Kỳ 1: Các kế hoạch tái định cư người Palestine
Ý tưởng đưa người Palestine ra khỏi Gaza lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1960. Sau khi thành lập Nhà nước Israel vào năm 1948 và sau đợt di dời hàng loạt của người Palestine do Chiến tranh Arab - Israel năm 1948-1949 cũng như Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, nhiều tổ chức Israel đã đề xuất các giải pháp cho vấn đề này.
Kế hoạch đầu tiên
Năm 1968, Bộ Ngoại giao Israel trình bày một dự án khuyến khích người Palestine sống ở Gaza di chuyển đến Bờ Tây, sau đó đến Jordan và các nước Arab khác.
Cùng năm đó, một ủy ban của Quốc hội Mỹ đã thảo luận về kế hoạch di dời tự nguyện 200.000 người Palestine từ Gaza đến các quốc gia khác như Tây Đức, Argentina, Paraguay, New Zealand, Brazil, Australia, Canada và Mỹ.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại vì nhiều quốc gia từ chối tiếp nhận người Palestine.
Dự án Eiland
Năm 2000, Thiếu tướng Giora Eiland, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, đã trình bày một dự án có tên là “Các giải pháp khu vực thay thế cho giải pháp hai nhà nước”.
Tài liệu này do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat xuất bản, giả định rằng Ai Cập sẽ nhượng lại một khu vực hình chữ nhật rộng 720 km2 trên lãnh thổ Bán đảo Sinai để hình thành một nhà nước Palestine tương lai. Khu này bao gồm các khu vực ven biển và thành phố el-Arish.
Đổi lại, người Palestine sẽ trao Gaza và một phần Bờ Tây cho Israel, trong khi Ai Cập sẽ nhận được lãnh thổ tương đương ở phía Tây Nam sa mạc Negev (vùng Wadi Feiran), một số đặc quyền kinh tế, hỗ trợ quốc tế và nhượng bộ về an ninh.
Tuy nhiên, kế hoạch này được đề xuất vào một thời điểm không thích hợp, tức là ngay sau khi các cuộc đàm phán tại Trại David giữa Tổng thống Chính quyền Dân tộc Palestine Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Ehud Barak thất bại và tại thời điểm diễn ra cuộc nổi dậy Al-Aqsa Intifada vào tháng 9/2000.
Kết quả là việc giải quyết xung đột Palestine - Israel đã bị đình trệ trong vài năm và dự án do ông Giora Eiland đề xuất đã thất bại.
Dự án Trump
Những sáng kiến tương tự đã được đưa ra trong những năm sau đó. Hầu hết sáng kiến đều dựa trên tài liệu của ông Eiland.
“Thỏa thuận thế kỷ” do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất vào năm 2020 và có tên chính thức là Hòa bình hướng tới thịnh vượng, là sáng kiến gần đây nhất nhằm giải quyết vấn đề Gaza.
Kế hoạch hòa bình của ông Trump không khác mấy so với những kế hoạch trước và bao gồm những điểm chính giống nhau: Ai Cập sẽ nhượng đất ở Bán đảo Sinai để xây dựng sân bay, nhà máy và trung tâm thương mại, đồng thời khuyến khích các dự án nông nghiệp và công nghiệp sẽ giúp tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người. Theo kế hoạch này, Nhà nước Palestine mới được cho là sẽ hình thành và phát triển trên lãnh thổ này.
“Thỏa thuận thế kỷ” đề xuất rằng Ai Cập sẽ nhận được 9,17 tỷ USD để phát triển bán đảo Sinai, trong đó có nửa tỷ USD để hỗ trợ các dự án du lịch ở Nam Sinai trên bờ Biển Đỏ và 1,5 tỷ USD để hỗ trợ các nỗ lực chung giữa Ai Cập và Israel nhằm thành lập một trung tâm khí đốt tự nhiên lớn trong khu vực. Thành phố el-Arish của Ai Cập, nằm cách biên giới Gaza 45 km, sẽ trở thành “Jerusalem mới” đối với người Palestine.
“Thỏa thuận thế kỷ” này chưa bao giờ có hiệu lực từ khi ông Trump thua cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
“Thỏa thuận thế kỷ” ngày nay
Trong bối cảnh Hamas gây ra nhiều mối đe dọa gần đây, Israel đã nỗ lực rất nhiều để biến kế hoạch này thành hiện thực. Không quân Israel ném bom không khoan nhượng vào Gaza cũng nhằm mục đích buộc người Palestine phải di dời sang Ai Cập. Một số người đã nói rằng người Palestine cần phải tới Sinai. Giờ đây, diễn biến của các sự kiện phần lớn sẽ phụ thuộc vào các quyết định của Ai Cập.
Trùng hợp là kế hoạch chuyển người Palestine đến Sinai có liên quan chặt chẽ với dự án xây dựng một kênh đào mới trên lãnh thổ Israel. Kênh đào mới là một giải pháp thay thế cho Kênh đào Suez nối Vịnh Aqaba với Biển Địa Trung Hải.
Theo Dự án Kênh đào Ben Gurion, kênh đào mới có thể trở thành biên giới an ninh tự nhiên giữa Israel và Ai Cập. Về mặt thương mại và lợi ích chiến lược, kênh đào mới sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh lớn với Kênh đào Suez - nơi khoảng 20% tổng giá trị thương mại thế giới đi qua. Vào những năm 1960, Mỹ và Israel rất quan tâm đến dự án này. Các nhà nghiên cứu ở cả hai nước thậm chí còn tính tới các phương tiện kỹ thuật để xây dựng kênh đào xét địa hình miền núi của sa mạc Negev.
Kỳ cuối: Quan điểm cứng rắn của Ai Cập