40 năm ngày Giải phóng miền Nam-Phần 2: Những người góp phần làm nên lịch sử-Bài 2

Giây phút không quên của người con Đất thép

Trong ký ức của mình, cựu chiến binh Tô Văn On không bao giờ quên những hình ảnh của ngày 29/4/1975, khi Trung đoàn Củ Chi cất bước hành quân trong niềm tin quyết thắng, mở đường cho các cánh quân chủ lực giải phóng hoàn toàn Củ Chi, Hóc Môn tiến thẳng vào Sài Gòn chiếm giữ Tòa đô chính Gia Định.

Đại úy Tô Văn On, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi.


Bừng bừng khí thế


Đã bước qua tuổi 72, nhưng ông Tô Văn On, sinh ra và lớn lên trên vùng “đất thép” Củ Chi, giọng nói cười vẫn sang sảng. Ông khởi đầu câu chuyện về Trung đoàn Củ Chi bằng cái tên “Trung đoàn dân binh”.

Ông nói, đó là cái tên “ví von” mà anh em gán cho. Vì Trung đoàn được tập hợp từ đơn vị bộ đội địa phương, lực lượng du kích xã, công an xã... "Vậy đó, có đồng phục gì đâu, ai có gì mặc nấy, rồi ôm súng xuống đường giành lại Sài Gòn. Tui còn nhớ vào tháng 3/1975, đồng chí Bí thư Huyện ủy Ba Lưng gọi tui lên quán triệt. Ổng nói, “kỳ này mở chiến dịch, dốc toàn lực lượng. Mình ở huyện Củ Chi thuộc khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định mà không tham gia thì coi sao được, không còn ý nghĩa gì nữa hết”. Nói là nói vậy chứ nghe đi giải phóng Sài Gòn thì bừng bừng khí thế rồi, dù trong bụng tụi tui còn chút lo như trận đánh Mậu Thân năm 1968”, ông On cười tự hào mở đầu cho câu chuyện.

Sau thời gian chuẩn bị lực lượng, sáng ngày 29/4, Trung đoàn Củ Chi nhận lệnh tập kết tại xã An Phú - ông kể, lúc đó một cánh quân chủ lực gồm pháo, xe tăng đã về từ lúc nào. “Thấy cảnh tượng như vậy, bao nhiêu lo lắng tan biến hết. Anh em tụi tui gồm 3 đại đội với hơn 1.000 quân mừng khôn tả, reo hò vì tin chắc ngày giải phóng Sài Gòn tới nơi rồi. Vừa lúc đó, nhận lệnh Trung đoàn trưởng, tụi tui đi trước mở đường cho quân chủ lực theo hướng tỉnh lộ 15 để bao vây đồn Tân Thạnh Đông với khoảng 100 tên lính, nằm giáp với huyện Hóc Môn. Lúc tới đồn, mình phát loa kêu gọi đầu hàng, vận động gia đình ngụy quân nhưng chúng đâu chịu nghe, cứ nghĩ tình hình cũng như đợt Mậu Thân. Đến lúc thấy quân chủ lực, xe tăng rầm rầm tiến đến thì xin hàng cũng không kịp nữa”, ông On nhớ lại.

Ngày hôm đó, Trung đoàn Củ Chi tiếp tục tiến quân về Trung tâm huấn luyện Quang Trung (huyện Hóc Môn) của địch. Ém chờ đến rạng sáng ngày 30/4, cùng với quân chủ lực, Trung đoàn Củ Chi bắt đầu nổ súng ở vòng ngoài. Không bao lâu sau, dưới lưới đạn trấn áp, khoảng 40 ngàn ngụy quân lột bỏ quần áo lính, giơ tay đầu hàng chạy ra ngoài cổng trước khí thế ngút trời của hàng ngàn chiến sĩ quân Giải phóng.

Các chiến sĩ của Trung đoàn Củ Chi nhanh chóng phát cho từng binh lính đầu hàng quyển “Chính sách khoan hồng của Chính phủ Cách mạng lâm thời” và đồng thời cấp tốc trưng dụng hơn 100 xe vận tải quân dụng GMC và binh lính lái xe của chế độ cũ để đưa quân chủ lực và các chiến sĩ Trung đoàn tiến vào nội thành. “Lúc đó, trên hàng trăm chiếc xe mang số hiệu của chế độ Việt Nam Cộng hòa trong thời khắc “cáo chung” là những lá cờ đỏ sao vàng, cờ mặt trận giải phóng miền Nam tung bay. Trên những con đường qua quận Gò Vấp để tiến về Tòa đô chính Gia Định, người dân tràn ra hai bên đường, trên tay nắm chặt lá cờ đỏ sao vàng, reo hò “quân giải phóng về Sài Gòn rồi”. Đúng 11 giờ 40 phút, Trung đoàn Củ Chi chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ cắm lá cờ giải phóng trên Tòa đô chính Gia Định”, ông On xúc động nói.

Mãi là người lính cụ Hồ

Nhắc đến những năm tháng chiến tranh khốc liệt trước Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đôi mắt cựu binh Tô Văn On trĩu nặng khi nhớ về trận đánh Mậu Thân 1968. Là chiến sĩ của Tiểu đoàn Quyết Thắng thuộc Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định từ năm 1964, sau hai đợt tấn công vào nội thành, những đồng đội của ông trong Tiểu đoàn lần lượt ngã xuống, riêng ông bị thương nặng. Đến năm 1970, ông được chuyển về làm cán bộ Công an huyện Củ Chi và trước khi tham gia vào Trung đoàn Củ Chi ông đang giữ chức vụ Bí thư, Trưởng Công an xã Trung Lập Thượng. “Anh em chúng tôi có đi qua trận đánh Mậu Thân thì mới càng khâm phục, càng thấy sự vĩ đại, tài tình của Chiến dịch Hồ Chí Minh - 1975. Cuối cùng, những chiến sĩ biệt động thành, những chiến sĩ bộ đội địa phương, trong đó có những đồng đội của chúng tôi ở Tiểu đoàn Quyết Thắng ngã xuống đã tròn tâm nguyện nối liền một dải non sông”, giọng của ông trầm xuống.

Ngồi đối diện người cựu binh, chúng tôi cảm nhận phía trong chiếc áo lính màu xanh, ở nơi ngực trái là hai huy hiệu khắc hình Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trái tim nồng nhiệt của người con Đất thép dành trọn cả cuộc đời cho đất nước, mãi mãi là người lính cụ Hồ. Đến ngày hôm nay, đã ngót nghét 15 năm kể từ khi Hội Cựu chiến binh được thành lập, chiến sĩ “Trung đoàn dân binh” ngày nào hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi. Ông chia sẻ: “Chiến tranh đã đi qua, nhưng nhiệm vụ của người lính không bao giờ chấm dứt. Anh Khâu Sĩ Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, tôi và cùng với nhiều anh em cựu binh khác vẫn đang tiếp tục góp sức xây dựng quê hương địa đạo anh hùng đã từng bị bom đạn phá tan hoang trong thời chiến. Chỉ đến khi nào, trái tim của anh em chúng tôi ngừng đập thì lúc đó chúng tôi đã làm hết nhiệm vụ người lính”.

Chính vì vậy, những năm qua, Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi cùng với các đoàn thể địa phương tập trung chăm lo đời sống, phát triển kinh tế gia đình của các hội viên. Xây dựng nếp sống văn hóa, giáo dục cho các thế hệ sau về truyền thống kiên trung, bất khuất, tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm. Như trong năm 2014, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ với 213 cuộc với hơn 11 ngàn lượt thanh thiếu niên, đoàn viên tham gia. Bên cạnh đó, Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi thực hiện thành công chương trình thi đua giúp nhau phát triển kinh tế bằng hai phong trào lớn là “đoàn kết giúp nhau” và “liên kết vốn” với trên 5 tỷ 800 triệu đồng để giúp các hội viên phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó mà đến nay, hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 0,58%, góp phần không nhỏ cho sự phát triển “thay da đổi thịt” từng ngày của vùng Đất thép.


Bài và ảnh: Anh Đức

Kỳ tới: Ký ức của người lính biệt động thành

Người lính đặc công trong trận đánh Buôn Mê Thuột
Người lính đặc công trong trận đánh Buôn Mê Thuột

Đại úy Nguyễn Quang Vinh - một trong những chiến sĩ đặc công nhận lệnh chiến đấu tấn công Căn cứ 53 của ngụy vẫn nhớ như in những ký ức về trận đánh oai hùng đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN