Lịch sử chết chóc của những màn biểu diễn ảo thuật nuốt kiếm thời cổ đại

Nuốt kiếm – quá trình người biểu diễn đưa những lưỡi kim loại sắc bén vào cơ thể – có thể khiến khán giả rùng mình vì sợ hãi, nhưng cũng không khỏi trầm trồ thán phục. Dù nghe như điều bất khả, nhưng đây là kỹ thuật hoàn toàn có thật và đã tồn tại hàng nghìn năm.

Chú thích ảnh
Người Ấn Độ đang thực hiện màn biểu diễn nuốt thanh kiếm. Ảnh: British Library Archive

Dưới ánh đèn sân khấu, người biểu diễn nâng cao một thanh kiếm dài, lưỡi thép sắc lạnh ánh lên trong đôi mắt của những khán giả đang nín thở dõi theo. Từng chút một, thanh kiếm được đưa sâu xuống cổ họng, đi vào thực quản mà không hề chảy máu, không một tiếng kêu. Trên khán đài, không có tiếng hò hét, chỉ có sự yên lặng đến rợn người và một thứ ma lực không tên khiến khán giả vừa khiếp sợ vừa không thể rời mắt.

Đó là những gì khán giả có thể chứng kiến trong những màn biểu diễn xiếc nuốt kiếm – một nghệ thuật liều lĩnh, nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau bằng độ mỏng của lưỡi kim loại.

Từ nghi lễ thần linh trở thành nghệ thuật xiếc đại chúng

Không biết chính xác ai là người đầu tiên đưa thanh kim loại sắc bén vào cơ thể mà không bị đâm xuyên nội tạng. Không ai rõ có bao nhiêu người đã thất bại thảm khốc trước khi nghệ thuật này định hình được tên gọi của nó - nuốt kiếm. Song một số tài liệu cho rằng nguồn gốc của nghệ thuật này bắt đầu từ hơn 4.000 năm trước, ở những miền đất huyền bí của Ấn Độ cổ đại, các fakir và pháp sư shaman đã thực hiện tiết mục này trong nghi lễ tôn giáo, như một cách để chứng minh sự bất khả xâm phạm, lòng can đảm và mối giao hòa giữa con người và thần linh.

Trải qua bao thế kỷ, nuốt kiếm đã lan rộng khắp các châu lục - từ các đấu trường La Mã, sân khấu Athens, đến đường phố châu Âu thời Trung cổ và các nhà hát sangaku của Nhật Bản. Màn biểu diễn này đã xuất hiện ở các sân khấu đường phố, rạp xiếc cho đến ngày nay, bất chấp những mối nguy hiểm có thể gây ra.

Lịch sử rùng rợn của nghệ thuật nuốt kiếm

Tài liệu ghi chép sớm nhất về nghệ thuật nuốt kiếm được tìm thấy vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, khi nhà văn Apuleius kể về một nghệ sĩ biểu diễn ở Athens đã nuốt cả một thanh kiếm sắc lẹm và một ngọn giáo nhọn hoắt vào cổ họng.

Đến thế kỷ thứ 8, nuốt kiếm trở thành tiết mục nổi bật trong sân khấu sangaku – loại hình nghệ thuật đường phố của Nhật Bản, cùng với các tiết mục uốn dẻo, tung hứng và đi dây. Ở châu Âu thời Trung cổ, các nghệ sĩ xiếc rong cũng nhanh chóng đưa nuốt kiếm vào tiết mục biểu diễn sống động, mang lại cảm giác rùng rợn và kinh ngạc cho khán giả khắp nơi.

Năm 1813, tại London, nghệ sĩ Ramo Samee từ Ấn Độ đã khiến khán giả thủ đô không thốt nên lời. Tờ The Times khi đó viết rằng: “Màn nuốt kiếm và sự mới lạ của tiết mục đã thu hút sự quan tâm vượt xa bất kỳ chương trình nào từng xuất hiện suốt nhiều năm qua”.

Một nghệ sĩ Ấn Độ khác, Sena Sama, người đầu tiên mang nghệ thuật nuốt kiếm đến Mỹ vào năm 1817, trong các chuyến lưu diễn ở New York và dọc theo Bờ Đông. Sau đó, nghệ thuật này lan truyền chậm rãi nhưng đều đặn trong nhiều thập kỷ khi các bảo tàng dị nhân và nhiều rạp xiếc mọc lên khắp đất nước.

Những huyền thoại liều lĩnh thách thức Thần Chết

Chú thích ảnh
Người Ấn Độ đang thực hiện màn biểu diễn nuốt thanh kiếm. Ảnh: British Library Archive

Một trong những nghệ sĩ nuốt kiểm nổi tiếng và táo bạo nhất thế kỷ 19 là Fred McLone, có nghệ danh Chevalier Cliquot. Không chỉ khiến khán giả sửng sốt khi có thể nuốt cùng lúc tới 14 thanh kiếm, ông còn biểu diễn một tiết mục đặc biệt đến mức rùng mình: nuốt một thanh kiếm lưỡi lê có gắn hai quả tạ nặng hơn 8kg.

Chưa dừng lại ở đó, để khiến tiết mục trở nên kịch tính hơn, ông còn để một khẩu súng trường bắn ra, khiến lưỡi kiếm bị giật mạnh lao sâu vào cổ họng – một khoảnh khắc khiến cả khán phòng nín thở trong kinh hoàng. Màn trình diễn này được mô tả đầy chi tiết trong ấn bản năm 1896 của tạp chí The Strand, như một minh chứng sống động cho sự liều lĩnh cực độ – một trò chơi mạo hiểm mà người nghệ sĩ như đang thách thức Thần Chết ngay trên sân khấu.

Người học trò trung thành của Cliquot, Delno Fritz, còn dấn thân xa hơn. Anh không chỉ nuốt kiếm mà còn nuốt cả đồng hồ quả quýt gắn dây xích. Tuy nhiên, trong một lần biểu diễn, sợi xích bị đứt và khiến chiếc đồng hồ mắc kẹt trong cổ họng anh. May thay, một bác sĩ trong đám đông đã lao tới, nhanh trí dùng kẹp y tế lấy chiếc đồng hồ ra kịp thời, cứu Fritz thoát chết.

Chú thích ảnh
Delno Fritz đưa nhiều thanh kiếm vào trong miệng. Ảnh: ATI

Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Vợ của Fritz, nữ nghệ sĩ Maud D’Auldin, đã thiệt mạng khi vô tình nuốt phải thanh kiếm mẻ. Trong một buổi biểu diễn trước Vua George V và Nữ hoàng Mary, một khán giả tò mò đã kiểm tra đạo cụ, khiến thanh kiếm bị sứt nhẹ – và lỗi nhỏ ấy đã gây ra bi kịch lớn. Khi D’Auldin rút kiếm ra, lưỡi kim loại bị móc vào thực quản, khiến cô tử vong ngay sau đó.

Bất chấp thảm kịch, Fritz tiếp tục truyền nghề cho cháu gái mình, Edna Price, người được mệnh danh là “Nữ hoàng nuốt kiếm” và từng biểu diễn cùng các rạp xiếc lớn như Ripley’s Believe It Or Not! Odditoriums. Price thậm chí còn là người đầu tiên nuốt một ống neon sáng rực vào trong cổ họng, tạo nên cảnh tượng kỳ ảo đến rợn người.

Nghệ thuật vượt mọi giới hạn

Chú thích ảnh
Delno Fritz đưa nhiều thanh kiếm vào trong miệng. Ảnh: ATI

Thời gian trôi qua, tinh thần liều lĩnh và nghệ thuật rùng rợn của nuốt kiếm vẫn tiếp tục được kế thừa. Những người nuốt kiếm khác tiếp tục gây sốc cho khán giả bằng những chiến công táo bạo, thường vượt ra ngoài phạm vi kiếm để chứng minh rằng trò biểu diễn của họ là có thật.

Từ đó, nhiều cái tên kỳ lạ bước lên sân khấu - như John “Lucky” Ball nuốt kiếm hình xoắn ốc, Mimi Garneau nuốt cưa tay, Captain Don Leslie nuốt tuốc nơ vít và que thăm dầu xe.

Trong thế kỷ 20 và 21, nuốt kiếm vẫn tiếp tục là một hình thức biểu diễn phổ biến. Dan Meyer – người đứng đầu Hiệp hội Nuốt kiếm Quốc tế – đã nuốt kiếm nung nóng đến hơn 800 độ C, kéo cả ô tô bằng thanh kiếm đặt trong cổ họng, và biểu diễn nuốt thanh kiếm thanh kiếm dài 76 cm trong bể cá có 88 con cá mập đang bơi lượn xung quanh. Tất cả những màn biểu diễn này đã không ngừng thử thách giới hạn cơ thể con người.

Chính ông Meyer cũng từng chia sẻ: “Nghệ thuật này chỉ sống nếu người biểu diễn còn thở”

Mối hiểm họa luôn cận kề

Chú thích ảnh
Gigi DeLuxe, nữ nghệ sĩ nuốt kiếm đầy táo bạo, từng khiến khán giả thót tim khi nuốt trọn lưỡi kim loại dài tới 50 cm. Ảnh: Echo Roo McNeill/ATI

Nuốt kiếm là một nghệ thuật đòi hỏi sự cống hiến tuyệt đối, cả thể chất lẫn tinh thần. Người nghệ sĩ phải làm chủ mọi phản xạ tự nhiên của cơ thể: kiểm soát cơn buồn nôn, điều khiển thanh kiếm qua thực quản, vượt qua cổ họng, xương ức, tránh làm tổn thương gan, tim và các cơ quan nội tạng, rồi đưa lưỡi kiếm xuống đến tận đáy dạ dày – và quan trọng nhất là rút nó ra an toàn. Chỉ một sai sót rất nhỏ cũng có thể khiến nghệ sĩ bỏ mạng ngay trên sân khấu.

Trong 150 năm qua, tuy chỉ ghi nhận 29 ca tử vong liên quan đến nghệ thuật này, nhưng con số đó cũng là lời cảnh báo rằng: đây không phải là trò đùa, càng không phải điều bạn có thể liều lĩnh thử nghiệm tại nhà.

 
Hải Vân/Báo Tin tức (ATI)
Cuộc sống phi thường của gia đình đông con nhất nước Anh – Kỳ cuối
Cuộc sống phi thường của gia đình đông con nhất nước Anh – Kỳ cuối

Vậy làm thế nào ông bà Noel và Sue có thể nuôi một đại gia đình như vậy? Ngoài trợ cấp của chính phủ, họ có nhiều nguồn thu nhập để lo cho cuộc sống của 22 đứa con.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN