Khởi nghĩa Philippines - Cuộc chiến bị lãng quên (Kỳ 2)

Kỳ 2: Sai lầm của người Mỹ

Như vậy ngay từ lúc bắt đầu cuộc chiến Tây Ban Nha - Mỹ, Washington đã không có một kế hoạch dài hạn rõ rệt nào đối với Philippines.


Trong bối cảnh cuộc nổi dậy của Philippines chống lại Tây Ban Nha đã thành công từ năm 1896 trở đi, mà kết quả là Philippines giành quyền kiểm soát các đảo ở khắp nơi trừ Manila, thì việc thiếu đi những kế hoạch chống nổi dậy nhằm tương tác với các lực lượng Philippines, dù là tranh thủ sự ủng hộ của họ để đánh bại Tây Ban Nha hay dập tắt phong trào phản đối sự thâu tóm của Mỹ, dường như là điều gây ngạc nhiên.

Thủ lĩnh nổi dậy Emilio Aguinaldo.


Chiến lược ban đầu đằng sau việc chiếm Manila chẳng qua chỉ nhằm làm tăng lợi thế của Washington trong cuộc đàm phán với Tây Ban Nha về một hiệp định hòa bình trong tương lai.

Các lực lượng Mỹ hầu như không có bất cứ thông tin nào về đội hình, thành phần và các kế hoạch của quân nổi dậy Philippines chứ chưa nói đến các dữ liệu về địa hình, thời tiết và văn hóa liên quan đến 7.000 hòn đảo hợp thành quần đảo Philippines.

Đây là hệ quả của sự mơ hồ trong các ý định của Mỹ đối với Philippines trong giai đoạn giao tranh với Tây Ban Nha. Trên thực tế, chính quyền của Tổng thống McKinley đã lên kế hoạch chiến tranh từ lâu trước khi nổ ra chiến sự với Tây Ban Nha nhưng những kế hoạch này chủ yếu là vì các mục tiêu trên biển chứ không phải các chiến dịch trên bộ ở Philippines.

Hơn nữa, Sư đoàn thông tin quân sự ở Washington đã không thể hỗ trợ tình báo cho các chiến dịch của Lục quân ở Philippines. Lục quân không có những bản đồ đáng tin cậy, bị “mù” thông tin về địa hình, khí hậu, tập tục văn hóa hay các tuyến giao thông vận tải. Môi trường mới đặt ra một số thách thức nổi cộm cho các lực lượng Mỹ.

Binh sĩ Philippines bên ngoài Manila.


Kết quả là địa hình và khí hậu trên đảo Luzon đã khiến người Mỹ vấp phải vô vàn trở ngại trong chiến dịch chống quân nổi dậy. Những bản đồ địa hình cũ mà binh sĩ Mỹ thu được từ Tây Ban Nha thường là “lỗi thời”. Một đất nước địa hình mở theo như mô tả trong bản đồ hóa ra lại toàn những vùng cây cỏ, đầm lầy dày đặc khiến các kế hoạch chiến dịch của Mỹ hiếm khi hoàn thành đúng thời hạn do sự di chuyển khó khăn.

Ngoài ra, quân phục làm bằng len mà Bộ Chiến tranh Mỹ phát cho Lục quân chỉ càng làm gia tăng những khó khăn mà khí hậu và địa hình gây ra cho binh sĩ. Bên cạnh đó, bộ trên còn trang bị cho họ loại súng trường Springfield cũ kỹ. Đồng phục nặng hơn làm giảm đáng kể tốc độ di chuyển của binh sĩ Mỹ trên chiến trường, thậm chí còn khiến họ dễ bị tấn công hơn. Trong khi chất liệu len cũng góp phần làm phát tán dịch bệnh, đặc biệt là sốt vàng da.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào người bản địa trong công tác dịch thuật tài liệu và chỉ dẫn cũng là nguyên nhân làm tăng số điệp viên hai mang Philippines trong hàng ngũ quân đội Mỹ.

Về số lượng binh sĩ và công tác huấn luyện phục vụ chiến tranh, vì Lục quân Mỹ vào năm 1897 chỉ có có khoảng 28.000 quân nên cần huy động một lượng lớn tình nguyện viên để đối phó với ước tính từ 80.000-100.000 lính Tây Ban Nha ở Cuba, chứ chưa nói đến Philippines.

Quốc hội Mỹ đã giới hạn quy mô Lục quân ở mức tương đương với thời bình và chỉ có lực lượng dự bị Cảnh vệ Quốc gia và những đối tượng tuyển quân tình nguyện mới tạo nên sức mạnh thời chiến của Mỹ. Do đó, phần lớn binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến với Tây Ban Nha chỉ trải qua 5 tháng huấn luyện trước khi lâm trận.

Ngoài những binh sĩ đã tham gia các chiến dịch quan trọng trong các cuộc chiến với người Anh-điêng ra thì Lục quân Mỹ sở hữu rất ít binh sĩ từng trải trận mạc. Tệ hơn là, Lục quân Mỹ đã triệu hồi các binh sĩ từ cuộc viễn chinh Manila ban đầu và thay thế họ bằng các tân binh dù biết rõ là có chiến tranh với các lực lượng của Aguinaldo.

Những bất cập đó đã cho phép người Philippines chuẩn bị cho cuộc chiến tranh du kích kéo dài. Với phần lớn Lục quân Mỹ đóng ở Manila, quân khởi nghĩa đã mở rộng hoạt động ra các vùng ngoại thành nơi họ tấn công các cơ sở hạ tầng, chủ yếu là đường dây điện tín và lợi dụng tình trạng vô chính phủ ở hầu hết các thị trấn và thành phố để thiết lập chính quyền ngầm.

Một khó khăn lớn đó là trong khi Mỹ tuyên bố áp đặt chế độ quân sự ở tất cả các hòn đảo thì trên thực địa, Washington không có đủ binh lực để thực thi sứ mệnh này. Mỹ chỉ có khoảng 11.000 binh sĩ ở Philippines khi chiếm giữ Manila trong khi tổng diện tích địa lý của Philippines là 500.000km2.

Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã kịp thời bổ sung 35.000 lính tình nguyện đặc biệt tại Philippines vào tháng 3/1899, sau khi các ý định của Tổng thống McKinley được làm rõ. Những binh sĩ này được huấn luyện tăng cường trước khi đổ bộ. Với sự góp sức của lực lượng này vào tháng 11/1899, thì hỏa lực vượt trội của Mỹ cộng với những sai lầm bên phía quân nổi dậy đã làm tiêu tan hy vọng của Philippines tiến hành một cuộc chiến tranh chính quy.

Tuy nhiên, người Philippines trước đó dã lợi dụng sự thiếu hụt lực lượng của Mỹ để chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài. Khi Aguinaldo chuyển sang áp dụng các chiến thuật du kích thì các binh sĩ của ông ẩn mình trong dân chúng và tấn công các toán lính tuần tra Mỹ.

Chiến lược quân sự của Mỹ trong năm 1899 bao gồm việc tiêu diệt các lực lượng chính quy Philippines và thiết lập một chính quyền quân sự trên quần đảo này. Trong khi đó, chiến lược mới của Aguinaldo là gây ảnh hưởng lên công luận Mỹ ở mức đủ để tác động đến cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1900. Đó đã tỏ ra là một sai lầm chiến lược của phong trào nổi dậy, bởi chiến thắng của McKinley trong cuộc bầu cử cơ bản đã làm tiêu tan đáng kể sự ủng hộ của quân nổi dậy.

Kỳ 3: Những thay đổi về chiến thuật


Huy Lê



Khởi nghĩa Philippines - Cuộc chiến bị lãng quên (Kỳ 1)
Khởi nghĩa Philippines - Cuộc chiến bị lãng quên (Kỳ 1)

Chiến tranh Philippines - Mỹ, hay còn gọi là Khởi nghĩa Philippines (1899 - 1902), là một trong những cuộc chiến bị lãng quên và một trong những chiến dịch chống nổi dậy thành công nhất của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN