SỰ MONG MANH CỦA HẠ TẦNG ĐÁY BIỂN
Cuộc cách mạng về sợi quang học đã làm thay đổi tất cả. Năm 1988, một tập đoàn của Anh, Pháp và các tập đoàn viễn thông khác của Mỹ đã triển khai đường cáp quang đầu tiên xuyên Đại Tây Dương.
Chi phí khắc phục sự cố hỏng cáp quang dưới đáy biển là rất lớn. |
TAT - 8, tên gọi của đường truyền này, có thể truyền tải đồng thời 40.000 cuộc gọi - nhiều hơn tất cả các đường cáp đồng trục hiện có thời điểm đó thực hiện được với một chi phí rất khiêm tốn. Ngày nay, các sợi cáp quang có thể truyền tải lượng dữ liệu tương đương với toàn bộ số sách có trong Thư viện Quốc hội Mỹ chỉ trong 20 giây.
Do vậy, các công ty, chính phủ và cá nhân đã có thể gửi và nhận nhiều dữ liệu hơn bao giờ hết. Năm 1993, người dùng Internet đã truyền tải khoảng 100 terabit dữ liệu/năm còn ngày nay, con số đó là 150 terabit/giây và tới năm 2020, dự đoán nó sẽ vượt qua 1.000 terabit khi mạng lưới đường truyền tại châu Phi, châu Á và Trung Đông được mở rộng.
Hầu hết dữ liệu đều chạy dưới đáy biển, vì vậy, có thể hình dung thiệt hại sẽ khủng khiếp thế nào nếu có một vụ tấn công vào hạ tầng đặt dưới đáy biển này. Năm 2006, một vụ động đất gần Đài Loan (Trung Quốc) đã làm đứt 9 đường cáp. Mười một con tàu đã được huy động sửa chữa suốt 49 ngày, trong khi các nước có liên quan đến những đường cáp này bị mất đường truyền, gây gián đoạn hoạt động ngân hàng, thị trường và thương mại.
Do sự khan hiếm về vật liệu và nhân sự, sẽ cần vài tháng, thậm chí là hàng năm để một nước có thể khắc phục được một sự cố cáp quang quy mô lớn, chẳng hạn do bị tấn công. Những kẻ khủng bố ngày nay có thể sẽ không cần nhắm vào tài sản trên đất Mỹ khi mà dòng chảy giao thương của Mỹ với hàng chục nước lại thông qua mạng lưới đường truyền toàn cầu nằm dưới đáy biển.
Hạ tầng này đang giúp nền kinh tế thế giới có thể vận hành. Mỗi ngày, SWIFT - Hiệp hội Tài chính viễn thông Liên ngân hàng toàn cầu - chuyển khoảng 20 triệu thông điệp cho hơn 8.000 tổ chức ngân hàng, cơ sở an ninh và khách hàng là doanh nghiệp ở gần 200 nước, với giá trị tài sản lên tới hàng nghìn tỷ USD trên thị trường tài chính toàn cầu. Tổ chức Trao đổi liên lục địa (IE) vận hành một mạng lưới toàn cầu tỷ giá trao đổi ngoại tệ và ngân hàng hối đoái (nơi các ngân hàng trao đổi séc rồi trả tiền mặt cho những khoản mà họ nợ lẫn nhau). IE tiến hành trên 10 triệu hợp đồng/ngày trên các lĩnh vực năng lượng, hàng tiêu dùng, tài chính và thị trường phái sinh. Nếu không có mạng lưới cáp quang dưới đáy biển, loại hình ngân hàng và thương mại điện tử này không thể thực hiện được và trong trường hợp đường cáp quang bị sập, hàng triệu giao dịch có thể bị ngừng lại.
Ngày nay, do nhiều yếu tố, một vụ tấn công vào hệ thống cáp quang trở nên rất khả thi. Một là, các sợi quang học vốn chỉ dầy từ 3 - 5 cm và thường đi theo một lộ trình tránh xa các tuyến đường vận tải biển tấp nập, các ngư trường và những địa điểm nhạy cảm về môi trường. Mặc dù điều này giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra các sự cố đáng tiếc, nhưng như vậy cũng có nghĩa các đường cáp có xu hướng chạy qua khoảng 12 điểm chính trên thế giới. Với Mỹ, khoảng 40% đường cáp chính nối nước này với mạng lưới viễn thông dưới biển thế giới được triển khai ngay gần bờ biển California, Florida, New Jersey, New York và Oregon.
Ngoài ra, người dân có thể dễ dàng tiếp cận sơ đồ của nhiều hệ thống đường cáp quang. Mỗi năm, tại Mỹ có khoảng 100 - 150 vụ hỏng hóc lớn, 70% trong số đó là hậu quả của các hoạt động của con người như đánh bắt cá hoặc hạ neo. Đó là lý do tại sao trên các bản đồ hàng hải, người ta phải đánh dấu vị trí của đường cáp ngầm, thậm chí một số đường cáp còn có đèn hiệu âm thanh để dễ phát hiện, còn thông tin về các đường cáp quang quốc tế được đăng tải công khai trên mạng.
Như vậy, với những tọa độ được xác định một cách chi tiết, lực lượng quân sự nước ngoài hoặc lực lượng khủng bố có thể tấn công các đường cáp này bằng các thiết bị ngầm điều khiển từ xa có trang bị thuốc nổ. Rào cản để tiếp cận những mục tiêu dưới biển này hiện gần như không có khi các công nghệ điều khiển ngầm được một số công ty bán công khai trên thị trường. Thực tế, có hàng nghìn thiết bị ngầm bán tự động hoặc điều khiển từ xa đang trôi nổi trên thị trường toàn cầu. Một tổ chức khủng bố có tiềm lực tài chính có thể dễ dàng sở hữu một trong những thiết bị kiểu này để tấn công các đường cáp quan trọng hoặc các điểm giao cắt dưới đáy biển. Chúng còn có thể sử dụng loại lưới đánh cá có trang bị móc để đánh bật các đường cáp ở những vùng biển nông. Những mục tiêu có thể bị tấn công còn có các trạm thu phát đầu cuối và điểm kết nối đặt tại bờ biển.
Thái Nguyễn