Năm anh em trai cùng tử trận và câu chuyện truyền cảm hứng cho nước Mỹ

Năm anh em nhà Sullivan cùng nhau nhập ngũ với yêu cầu được tham gia chiến đấu cùng nhau trong lực lượng hải quân Mỹ. Tuy nhiên, sau đó cả 5 người đều tử trận khi tàu USS Juneau - nơi họ cùng chiến đấu bị phát nổ sau vụ tấn công của quân đội Nhật Bản vào ngày 13/11/1942.

Chú thích ảnh
Ảnh năm anh em nhà Sullivan - Joe, Frank, Al, Matt và George - tại buổi vận hành tàu USS Juneau

Vào một buổi sáng mùa đông giá lạnh năm 1943, ông Thomas Sullivan đang chuẩn bị đi làm tại Waterloo, bang Iowa, thì nghe thấy tiếng gõ cửa bên ngoài. Nhìn ra cửa sổ, ông thấy bóng dáng của các viên sĩ quan hải quân Mỹ trong bộ quân phục màu xanh lá cây lẫn vàng. Ông Thomas biết chắc rằng sự xuất hiện trên không nằm ngoài việc mang đến những tin báo không tốt lành. Ông suy đoán có lẽ một trong những người con trai của ông đã tử trận khi đang phục vụ trong quân ngũ. Tuy nhiên, sự thật còn tồi tệ gấp nhiều lần khi các sĩ quan hải quân thông báo, không phải chỉ một, mà là cả năm con trai của ông đều đã tử trận.

Năm anh em trai nhà Sullivan gồm Joe, Frank, Al, Matt và George quyết định gia nhập lực lượng hải quân Mỹ sau cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng, khiến một người bạn của họ thiệt mạng. Mặc dù chính sách của hải quân Mỹ không khuyến khích các anh chị em ruột cùng một gia đình phục vụ trong lực lượng này cùng với nhau. Tuy nhiên, cả 5 người con của ông Thomas Sullivan vẫn giữ thái độ kiên quyết muốn được tham gia chiến đấu trên cùng một con tàu. Cuối cùng, điều này đã được hải quân Mỹ chấp thuận.

Kết quả sau 9 tháng nhập ngũ, tàu USS Juneau chở tất cả anh em nhà Sullivan đã bị trúng ngư lôi của quân đội Nhật Bản và phát nổ trong trận chiến Guadalcanal. Ba người tử vong ngay tại chỗ và hai người còn lại qua đời ngay sau đó.

Câu chuyện của họ đã thu hút sự chú ý của cả nước Mỹ và là nguồn động lực, cảm hứng thúc đẩy nước Mỹ quyết tâm chiến đấu chống lại quân thù. Cho đến ngày nay, anh em nhà Sullivan vẫn được mọi người ca ngợi là những người hùng của xứ sở cờ hoa.

Gia đình Sullivan và sự kiện Trân Châu Cảng

Năm anh em nhà Sullivan sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em ruột tại vùng Waterloo, bang Idaho gồm: George Thomas Sullivan sinh ngày 14/12/1914; Francis Henry “Frank” Sullivan sinh ngày 18/2/1916; Joseph Eugene “Joe” Sullivan sinh ngày 28/8/1918; Madison Abel “Matt” Sullivan sinh ngày 8/ 11/1919 và Albert Leo “Al” Sullivan sinh ngày 8/7/1922. Gia đình ông Thomas Sullivan còn có 2 người con gái là Genevieve và một người đã mất khi còn nhỏ.

Cuộc sống khá bình lặng của anh em nhà Sullivan đột ngột thay đổi vào ngày 7/12/1941 khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng trong Chiến tranh thế giới thứ II. Nhiều người Mỹ cảm nhận một nỗi kinh hoàng mới xuất hiện. Với gia đình Sullivan, một người bạn của họ là William Ball đã thiệt mạng trên tàu USS Arizona vào thời điểm Nhật Bản tấn công vào Trân Châu Cảng.

Chú thích ảnh
Tàu chiến USS Arizona bị phá hủy trong trận chiến tại Trân Châu Cảng. Nguồn: Cơ quan Lịch sử và di sản hải quân Mỹ

Cả năm anh em trai gia nhập hải quân

Sau sự kiện Trân Châu Cảng và sự ra đi của người bạn William Ball đã khiến tất cả 5 người con trai của ông Thomas Sullivan quyết định đăng ký gia nhập lực lượng hải quân Mỹ. Với hai người anh lớn tuổi nhất là George và Frank Sullivan, đây không phải là lần nhập ngũ đầu tiên. Trước đó, hai người đã từng phục vụ trên tàu USS Hovey và xuất ngũ trong năm 1941 – ngay trước thời điểm nổ ra trận chiến Trân Châu Cảng vào cuối năm.

Vào ngày 3/1/1942, cả 5 anh em nhà Sullivan đến Des Moines đăng ký nhập ngũ với quyết tâm chiến đấu cho tổ quốc và xin được sát cánh chiến đấu cùng nhau. Mặc dù hải quân Mỹ có ý ngần ngại khi cho phép cả 5 anh em ruột cùng phục vụ trên cùng một con tàu - điều trái ngược với chính sách của lực lượng này. Tuy nhiên, tất cả các anh em nhà Sullivan đã thể hiện thái độ kiên quyết với yêu cầu trên của mình. Anh cả George thậm chí đã viết một lá thư gửi tới Bộ trưởng Hải quân Mỹ trình bày việc rằng anh ta và một em nữa đã từng tham gia và đứng trong hàng ngũ của lực lượng hải quân. Do vậy, anh quyết định tái nhập ngũ và muốn được cũng những người em của mình gắn kết với nhau và cùng nhau tạo nên "một đội không thể bị đánh bại".

Sau đó, những nỗ lực của cả năm anh em nhà Sullivan cũng đã được chấp thuận khi hải quân Mỹ đồng ý cho họ cùng phục vụ trên cùng một tàu chiến. Những người con của ông Thomas Sullivan cùng được tổ chức huấn luyện tại Trường đào tạo hải quân ở Great Lakes, bang Illinois. Đến tháng 2/1942, họ cùng được chuyển đến đến làm việc trên tàu chiến USS Juneau.

Cùng chiến đấu, cùng hy sinh 

Tàu USS Juneau ban đầu hoạt động ở khu vực Đại Tây Dương. Đến tháng 8/1942, tàu được điều đến Thái Bình Dương. Vài tháng sau đó, vào ngày 12/11/1942, tàu USS Juneau đã được ra lệnh tham gia trận chiến Guadalcanal ở quần đảo Solomon.

Chú thích ảnh
Tàu chiến USS Juneau vào năm 1942. Ảnh: Cơ quan Lịch sử và Di sản hải quân Mỹ

Khoảng nửa đêm ngày 12/11, sau khi trúng ngư lôi của quân đội Nhật Bản, tàu USS Juneau đã bị hư hỏng khá nặng. Đến sáng hôm sau, việc trúng thêm một quả ngư lôi nữa đã khiến kho đạn trên tàu nổ tung. Vụ nổ khủng khiếp đã thổi bay con tàu và chỉ trong vòng 42 giây, tàu chiến USS Juneau đã chìm và biến mất dưới làn nước biển của Thái Bình Dương.

Vụ tấn công của quân đội Nhật Bản đã gây ra một thảm kịch khi 687 người thương vong và chỉ có 10 người trên tàu còn sống sót. Ba anh em Francis, Joseph và Madison tử vong ngay tại chỗ. Sáng hôm sau, người tiếp theo là Albert cũng phát hiện đã bị chết đuối. Người anh cả George, sau khi bị thương nặng đã cố gắng leo lên bè cứu sinh để thoát nạn, nhưng cũng đã tử vong sau vài ngày lênh đênh trên biển.

Thông tin về cái chết của 5 anh em nhà Sullivan mãi về sau mới truyền đến những người thân của họ tại quê nhà. Vào tháng 1/1943, bà Alleta đã viết một lá thư gửi hải quân Mỹ để cố gắng tìm hiểu thông tin về những người con trai của mình. Trong bức thư, bà cho biết muốn được xác nhận thêm thông tin về tin đồn 5 người con trai của minh đã tử trận trong trận chiến vào tháng 11/1942. Bà viết: “Một bà mẹ ở đây đã đến và nói với tôi rằng bà nhận được một lá thư từ con trai bà. Anh ấy nghe nói các con trai của tôi đã tử trận vào năm ngoái… Nếu đúng như vậy, xin hãy cho tôi biết sự thật… Tôi ghét phải làm phiền ông, nhưng điều đó khiến tôi lo lắng, muốn biết liệu điều đó có đúng không. Vì vậy, xin hãy cho tôi biết. Thật không dễ để 5 con trai của tôi vào hải quân cùng một lúc. Tôi tự hào về các con trai của mình vì chúng có thể phục vụ và giúp bảo vệ đất nước.”

Chú thích ảnh
Bức thư bà Alleta gửi vào tháng 1/1943 để tìm kiếm thông tin về 5 người con trai của mình. Ảnh: Cơ quan quản lý và lưu trữ hồ sơ Mỹ

Theo tờ Des Moines Register, ngày 12/1/1943, gia đình Sullivan chính thức nhận được thông báo rằng anh em nhà Sullivan đã bị mất tích khi đang làm nhiệm vụ. Ngày hôm sau, ngày 13/1, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã gửi bức thư cá nhân tới gia đình Sullivan để động viên, khích lệ. Ông cho biết đã nắm được thông tin 5 người con của họ bị mất tích khi chiến đấu và mọi người đều lấy làm tự hào khi họ đã chiến đấu bên nhau. Ông dẫn lại việc con trai bà đã gửi thư, trong đó có nói “sẽ cùng nhau tạo nên một đội không thể bị đánh bại". Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt cho biết chính tinh thần đấy sẽ làm nên chiến thắng cuối cùng của đất nước.

Sự tác động tới cuộc chiến và luật định tại Mỹ

Sau khi biết tin, cả nước Mỹ đều thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với câu chuyện của anh em nhà Sullivan. Theo trang của Cơ quan di tích và lịch sử hải quân Mỹ, cái chết của họ đã tạo nên một số quy tụ, đồng lòng nỗ lực chiến đấu của đất nước.

Sau đó để tưởng niệm và vinh danh anh em nhà Sullivan, hải quân Mỹ đã đặt tên 2 con tàu là “The Sullivans”. Câu chuyện của họ thậm chí còn được chuyển thể trong bộ phim “The Fighting Sullivans” vào năm 1944, trong đó miêu tả 5 anh em như những người anh hùng được toàn thể nước Mỹ thán phục về nghị lực chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Những người còn lại trong gia đình Sullivan gồm ông Thomas, bà Alleta và người con gái Genevieve cũng đã tiếp tục truyền cảm hứng cho sự nghiệp chiến đấu. Cô con gái Genevieve đã tham gia tổ chức WAVES phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ. Cô và cha mẹ đã đi khắp đất nước đến các nhà máy sản xuất và xưởng đóng tàu để khuyến khích, truyền cảm hứng tới công nhân sản xuất vũ khí. Đến tháng 1/1944, họ đã nói chuyện trực tiếp với hơn 1 triệu công nhân ở 65 thành phố và còn rất nhiều nhiều người hơn nữa thông qua sóng radio.

Trong Chiến tranh thế giới thứ II, gia đình Sullivan không phải là gia đình duy nhất mất nhiều hơn 1 người con trai. Năm 1944, Trung sĩ Fritz Niland của Sư đoàn Không vận 101 đã được quân đội Mỹ yêu cầu trở về quê nhà sau khi 3 người anh em ruột của anh ta bị tử trận. Câu chuyện này cũng được truyền cảm hứng cho bộ phim “Saving Private Ryan”.

Cái chết của 5 anh em nhà Sullivan cũng góp phần tác động đến việc ban hành các đạo luật liên quan của Mỹ về sau. Nước Mỹ đã ban hành luật “Người sống sót duy nhất” (Sole Survivor Policy), quy định về việc không để các thành viên trong một gia đình cùng phục vụ trong một nhóm quá gần nhau và thành viên còn sống trong một gia đình đã có thành viên khác tử trận phải được bảo vệ an toàn. Một số đạo luật khác cũng được nước Mỹ ban hành nhằm miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho các gia đình đã mất một hoặc nhiều con trong chiến đấu.

Thanh Thanh/Báo Tin tức (Theo Allthatsinteresting)
Trước trận Trân Châu Cảng, Nhật Bản từng đánh chìm tàu chiến Mỹ ở Trung Quốc - Kỳ cuối
Trước trận Trân Châu Cảng, Nhật Bản từng đánh chìm tàu chiến Mỹ ở Trung Quốc - Kỳ cuối

Khi tin về vụ chìm tàu Panay đến Nhà Trắng, xuất hiện những tiếng nói có ảnh hưởng kêu gọi trả thù.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN