Người lính Nhật Bản cố thủ trong rừng rậm Guam suốt 28 năm

Trung sĩ quân đội Đế quốc Nhật Bản Shoichi Yokoi đã chạy trốn vào rừng rậm Guam khi lực lượng Mỹ chiếm lại hòn đảo này vào năm 1944. Mãi 28 năm sau, người ta mới phát hiện ra Yokoi.

Chú thích ảnh
Shoichi Yokoi. Ảnh: Allthatsinteresting

Vào ngày 2/9/1945, Thế chiến thứ hai kết thúc, nhưng với Shoichi Yokoi thì không.

Ẩn sâu trong rừng rậm Guam, Yokoi và nhiều đồng đội vẫn ngoan cố không chịu đầu hàng quân Mỹ vì nghĩ rằng đầu hàng là điều ô nhục. Nhưng năm tháng dần trôi qua, đồng đội của Yokoi đều bị bắt hoặc chết. Đến năm 1964, ông này chỉ còn lại một mình.

Sinh năm 1915, Shoichi Yokoi lớn lên trong một gia đình nghèo khó trong bối cảnh Nhật Bản xảy ra cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử. Yokoi sống với hết người họ hàng này đến người họ hàng khác cho đến khi học nghề thợ may ở tuổi 15.

Như vô số đàn ông Nhật Bản, cuộc đời Yokoi đã thay đổi vào năm 1940 khi Nhật Bản bước vào Thế chiến thứ hai. Yokoi nhập ngũ ở tuổi 26 và được điều đến Trung Quốc, phục vụ trong đơn vị hậu cần ở phía sau tiền tuyến. Tiếp theo, Yokoi cùng 20.000 binh sĩ đến Guam - lãnh thổ hải ngoại của Mỹ mà người Nhật Bản đã chiếm được vào năm 1941.

Giống như những người lính Nhật khác vào thời điểm đó, Yokoi tin tưởng rằng phải chiến đấu đến chết, không được đầu hàng. Vì vậy, khi lính Mỹ tấn công hòn đảo Guam vào năm 1944 và tiêu diệt toàn bộ đồng đội, Yokoi đã bỏ chạy vào rừng cùng một số người còn sống. Trong cuộc tấn công đó, 18.382 người đã thiệt mạng và khoảng 1.600 người bị bắt.

Yokoi không biết thông tin này và sẽ sống ẩn sâu trong vùng rừng rậm hoang dã ở Guam trong gần 28 năm nữa.

Cuộc sống ở Guam không hề dễ dàng. Lúc đầu, Yokoi và đồng đội có thể bắt, giết và ăn thịt gia súc của người dân địa phương. Nhưng đối mặt với sự thù ghét của người dân địa phương, nhóm lính Nhật Bản cố thủ này buộc phải từ từ lùi sâu vào rừng.

Sống trong hang động hoặc nơi trú ẩn đào dưới lòng đất, họ tồn tại nhờ ăn quả dừa, đu đủ, tôm, ếch, cóc, lươn và chuột. Nhưng hầu hết trong số họ đã không sống được lâu. Từng người một hoặc là chết, bị giết, hoặc đầu hàng. Năm 1964, hai đồng đội cuối cùng của Yokoi chết trong một trận lũ lụt. Yokoi còn lại một mình.

Không còn gì để làm và không có ai để trò chuyện, Yokoi bắt đầu tự tìm cách sinh tồn. Nhờ từng làm thợ may nên Yokoi đã làm quần áo bằng cách dệt sợi từ vỏ cây. Việc này mất nhiều tháng nhưng nhờ đó mà Yokoi có việc làm để đỡ nhàm chán. Yokoi làm bẫy để bắt lươn và đào một nơi trú ẩn dưới lòng đất để sinh sống.

Chú thích ảnh
Nơi ở trong lòng đất của Yokoi. Ảnh: Allthatsinteresting

Nhưng trong tâm trí Yokoi, ông chưa bao giờ quên quê hương Nhật Bản và luôn khiến cho mình bận rộn để xua tan nỗi nhớ mẹ. Sau này, ông đã viết trong hồi ký: “Thật vô nghĩa khi cứ mãi nghĩ về những điều như vậy và làm tim mình đau đớn”.

Có một điều là Yokoi vẫn trung thành mãnh liệt với Nhật Bản. Khi ốm thập tử nhất sinh, ông vẫn có suy nghĩ: “Không! Mình không thể chết ở đây. Mình không thể phơi xác cho kẻ thù. Mình phải quay lại cái hang để chết. Cho đến nay mình đã cố gắng sống sót nhưng giờ tất cả đều chẳng là gì cả”.

Điều đó nói lên rằng Yokoi dường như đã biết rằng Thế chiến thứ hai trên thực tế đã kết thúc. Yokoi luôn ngờ vực khi biết tin Nhật Bản đầu hàng. Mặc dù ông đã xem những tờ thông tin nói về chiến tranh kết thúc, nhưng ông đã coi đây chỉ là thông tin tuyên truyền của Mỹ.

Về mọi mặt, Shoichi Yokoi đã bị cắt đứt hoàn toàn khỏi thế giới. Nhưng vào năm 1972, thế giới đã phát hiện ra Shoichi Yokoi.

Vào tháng 1 năm đó, hai thợ săn địa phương tình cờ gặp Yokoi đang kiểm tra bẫy cá. Mặc dù Yokoi chống cự khi bị bắt, thậm chí còn cố giật lấy một khẩu súng trường, nhưng hai người thợ săn vẫn có thể chế ngự được cựu quân nhân 56 tuổi. Yokoi bảo họ hãy giết mình đi nhưng thay vào đó, hai người thợ săn quyết định đưa ông đến đồn cảnh sát. Ở đó, Yokoi đã kể câu chuyện khó tin trong rừng rậm Guam.

Vài tuần sau khi được tìm thấy ở Guam, Yokoi bay về Nhật Bản lần đầu tiên sau gần 30 năm. Tờ New York Times đưa tin vào năm 1997 rằng ông đã khóc khi nhìn thấy núi Phú Sĩ từ trên máy bay. Hàng triệu người Nhật Bản đã theo dõi Yokoi trên truyền hình khi ông đến sân bay Tokyo.

Những người đồng hương của Yokoi đã phát cuồng khi ông đến nơi. Họ xếp hàng trên đường để theo dõi hành trình Yokoi được đưa về quê. Máy quay đã ghi lại cảnh Yokoi rơi nước mắt khi nhìn thấy bia mộ của gia đình mình. Trên bia mộ, có dòng chữ ghi rằng ông đã chết vào năm 1944.

Chú thích ảnh
Yokoi khóc khi về Nhật Bản năm 1972. Ảnh: Allthatsinteresting

Khi về quê nhà, cuộc sống và tâm lý của Shoichi Yokoi rất phức tạp. Mặc dù ông tuyên bố rằng ông đã cố gắng sống sót vì Hoàng đế, nhưng thừa nhận ông xấu hổ vì đã sống sót trở về. Ông chưa bao giờ nghe nói đến vũ khí nguyên tử hay việc con người đặt chân lên Mặt trăng, không biết liệu Franklin Roosevelt có còn là tổng thống Mỹ hay không và cảm thấy bối rối trước xã hội Nhật Bản thời hậu chiến.

Ông từng cho rằng cần phá bỏ các sân gôn và thay bằng những cánh đồng đậu. Tờ tiền 10.000 yen mới khiến ông cảm thấy vô giá trị và mắng người Nhật vì thái quá, lãng phí.

Người Nhật có những phản ứng khác nhau về Yokoi. Trong khi thế hệ cũ ca ngợi Shoichi Yokoi là một nguồn cảm hứng, thì thế hệ trẻ lại coi tư duy của ông là cổ hủ và vô nghĩa, gợi nhớ về một thời kỳ mà mọi người phải tuân theo quyền lực và không nghĩ cho bản thân mình. Có thể nói Yokoi là một nhân vật gây nhiều trông cãi.

Ở tuổi 56, ông bắt đầu chương cuối cùng của cuộc đời bất thường. Trong 25 năm tiếp theo, Shoichi Yokoi bắt kịp cuộc sống ở Nhật Bản. Ông kết hôn vào năm 1972 sau khi gia đình thuê một người mai mối tìm vợ cho ông. Ông viết hồi ký, nhận lời phỏng vấn, phát biểu trên khắp Nhật Bản và thậm chí còn tranh cử với quan điểm bác bỏ chủ nghĩa tiêu dùng và phản đối váy ngắn. Tất nhiên, ông đã thua đậm trong cuộc tranh cử.

Yokoi thừa nhận với cháu trai rằng ông chưa bao giờ cảm thấy thoải mái như ở nhà trong xã hội hiện đại. Yokoi ngày càng hoài niệm về quá khứ và ông thậm chí còn quay lại Guam nhiều lần, trong đó có lần đi trăng mật với vợ.

Đối với nhiều người, Yokoi có vẻ giống như vết tích của một thời đã mất, nhưng ông không phải là người lính duy nhất.

Ngoài ông, còn có hai lính Nhật Bản cố thủ sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc: Hiroo Onoda ở Philippines và Teruo Nakamura ở Indonesia. Onoda từ chối đầu hàng cho đến khi sĩ quan chỉ huy quay lại đảo và ra lệnh hạ vũ khí. Trong khi đó, Nakamura bị dụ ra khỏi nơi ẩn náu khi nghe thấy người ta hát quốc ca và vẫy cờ Nhật Bản.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Allthatsinteresting)
'Phòng khám tin đồn' ở Mỹ thời Thế chiến II
'Phòng khám tin đồn' ở Mỹ thời Thế chiến II

Cách đây 80 năm, nhiều tờ báo và tạp chí trên khắp nước Mỹ mở chuyên mục hàng tuần để bóc trần các tin đồn gây bất lợi cho nỗ lực chiến tranh. Các chuyên mục này có tên gọi chung là “phòng khám tin đồn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN