40 năm ngày Giải phóng miền Nam-Phần 2: Những người góp phần làm nên lịch sử-Bài 4

Người chỉ huy Sư đoàn 2 tiến quân vào Dinh Độc Lập

“Nổ tung kho bom thành Tuy Hạ”, “Pháo kích Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Hoa Kỳ”, “Bốc cháy kho xăng Nhà Bè”, “30/4 đại thắng”…  những trận đánh lừng lẫy ấy, đều có ông tham gia. Ông chính là đại tá Lê Bá Ước - nguyên Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 bộ đội đặc công nước Rừng Sác, nguyên Chính ủy Sư đoàn 2 đặc công…

“30/4 đại thắng”


Chúng tôi đến thăm đại tá Lê Bá Ước tại nhà riêng ở thành phố Biên Hòa - Đồng Nai. Ông chạy xe máy ra đầu ngõ đón chúng tôi, tay lái vẫn vững vàng dù đã ở độ tuổi đã ngoài 80. Nhắc đến những trận đánh năm xưa, vị chỉ huy già nhớ khá rõ từng sự kiện, tên từng chiến sỹ tham gia các trận đánh với mình. Với ông, trận đánh để lại nhiều ấn tượng nhất là trận “30/4 đại thắng” năm 1975.

Ông kể: “Đầu năm 1974, do yêu cầu Giải phóng Sài Gòn, Sư đoàn 2 Đặc công được thành lập và tôi được bổ nhiệm làm Chính ủy Sư đoàn 2. Ngay sau khi thành lập với 7 trung đoàn, chúng tôi nhận lệnh phối hợp với Quân đoàn 4 - đang đánh địch ở Mặt trận Long Khánh. Sau đó, sư đoàn lại chia thành 6 mũi thọc sâu áp sát vùng ven Sài Gòn - Gia Định. Lúc này, nhiệm vụ của sư đoàn là phải phá cho được 20 cây cầu có ý nghĩa chiến lược bao quanh Sài Gòn để cắt đường tiến, thoái của quân địch.

Đại tá Lê Bá Ước tại nhà riêng ở Đồng Nai.


Tuy nhiên, đến năm 1975, chúng tôi lại được chỉ thị phải đánh chiếm và giữ cầu sông Buông, cầu Đồng Nai, Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn, bảo đảm cho quân đoàn đột phá vào Dinh Độc Lập. Đồng thời, chiếm giữ bến phà Cát Lái, sông Lòng Tàu và bảo vệ những cây cầu huyết mạch, tạo điều kiện cho các đơn vị của ta tiến công vào nội đô. Lúc này,  từ nhiệm vụ phá cầu chúng tôi chuyển sang phải bảo vệ cầu”.

Đến 8 giờ 30 phút ngày 30/4, sư đoàn của đại tá Bá Ước đã tới Thủ Đức. Địch cố thủ quyết liệt với nhiều đợt pháo đạn bắn trả, tuy nhiên, lực lượng đặc công của Đại tá Ước đã phối hợp với dân quân du kích địa phương xã Tăng Nhơn Phú tiêu diệt hầu hết quân địch, tiến vào nội đô. Khoảng hơn 10 giờ ngày 30/4, bộ đội đặc công và lực lượng tăng, thiết giáp đã đến gần hồ An Phú, sau đó tiếp tục vượt cầu Thị Nghè để tới Dinh Độc Lập.

“Ngồi trên xe tăng thứ 6, chúng tôi đã nhìn thấy xe tăng có số hiệu 390 húc đổ cánh cổng sắt tràn vào Dinh. Lúc này, nhận lệnh của chỉ huy chúng tôi cũng đã tổ chức vây bắt số lính bảo vệ của Dinh. Chừng 15 phút sau, anh em đặc công đã bắt được 30 tên, gom lại gần bãi cỏ phía trước dinh. Còn phía ngoài Dinh các cánh quân của ta từ nhiều hướng ầm ầm tiến vào nội đô khí thế hừng hừng. Nhiệm vụ của bộ đội đặc công chúng tôi lúc này là bảo vệ những nơi trọng yếu của Dinh. Đúng 11 giờ 30 phút, khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, cũng là lúc hàng triệu con tim trong đó có tôi  hòa cùng một nhịp, vui mừng chào đón chiến thắng của quân và dân ta”, đại tá Lê Bá Ước nhớ lại.

Bù đắp cho các con

Sau một hồi nhớ lại những chuyện xưa, vị đại tá già dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà. Căn nhà khá đơn sơ với một gian trưng bày nhiều kỷ vật thời lính trận của ông và những tấm ảnh xưa cũ có mặt những đồng chí, đồng đội ngày nào. Đặc biệt, trên bàn thờ nhà ông là 2 bức ảnh của hai liệt sĩ. Một người, là người vợ đầu tiên của ông, liệt sỹ Nguyễn Kim Mến - quân y sĩ, hy sinh năm 1971. Người kia là liệt sĩ Phạm Như Tiếp - cán bộ đại đội, hy sinh năm 1972, là người chồng đầu tiên của vợ ông hiện nay, bà Thân Thị Tuyết Vân.

Ông Louis Wesling đến tìm gặp Đại tá Bá Uớc (bìa phải) vị chỉ huy đốt cháy kho xăng Nhà Bè năm xưa.


Thấy tôi ngạc nhiên, ông rưng rưng nói: “Sự thật này từng một thời làm tôi buồn đến nghẹt thở!”. Người vợ đầu tiên của ông là y sĩ Nguyễn Kim Mến, đã hy sinh trong một trận địch càn vào Rừng Sác. Bà Mến trúng đạn, không kịp trăn trối điều gì với chồng và 3 con. Người vợ thứ 2 của ông là vợ của cán bộ đại đội Phạm Như Tiếp. Anh Tiếp hy sinh, để lại cho bà Vân 3 người con. Cùng chung hoàn cảnh mất mát trong chiến tranh, nên ông và bà Vân tái hợp, có chung với nhau 3 mặt con. Trong thời chiến tranh loạn lạc, những đứa con mỗi đứa một nơi, đứa thì ông bà nội, ngoại chăm sóc, đứa thì nhờ chiến sĩ cơ sở nuôi hộ…

Sau giải phóng năm 1975, điều trước hết mà vợ chồng ông làm là thực hiện việc “gom” các con về sống chung dưới một mái nhà. “Ba đứa con anh Ước từ nhỏ đã sống xa cha nên khi đón về chúng rất xa lạ. Ngay cả 3 đứa con của tôi với anh Tiếp cũng vậy, ngay từ khi sinh ra đã phải nhờ người ta nuôi hộ để cha mẹ đi chiến đấu. Thế mới thấy, những đứa con của người lính đều có số phận giống nhau. Cũng chính điều ấy lại khiến tôi không phân biệt con anh, con tôi hay con chúng ta”, bà Tuyết Vân xúc động.

Hiện tại, 9 người con đều đã trưởng thành, người làm bác sĩ, người làm kĩ sư, thợ điện, kinh doanh… đủ cả dâu lẫn rể và ở cùng với vợ chồng ông. Đại tá Ước tâm sự: “Trước kia mình vì tham gia chiến đấu đã không có điều kiện gần gũi các con, bây giờ, mình muốn bù đắp cho chúng nên không muốn đứa nào đi xa gia đình”.

Dù đã từng tham gia nhiều trận đánh lừng lẫy nhưng ông cũng ít nói đến chuyện chiến tranh. Với ông, quá khứ đã đi qua cũng cần phải khép để tập trung lo cho hiện tại và tương lai, để cuộc sống ngày càng tốt hơn. Thời gian còn lại, ông dành phần lớn cho việc tìm thêm hài cốt đồng đội đã nằm xuống tại Rừng Sác. Ông cũng luôn sẵn sàng tiếp các “đồng chí” bên kia chiến tuyến khi họ hỏi thăm tin tức về những quân nhân bị mất tích tại chiến trường Việt Nam như phái đoàn MIA Hoa Kỳ, đoàn Chính phủ Hoàng gia Úc… Khi hỏi về những mong ước cuối đời của mình, Đại tá Lê Bá Ước chỉ mong khi trăm tuổi, thân thể mình sẽ được hòa lẫn vào dòng sông Lòng Tàu chảy giữa mênh mông Rừng Sác…


Bài và ảnh: H.Tuyết


Ký ức của người lính biệt động
Ký ức của người lính biệt động

Ông Lâm Sơn Náo từng là lính biệt động với chiến công vang dội đánh chìm tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ chở hơn 200 máy bay sang Việt Nam tham chiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN