc và Trung Quốc. Sau này, Mock viết trong hồi ký: “Anh ta yêu tiền của cô ta. Anh ta bỏ tôi để có thể đi với cô ta”.

Họ ly hôn năm 1979. Mock đi đi về về giữa căn hộ ở Columbus và nhà bố mẹ đẻ ở Newark, rồi nhà các con trai ở Columbus và Michigan. Khi đã lớn tuổi, bà muốn tìm việc nhưng thời thế thay đổi nên không hề dễ. Không có bằng đại học, bà chỉ có thể làm việc bán thời gian tại một ngân hàng với công việc là chào khách.

Về phần Russ, sau khi tái hôn, ông vẫn dành thời gian cuối tuần bên vợ cũ, giúp bà nấu nướng, làm việc nhà như một người chồng bình thường. Con gái và em gái Mock đều không thể hiểu tại sao họ ly hôn.

Chiếc Cessna 180 đã đưa bà Jerrie Mock bay vòng quanh thế giới.

Năm 1991, ông Russ gửi cho bà Mock một tờ séc khiến bà nghĩ rằng chồng cũ muốn quay lại. Trước khi bà Mock có thể sử dụng tờ séc này, ông Russ đã không còn sau một cơn đau tim. Con trai Gary của họ cũng chết vì bệnh xơ gan năm 42 tuổi sau đó vài tháng. Con trai Roger chết vào đúng sinh nhật của bà Mock năm 2007 vì biến chứng bệnh tiểu đường.

Tới dịp kỷ niệm 50 năm chuyến bay vòng quanh thế giới, cuộc sống yên lặng của bà Mock bị gián đoạn. Cuốn hồi ký của bà Mock “Three-Eight Charlie” đã được tái bản 1.000 cuốn. Trong lần xuất bản trước, người ta cũng chỉ in 1.000 cuốn. Cuốn sách được tái bản khơi lại sự quan tâm của cộng đồng bay. Bà Mock lại nhận lời phỏng vấn của các phóng viên mảng hàng không và tới thăm một số phi công. Trong các chuyến thăm, bà thường kể: “Khi tôi còn là một cô bé, tôi đã nói với bố mẹ rằng con sẽ lái máy bay đi vòng quanh thế giới…”.

Năm 2014, tức là tròn 50 năm chuyến bay, ông Bill Kelley – một người họ hàng của bà Mock - nhận ra rằng quê nhà Ohio chưa có gì để ghi nhận thành tích của bà. Mặc dù chưa bao giờ gặp bà Mock nhưng ông Kelley đề nghị thế chấp nhà để lấy tiền làm tượng bà Mock. Ông tỏ ra buồn khi học sinh ở trường học không được học về Jerrie Mock. Theo ông, bất kỳ nơi nào đề cập đến Amelia Earhart cần phải có tên của Jerrie Mock.

Em gái của Jerrie Mock đã quyên góp 48.000 USD để làm bức tượng đồng và bức tượng được đặt ở một bảo tàng tại Newark. Một bức tượng nữa được đặt tại sân bay Columbus nơi mà bà đã đáp chiếc Cessna 180 cách đó 50 năm.

Tuy nhiên, dường như không thích sự nổi tiếng, bà Mock đã từ chối tham gia lễ khánh thành bức tượng, ngay cả khi được cấp máy bay riêng bay về Ohio. Bà cũng không cho phép chụp ảnh mình trong nhiều năm trời. Các cháu của bà Mock đã giúp bà xem buổi lễ qua Skype. Buổi lễ có hơn 400 người tham dự, từ các phi công cho tới bạn học thời trung học của bà Mock – những người đã dành thời gian tới để vinh danh thành tựu của bà. Tại buổi lễ, em gái bà đã phát biểu: “Đối với tôi, chị Jerrie Mock đại diện cho giá trị Mỹ, tức là một người bình thường có những ước mơ phi thường và biến nó thành hiện thực”. Bà Mock không nói gì nhiều khi xem buổi lễ và về sau cũng thế. Tuy nhiên, có hai lần, các cháu để ý thấy bà lấy tay quệt nước mắt.

Ngày 30/9/2014, một người họ hàng đã phát hiện bà Mock chết tại nhà riêng ở Quincy, bang Florida. Lúc đó, bà 88 tuổi.
Thùy Dương
Người phụ nữ đầu tiên bay vòng quanh thế giới - Kỳ 3
Người phụ nữ đầu tiên bay vòng quanh thế giới - Kỳ 3

Ngoài những tình huống nguy hiểm chết người, Mock cũng có những trải nghiệm tuyệt vời khi được tận hưởng cảm giác bình yên không thể diễn tả lúc bay giữa những đám mây lấp lánh ánh vàng lúc bình minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN