Công dân đủ 19 tuổi đều có nghĩa vụ gia nhập quân đội Liên Xô. Những người 18 tuổi đủ điều kiện tình nguyện nhập ngũ. Hàng ngàn người đã xuất hiện tại các điểm tập kết trong những ngày đầu của cuộc chiến. Nhiều người lo sợ rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc và họ không có cơ hội để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, thực tế không được lạc quan như vậy. Những tổn thất nặng nề trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến đã buộc chính phủ phải tuyên bố huy động tất cả mọi người từ 17 đến 50 tuổi nhập ngũ. Ngoài ra, lệnh cấm huy động con cái của những phần tử được cho là “không đáng tin cậy” như sĩ quan, linh mục và quý tộc thời Nga hoàng cùng với người Cossack cũng được xóa bỏ.
Mặc dù ban bố lệnh tổng động viên, quân đội Liên Xô đã không huy động người dân ở vùng Siberia và Viễn Đông. Lực lượng này được bảo toàn để đề phòng cho trường hợp nổ ra chiến tranh với Nhật Bản.
Trong 8 ngày đầu tiên của của Chiến tranh Vệ quốc, quân đội Liên Xô đã huy động được 5,3 triệu người, tăng gấp đôi quy mô lực lượng.
Khi một người được gọi đi nghĩa vụ quân sự, người đó phải ngay lập tức từ bỏ công việc, phải cạo đầu, đem theo giấy tờ tùy thân đến một văn phòng tuyển quân.
Một số đối tượng được miễn điều động trong Chiến tranh Vệ quốc gồm: những người làm công việc khai thác gỗ, giao thông đường thủy, trong các nhà máy quốc phòng...
Các nghệ sĩ, diễn viên và vận động viên cũng được miễn trừ. Công dân Liên Xô có gốc gác Đức, Romania, Phần Lan, Hy Lạp, Hungary, Trung Quốc và Nhật Bản không được điều động đi nghĩa vụ quân sự. Thay vào đó, họ được đưa đến các tiểu đoàn xây dựng.
Sau chiến tranh, quân đội Liên Xô nhận thấy 11 triệu binh sĩ là quá nhiều so với thời bình. Do vậy, trong giai đoạn 1946-1948, Liên Xô không tổ chức tòng quân. Thay vào đó, những người trẻ tuổi được huy động để khôi phục tiềm năng công nghiệp và nông nghiệp của đất nước. Đến năm 1948, số lượng quân nhân đã giảm xuống còn 2,8 triệu người.