Mỹ từng âm mưu tấn công hạt nhân diện rộng - Kỳ 1

Mỹ vừa lần đầu công bố một văn kiện tuyệt mật, theo đó vào thời điểm căng thẳng nhất trong Chiến tranh Lạnh, không quân Mỹ đã bí mật lên kế hoạch tấn công hạt nhân vào những thành phố chứa nhiều mục tiêu, trong đó có Bắc Kinh, Đông Berlin, Moskva. Ngoài việc nhằm vào những cơ sở quân sự trong các thành phố đó, bản kế hoạch này cũng trực tiếp đưa mục tiêu “thường dân” vào đối tượng tấn công.

 RA ĐÒN BẤT CHẤP DÂN THƯỜNG

Văn kiện tuyệt mật nêu trên có tiêu đề “Yêu cầu nghiên cứu vũ khí nguyên tử năm 1959”, dài 800 trang, được Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ (SAC) hoàn thành vào tháng 6 năm 1956, đến tận ngày 22/12/2015 mới được Viện Quản lý hồ sơ quốc gia của Mỹ lần đầu công khai.

Nội dung của tài liệu này là kế hoạch trong vòng 3 năm, kể từ năm 1956 nếu Liên Xô và Mỹ xảy ra chiến tranh, quân đội Mỹ buộc phải phá hủy các mục tiêu đã xác định, trong đó có các trụ sở Chính phủ, các cơ sở công nghiệp, trang thiết bị không quân, thậm chí cả mục tiêu tập trung đông thường dân tại Trung Quốc, Đông Đức, Liên Xô và các nước chịu ảnh hưởng của nước này. Các khu vực bị lên kế hoạch phá hủy được gọi là điểm ném bom trọng tâm (DGZ).

Văn kiện tuyệt mật có tiêu đề “Yêu cầu nghiên cứu vũ khí nguyên tử năm 1959” được công khai ngày 22/12/2015.


SAC xác định tầm quan trọng chiến lược của mỗi mục tiêu để đặt thứ tự ưu tiên, trong đó Moskva và St. Petersburg (trước đây gọi là Leningrad) được coi là mục tiêu số 1 và số 2; lần lượt có 179 và 145 DGZ.

Trung Quốc là nước đồng minh quan trọng của Liên Xô, và Bắc Kinh được coi là thành phố mục tiêu quan trọng thứ 13 trong bản kế hoạch của Mỹ, vốn bao gồm tổng cộng 23 DGZ, trong đó có hai trung tâm chỉ huy không quân, hai kho bãi phục vụ không quân và một mục tiêu tập trung đông dân cư. Theo văn kiện tuyệt mật nêu trên, bất kể Trung Quốc có tham chiến hay không, SAC đều coi Bắc Kinh nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô. Nếu thực sự xảy ra chiến tranh giữa Liên Xô và Mỹ, trong thời kỳ đầu của chiến tranh, quân đội Mỹ lên kế hoạch dùng vũ khí hạt nhân để tấn công những mục tiêu nêu trên.

4.000 quả bom ném xuống Hiroshima

SAC cũng đưa ra kiến nghị hành động về việc hủy diệt mục tiêu chiến lược, trình bày chi tiết về chủng loại và số lượng vũ khí hạt nhân cần sử dụng cho mỗi mục tiêu. Họ đề nghị ném bom hạt nhân có sức công phá tương đương 1,7 -9 triệu tấn thuốc nổ xuống các mục tiêu không quân tại các thành phố Moskva và St. Petersburg để hủy diệt mục tiêu.

Khủng hoảng tên lửa tại Cuba năm 1962.

SAC còn cho rằng nếu xảy ra chiến tranh, để đạt được hiệu quả uy hiếp thì phía Mỹ còn cần dự trữ khoảng 60 triệu tấn thuốc nổ. Nếu Liên Xô tấn công Mỹ thì số thuốc nổ này sẽ đóng vai trò quan trọng. Uy lực của 1 triệu tấn thuốc nổ tương đương 70 lần sức công phá của quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima; sức mạnh của 60 triệu tấn thuốc nổ sẽ tương đương 4.000 quả bom nguyên tử được ném xuống thành phố này.

Rất may Bắc Kinh đã thoát khỏi sự tàn phá bởi vũ khí hạt nhân của Mỹ. Tuy nhiên, tính đến năm 1959, Mỹ đã tích trữ được số lượng bom hạt nhân có sức công phá tương đương 200.000 tấn thuốc nổ, vượt xa số lượng bom hạt nhân cần dùng để “uy hiếp” nếu xảy ra chiến tranh như trong văn kiện tuyệt mật nêu trên. Nhà sử học về vũ khí hạt nhân của Mỹ Immanuel Wallerstein cho biết, thời điểm này Tổng thống Mỹ Eisenhower cảm thấy số vũ khí hạt nhân Mỹ hiện sở hữu đủ sức khiến nhân loại diệt vong, vì vậy ông ra sức tìm cách cắt giảm, khoảng 1 - 2 năm sau, số vũ khí nêu trên đã giảm một nửa.

Có thể “ném bom khắp nơi”

Thời điểm đó chưa xuất hiện tên lửa liên lục địa và tên lửa đạn đạo, vì vậy muốn phát động chiến tranh hạt nhân từ nước Mỹ, chỉ có thể sử dụng máy bay ném bom hạt nhân. Khi đó quân đội Mỹ gắng sức xây dựng các căn cứ dành cho máy bay ném bom bao quanh Liên Xô, nếu xảy ra chiến tranh, có thể áp dụng chiến lược “ném bom khắp nơi”, bất kỳ lúc nào cũng có thể phái máy bay ném bom hạt nhân đến các thành phố lớn của Liên Xô.

Tên lửa hạt nhân liên lục địa chưa được kích hoạt LGM-25C được trưng bày tại Bảo tàng Tên lửa đạn đạo Titan, Mỹ.

Ngoài ra, do quân đội Mỹ thực hiện chiến lược tìm cách tiêu diệt máy bay chiến đấu của Liên Xô trước khi kịp cất cánh, văn kiện nêu trên cũng cung cấp danh sách 1.100 mục tiêu căn cứ không quân của Liên Xô và các nước chịu ảnh hưởng của nước này. Các mục tiêu này được liệt kê theo thứ tự ưu tiên, trong đó quan trọng nhất là hai căn cứ không quân tại Belarus. Hai căn cứ này chứa máy bay ném bom tầm trung TU-16 của Liên Xô được coi là mối đe dọa đối với NATO vào thời điểm đó. Tuy nhiên, rất nhiều căn cứ không quân hoặc trung tâm chỉ huy của không quân được bố trí ở gần nơi tập trung đông dân cư. Nếu ném bom hạt nhân xuống những nơi này, sẽ gây ra thảm họa hạt nhân đối với các quốc gia xung quanh, thậm chí đối với cả những nước đồng minh của Mỹ.

Vĩnh Hà
Mỹ từng âm mưu tấn công hạt nhân diện rộng - Kỳ 2
Mỹ từng âm mưu tấn công hạt nhân diện rộng - Kỳ 2

Năm 1962 xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thông qua máy bay trinh sát U-2 và các báo cáo của mạng lưới tình báo phát hiện Liên Xô bố trí tên lửa tại Cuba.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN