Kênh truyền hình CNN dẫn dữ liệu từ Sách hạt nhân được xuất bản hàng tháng trên trang Bulletin of the Atomic Scientists cho thấy 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hiện nay là Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Israel, Pakistan, Ấn Độ, Triều Tiên và Iran.
Một quan chức Triều Tiên tuần qua đã đe dọa nước này sẽ thử bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “gã tên lửa” và Bình Nhưỡng đáp trả ông Trump là “ông già lẩm cẩm”.
Tên lửa hạt nhân di động Topol-12M của Nga. Ảnh: Reuters |
Con đường dẫn tới tiềm lực vũ khí của Triều Tiên đã trải qua nhiều thập kỷ thăng trầm trong khi các cường quốc hạt nhân như Mỹ và Nga đã xây dựng và tháo dỡ những chương trình của họ.
Hiện nay, Nga được cho là quốc gia sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất với khoảng 4.300 vũ khí. Cách không xa phía sau là Mỹ với 4.000 vũ khí. Trong xấp xỉ 15.000 vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, 9.400 trong số chúng nằm trong kho vũ khí quân sự. Số vũ khí còn lại hiện đã hết hạn sử dụng và chờ được tháo dỡ.
Đáng lưu ý, khoảng 4.000 vũ khí hạt nhân đang hoạt động và 1.800 sẵn sàng để sử dụng trong thời gian cảnh báo ngắn.
Tuy nhiên sau các nỗ lực giải trừ quân bị quy mô lớn của các nước lớn, chẳng hạn như Mỹ, lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới đang ở mức thấp.
Khoảng cuối thập niên 80, Liên Xô cũ nắm trong tay khoảng 40.000 đơn vị vũ khí hạt nhân và Mỹ có gần 24.000. Thực tế Liên Xô ngày đó sở hữu gần gấp 3 số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới hiện nay. Tất cả số vũ khí Nga từng được cất trữ trong gần 500 cơ sở vào đầu thập niên 90. Hiện nay, các nhà nghiên cứu cho rằng chúng được rút gọn lại còn 48 cơ sở.
Về phần Triều Tiên, quốc gia Đông Bắc Á này được cho là đã phát triển năng lực vũ khí hạt nhân, song việc nước này thực tế đã xây dựng được vũ khí hay chưa còn là điều chưa chắc chắn. Tuy nhiên, không có ý kiến bất đồng này về việc Bình Nhưỡng đã sản xuất ra vật liệu phân rã để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Washington cho rằng Bình Nhưỡng sẽ đạt được khả năng phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân vào đầu năm 2018, một quan chức Mỹ nắm được thông tin tình báo mới nhất đã xác nhận với CNN vào tháng 7 vừa qua.
Ông Hans Kristensen, Giám đốc Dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, trả lời CNN qua email rằng “đánh giá tình báo cho thấy họ đã sản xuất được vật liệu phân rã đủ để chế tạo 30 - 60 đầu đạn”. Các chuyên gia khác lại cho rằng số đầu đạn của Bình Nhưỡng còn cao hơn nhiều.