Nghìn lẻ một sáng kiến làm đẹp của phụ nữ Anh thời Thế chiến 2

Với phụ nữ Anh, ngay cả chiến tranh thế giới cũng không thể ngăn cản họ mặc đẹp và bỏ qua các tiêu chuẩn thời trang.

Một mẫu quần liền áo giúp chị em chạy tránh bom mà vẫn đẹp.

“Đẹp là nghĩa vụ”


Trong thực tế, ăn mặc đẹp chính là một phần nghĩa vụ mà phụ nữ Anh thời Thế chiến 2 phải thực hiện vì quyền lợi của Nhà vua và quốc gia. Phụ nữ Anh thời đó được khu yến khích mạnh mẽ đóng góp cho nỗ lực thời chiến bằng cách lúc nào cũng phải trông đẹp nhất, như một khẩu hiệu tuyên truyền trong chiến tranh mà chính phủ Anh đưa ra: “Đẹp là nghĩa vụ”.

Khẩu hiệu này đã khiến phụ nữ Anh nảy ra những sáng kiến thông minh để giải quyết tình trạng thiếu quần áo, mỹ phẩm không thể tránh khỏi do chế độ phân phối thời chiến.

Quần áo bắt đầu được phân phối ở Anh từ tháng 6/1941, tức một năm sau khi chế độ phân phối thực phẩm được thực hiện. Theo quy định phân phối, mỗi người Anh lúc đầu được phát 66 phiếu để đổi lấy quần áo. Mỗi loại quần áo cần một lượng phiếu khác nhau để đổi, tùy vào thời gian may và lượng vải. Ví dụ, bạn có thể cần tới 11 phiếu mới đổi được một cái váy nhưng chỉ cần 2 phiếu là đổi được một đôi tất dài.

Mỗi năm, phiếu sẽ được cấp bổ sung dù càng ngày lượng phiếu càng giảm. Người lớn chỉ nhận được 24 phiếu trong giai đoạn từ tháng 9/1945 tới tháng 4/1946. Có các trường hợp ngoại lệ là trẻ em và phụ nữ mới sinh con. Trẻ em được phát thêm 10 phiếu vì các em lớn nhanh, còn phụ nữ mới sinh được thêm 50 phiếu để mua quần áo trẻ em và chăn. Tuy nhiên, số lượng phiếu cho hai đối tượng ưu tiên này cũng thay đổi trong suốt cuộc chiến vì nguồn cung ngày càng khan hiếm.

Do nguồn cung quần áo hạn chế nên Bộ Thông tin Anh đã phát động chiến dịch “Make Do and Mend” (tạm dịch: Dùng tạm và sửa) trong chị em phụ nữ, phổ biến cho chị em những cách để làm cho quần áo bền và dùng được lâu. Ví dụ như Bộ này khuyên chị em mua quần áo rộng cho trẻ em để nếu các em lớn nhanh thì cũng mặc được thêm một thời gian nữa. Các mẹo thay đổi và sửa quần áo bằng các thứ vải có sẵn cũng được phổ biến. Bộ thậm chí còn mở các lớp dạy kỹ năng khâu vá cơ bản cho dù đa số phụ nữ Anh thời này vốn đã giỏi khâu vá.

Chị em thanh lịch trên đường phố London năm 1941.

Một điều quan trọng cần phải lưu ý, đó là người dân Anh vẫn phải trả tiền quần áo. Phiếu được phát chỉ là để đổi lấy quyền mua quần áo đầu tiên. Nhờ thế, ngành thời trang không chỉ sống sót qua Thế chiến 2 mà còn phát triển, thậm chí còn có nhiều nhà sản xuất quần áo cao cấp. Lý do là vì một chiếc váy may đo đắt tiền nhìn chung cũng có số phiếu mua ngang với một chiếc váy rẻ tiền do hai chiếc váy đều dùng lượng vải như nhau. Trong khi đó, các nhà sản xuất quần áo lại nâng giá để bù lại doanh số bán quần áo sụt giảm do thiếu vải và do chế độ phân phối.

Với những người không thể mua quần áo đắt tiền hơn, họ phải khâu lại quần áo đã rách hoặc dùng những phiếu quý giá để mua quần áo hoặc vải chất lượng thấp cho dù biết là không bền. Điều này khiến chị em khó mà thực hiện nghĩa vụ “đẹp” theo khẩu hiệu của chính phủ.

Quần áo “dầm mưa  dãi nắng”

Để giải quyết vấn đề, chính phủ Anh đã có sáng kiến gọi là “Quần áo dầm mưa dãi nắng” năm 1942. Sáng kiến này tác động mạnh tới ngành thời trang và may mặc ở Anh một thời gian dài sau khi chiến tranh kết thúc. 

“Quần áo dầm mưa dãi nắng” thực ra là quần áo được sản xuất hàng loạt theo một số mẫu và màu hạn chế để giảm thiểu chi phí sản xuất. Điều quan trọng là ngoài việc làm giảm chi phí, mục tiêu thứ hai của dòng thời trang “dầm mưa dãi nắng” là để làm cho quần áo trở nên cực kỳ bền. Khi mà mọi người mặc quần áo mãi không rách thì sẽ có nhiều vải vóc, nhà máy, công nhân để phục vụ cuộc chiến thay vì may quần áo cho dân thường. Tuy nhiên, làm quần áo rẻ và bền vẫn là chưa đủ. Sau cùng, mục tiêu bao trùm, đặc biệt với chị em, là để đẹp. Do đó, chính phủ Anh đã nhờ đến sự hỗ trợ của Hiệp hội Nhà thiết kế Thời trang London để cung cấp cho đất nước những mẫu quần áo đẹp nhất và giám sát thiết kế quần áo “dầm mưa dãi nắng” cho cả nam giới và nữ giới. 

Nhờ có tầm nhìn này, quần áo “dầm mưa dãi nắng” thực sự trở thành cơn sốt với người dân Anh và nhiều mẫu quần áo vẫn được coi là thời thượng ngày nay. Những bộ vét tối màu truyền thống, váy bó và giày đế mềm đen thực sự sẽ không bao giờ lỗi mốt. Thậm chí, các nhà thiết kế còn cho ra đời một bộ quần áo khá thời trang được gọi là áo liền quần, để nếu một phụ nữ phải bật dậy khỏi giường và lao vào hầm trú bom thì trông cô ấy vẫn thật tuyệt cho dù đang chạy thục mạng.

Tranh tuyên truyền phụ nữ tự may và vá sửa quần áo.

Nghìn lẻ sáng kiến để đẹp


Tiếp theo quần áo là chuyện trang điểm. Không giống như mọi thứ khác thời Thế chiến 2, đồ trang điểm và mỹ phẩm không bị phân phối nhưng là mặt hàng xa xỉ bị đánh thuế nặng. Tất cả những thứ gì bị chính phủ coi là không cần thiết đều bị áp thuế rất cao.  Tất nhiên, nhiều chị em không coi mỹ phẩm và đồ trang điểm là “không cần thiết”. Các công ty mỹ phẩm lớn cũng vậy. Họ sẵn sàng chi tiền để đăng những quảng cáo hoành tráng trên báo và tạp chí để giới thiệu sản phẩm làm đẹp cho chị em.

Nhưng có một điều kỳ lạ: Nhiều hãng mỹ phẩm vẫn kiên trì quảng cáo cho dù những thứ họ quảng cáo không còn hoặc còn rất ít trong kho hàng. Vậy tại sao họ lại mất tiền quảng cáo? Đó là vì họ sợ rằng phụ nữ sẽ quen với việc không trang điểm và khi chiến tranh kết thúc, một số chị em sẽ không quay lại dùng mỹ phẩm nữa. 

Vì thế, các công ty làm mọi thứ có thể để thúc giục chị em tiếp tục tìm cách nào đó để trang điểm. Quảng cáo có những câu kiểu như: Nếu chị em không trang điểm thì họ đang để Hitler thắng cuộc. Đó không phải là cách nói ngoa dụ mà là thực tế. Hitler vốn rất ghét ai trang điểm và dùng mỹ phẩm. Hắn ta thậm chí còn đánh phụ nữ xức nước hoa hoặc dùng thuốc nhuộm tóc. Khi Hitler cầm quyền, hắn thành lập Ban Thời trang Đức để thúc đẩy thương hiệu thời trang riêng, trong đó nhấn mạnh vào ba điều: không trang điểm, tóc tự nhiên và đường cong - trái với kiểu thân hình trẻ con mà thời trang Paris tôn vinh. Mục đích thời trang cuối cùng của Hitler là phụ nữ Berlin phải ăn mặc đẹp nhất châu Âu.

Vậy một phụ nữ Anh ghét Hitler và yêu nước sẽ làm gì khi không có phiếu hay tiền để mua váy mới và không ai có mỹ phẩm đề dùng? Câu trả lời là họ tự chế. Phụ nữ làm quần áo mới từ mọi thứ: rèm cửa, vải bọc đồ đạc, vải dù cũ rồi lục tung tủ quần áo để tái sử dụng, sửa chữa hoặc thay đổi các bộ cánh để làm cho chúng thời trang hơn. Thiếu vải vóc cũng làm cho chị em trở nên táo bạo hơn trong ăn mặc. Gấu váy ngắn hơn đáng kể trong thời chiến là vì thế. Thế nhưng, váy ngắn quyến rũ lại gây ra một vấn đề là hở nhiều chân mà không có cách nào để che bớt vì chị em thiếu tất dài.

Để giải quyết vấn đề, chị em bắt đầu nhuộm chân bằng đủ thứ, kể cả bôi chất tạo màu nước sốt để làm cho da chân nâu hơn, trông như là đang đi bít tất dài. Họ thậm chí còn vẽ một đường may nối ở đằng sau chân để trông y như tất thật. Để khắc phục tình trạng thiếu son môi, chị em nhuộm môi bằng củ cải đường và thậm chí dùng cả xi đánh bóng giày làm mascara. Chị em còn mang theo hoa và thảo mộc trong túi để thay thế nước hoa.  Một số chị em làm việc trong nhà máy còn dùng bột bảo vệ mặt khỏi hơi nóng để làm phấn hồng. Một số còn cho tóc vào bột thuốc nổ TNT để nhuộm vàng.

Khi mới ra đời hồi giữa thế kỷ 19, TNT ban đầu được dùng làm chất nhuộm vàng chứ không phải để làm vật liệu nổ. Đó là lý do tại sao chị em làm trong nhà máy đạn dược lại có tóc màu vàng. Mà cho dù họ muốn hay không thì tóc họ và da họ cũng sẽ có màu vàng sáng vì tiếp xúc loại bột này khi làm việc. Tóm lại, khi “đẹp là nhiệm vụ” thì phụ nữ Anh có thể nghĩ ra đủ cách để khiến mình không thể xấu hơn phụ nữ Berlin, nhất quyết không thể để Hitler thắng trong cuộc chiến thời trang.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Chuyện cảm động về loài vật trung thành nhất với con người
Chuyện cảm động về loài vật trung thành nhất với con người

Từ hàng nghìn năm nay, loài chó đã cùng tham gia cuộc sống, gần gũi với con người. Cũng chính vì thế, đã có rất nhiều câu chuyện vô cùng cảm động về tình cảm của những chú chó dành cho người chủ của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN