Do tác động của việc trái đất nóng lên, tình trạng băng tan ngày càng trở nên trầm trọng. Một số chuyên gia cho rằng, tới năm 2100, toàn thế giới sẽ bị nhấn chìm trong nước. Nhằm giúp nhân loại chung sống hòa bình với cơn đại hồng thủy sắp xảy ra, Vincent Callebaut, một kiến trúc sư nổi tiếng người Bỉ, người từng hai lần liên tiếp đạt Giải thưởng lớn kiến trúc René Serrure (1999, 2000), đã bỏ không ít công sức thiết kế mô hình thành phố nổi, mang tên Lilypad.
Bề ngoài, Lilypad trông giống như một đóa hoa bách hợp đang xòe cánh trên mặt biển, nhưng điều đáng chú ý là đóa hoa đó có thể cung cấp chỗ ăn ở, vui chơi giải trí cho khoảng 50.000 người.
Mô hình cận cảnh của một Lilypad. |
Theo tính toán của các nhà khoa học, do ảnh hưởng của các nhân tố tạo nên biến đổi khí hậu, trong thế kỷ 21, mực nước biển sẽ dâng cao từ 20-90 cm. Số liệu này khiến người ta không khỏi lo lắng. Nhiều chuyên gia còn bi quan cho rằng: trong bối cảnh môi trường khí hậu toàn cầu ngày càng xấu đi như hiện nay, rất có thể chỉ 100 năm, thậm chí là vài chục năm nữa, trái đất sẽ biến thành một đại dương mênh mông, khiến hàng tỷ người rơi vào cảnh mất nhà cửa. Khi đó, Lilypad sẽ trở thành “con thuyền Nôê” cứu cánh cho tương lai nhân loại.
Kiến trúc sư Vincent Callebaut, tác giả mô hình thành phố trên mặt biển Lilypad. |
Lilypad thực chất là một “hòn đảo máy”, có thể di chuyển đây đó như trong tiểu thuyết khoa học giả tưởng cùng tên của Jules Verne, gồm hai phần: nổi trên mặt và chìm dưới nước. Ở phần nổi, mỗi Lilypad có 3 cầu cảng và 3 tòa cao ốc thiết kế giống như một dãy núi nhân tạo, đủ chỗ cho khoảng 50.000 người cư trú. Giữa Lilypad là một chiếc hồ lớn, được bao quanh bởi 3 tòa cao ốc, dùng để hứng, lọc nước mưa, sản xuất nước sinh hoạt và tạo cảnh quan cũng như đem tới cho các cư dân sống trong 3 tòa cao ốc cảm giác gần gũi thiên nhiên. Sống trên Lilypad, các cư dân của Lilypad hoàn toàn có thể thỏa mãn mọi nhu cầu học tập, công tác và nghỉ ngơi cơ bản bởi nơi đây có đủ cả văn phòng, siêu thị, bệnh viện lẫn sòng bạc, sàn nhảy, sân gôn, nhà hát, công viên…
Những thành phố nổi Lilypad bồng bềnh trên mặt nước. |
Phần chìm dưới mặt nước của Lilypad, nơi chủ yếu dùng để đặt các nhà hàng, được chế tạo bởi vật liệu trong suốt, giúp khách hàng vừa ăn vừa có thể mãn nhãn trước những phong cảnh kỳ thú nơi đáy biển. Cũng ở phần chìm dưới mặt nước của Lilypad, người ta còn nuôi nhiều loại sinh vật phù du trên biển và trồng một số giống cây cỏ có khả năng hấp thụ, phân giải thán khí cũng như rác rưởi con người thải ra trong quá trình sống, chuyển đổi thành dưỡng khí và nguồn năng lượng hữu dụng. Nhằm giải quyết vấn đề điện năng cung cấp cho mọi hoạt động trên Lilypad, toàn bộ bề mặt bên ngoài của Lilypad được thiết kế bằng vật liệu đặc biệt, có khả năng hấp thụ ánh nắng mặt trời để quang hợp rồi sinh ra năng lượng. Ngoài ra, trên Lilypad còn lắp đặt một số nhà máy điện chạy bằng sức gió và thủy triều.
Theo kiến trúc sư Callebaut, Lilypad sẽ không có bất cứ con đường nào dành cho ôtô. Cả thành phố được phủ trong cây xanh trồng trong những khu vườn treo. Mục đích là tạo nên một sự chung sống hòa thuận giữa con người và thiên nhiên. Hiện nay một số nước đã chi hàng tỷ USD cho việc xây những đê quai ngày càng lớn hơn nhằm đối phó với tình trạng mực nước biển dâng cao. Nhưng đó mới chỉ là giải pháp tình thế. Với Lilypad, nhân loại sẽ có nơi trú ngụ thay vì phải sống trong cảnh ngập ngụa, vô gia cư do biến đổi khí hậu, một trong những vấn đề thách thức lớn nhất của thế kỷ 21. Tuy nhiên, có không ít người hoài nghi về tính ổn định của Lilypad và liệu nó có thể chịu được sóng thần hay sự tấn công của những cơn cuồng phong siêu cấp hay không? Callebaut đang nỗ lực hợp tác với một số văn phòng kiến trúc để hoàn thiện chiến lược phát triển lâu dài của Lilypad, trong đó có việc xóa bỏ sự hoài nghi trên, tính toán giá thành của một Lilypad cũng như giá cả sinh hoạt trên Lilypad...
Minh Thành (Tổng hợp)