Kẻ thù giấu mặt-Kỳ cuối: Tổn thất đau đớn

Trong khi đó, các binh sĩ thuộc Không lực 12 đóng quân trong khu vực phải trực tiếp đối phó với vụ phun trào của núi Vesuvius. Đồn trú tại sân bay mang cái tên Pompeii “đen đủi” là Đội ném bom 340. Đơn vị này được trang bị máy bay B-25 Mitchells động cơ kép, là các oanh tạc cơ hạng trung do Công ty North America Aviation sản xuất.

 

Lực lượng mặt đất 324 quét dọn tro bụi trên chiếc B-25.

Mỗi chiếc có khả năng mang tổng trọng lượng bom nặng hơn 1.360 kg và mỗi quả bom có thể tạo ra những vụ nổ lớn nhờ sức nóng và sự tàn phá của một vụ phun trào. Song, trong khi Phi đội ném bom 47 đã nhận được lệnh di tản khỏi sân bay Vesuvius, thì không hề có động thái nào diễn ra tại sân bay Pompeii. Chính bởi vậy mà vụ nổ ngày 22/3/1944 của núi lửa Vesuvius vô hình chung đã trở thành một cuộc oanh tạc tới tấp nhằm vào những chiếc máy bay tối tân thời đó đang đỗ trên các đường băng trống trải.


Bị bỏ rơi khi các quân nhân trong căn cứ đang nháo nhác tìm nơi trú ẩn an toàn, những chiếc B-25 hứng trọn cơn mưa đá cấp tập khiến thân và cánh máy bay bị thủng và lõm lỗ chỗ trong khi khung máy bay bị biến dạng, còn lồng kính buồng lái thì bị thủng hoặc nứt. Trước khi sơ tán, các đội mặt đất đã cố gắng không để những chiếc máy bay của họ bị tro bụi bám vào. Nhưng giờ đây, tro bụi tích tụ đã làm những chiếc oanh tạc cơ đổ nghiêng ngả. Các thành viên đơn vị mặt đất 324 đã phối hợp với Phi đội ném bom 340 khẩn trương triển khai công tác cứu hộ nhưng rốt cuộc, người Mỹ đã mất tổng cộng 90 máy bay.


 

Xe ủi được huy động để dọn tro bụi.

Ngoài khơi trên vịnh Naples, các tàu Hải quân Mỹ cũng không tránh khỏi rắc rối. Ngày 18/3, tàu sân bay USS Philadelphia đã phải chuyển vị trí neo tàu vì dòng dung nham đỏ rực cách đó gần 10 km trong đất liền rõ ràng là một mối nguy hiểm đối với tàu. Sau đó, một lớp bụi núi lửa dày đặc kèm theo mưa đã buộc con tàu phải một lần nữa tìm chỗ thả neo mới. Tàu tuần tra USS PC-546 ngày 24/3 cho hay “trên boong tàu này bị phủ một lớp tro bụi giống như cát đen dày gần 4 cm”. Tầm nhìn trên vịnh này bị giảm xuống dưới 1,6 km. Trong khi đó, cách đó 210 km về phía đông trên bờ biển Adriatic, khói mù dày đặc bao trùm thành phố Bari khiến giới hữu trách phải bật đèn đến tận 10 giờ sáng. Các sĩ quan quân đồng minh đã liên tục để mắt đến núi Vesuvius trong nhiều ngày, do lo sợ nón núi lửa có thể bị sụp hoàn toàn và làm tuôn trào một dòng dung nham mới thậm chí còn lớn hơn.


Ngày 23/3, dòng dung nham ngừng chảy khi chỉ cách nghĩa địa ở Cercolo chưa đầy 100 m. Hôm đó, núi Vesuvius vẫn tiếp tục bắn đất đá lên không trung, như thể muốn xua đuổi đám mây khói trôi lững lờ ở trên cao cách 5 km. Ngày hôm sau, ngọn núi bắt đầu “hết hơi”, hoạt động phun trào đã giảm bớt và được tuyên bố kết thúc vào ngày 30/3. Người dân ở Cercola và các ngôi làng khác đã trở về nhà. Tay cầm chổi, tay cầm ô, họ bắt đầu quét dọn những mảng tro bụi ngà đỏ trên nóc nhà và trên phố. Ngôi làng Nazionale bị phủ một lớp “tuyết đen” mịn dày cả mét, bên trên là vô số những con chim chết còng queo. Những người dân địa phương bị mắc kẹt và không thể nhận đồ tiếp tế đã phải thu gom những con chim về làm thức ăn.


 

Chiến đấu cơ bị thủng và móp lỗ chỗ dưới những cơn mưa đất đá.

 

Vụ phun trào khiến 26 người thiệt mạng, chủ yếu do trần nhà sập hay những cơn mưa đất đá tới tấp. Việc sơ tán người dân kịp thời đã góp phần hạn chế đáng kể số người thiệt mạng.


Ở Mỹ, báo chí đã theo sát cơn thịnh nộ dai dẳng của núi Vesuvius kể từ khi nó phun trào, dường như tạo ra “biểu tượng của chiến thắng” hồi tháng 1/1944. Tin tức tiếp tục được loan tải dồn dập khi vụ phun trào trở nên dữ dội vào tháng 3. Đến tháng 4, các bộ phim tài liệu đã cung cấp cho công chúng Mỹ những hình ảnh gây sửng sốt về những màn khói và lửa ngoạn mục. Tuy nhiên, hầu hết các câu chuyện trên báo chí chỉ tập trung vào những thiệt hại tại các thị trấn và làng mạc gần núi Vesuvius và những nỗ lực cứu trợ của lực lượng Mỹ và Anh. Trong khi đó, những thiệt hại đối với các phi đội ném bom tại sân bay Pompeii lại không hề được đề cập đến trong nhiều tháng.


Các đài phát thanh ở Italia thì dẫn lời Axit Sally, một nhà tuyên truyền của phát xít Đức, hả hê ví von rằng vụ phun trào là một hành động của Chúa nhằm hủy diệt Phi đội ném bom 340. Trên thực tế, ngoài thiệt hại nặng nề đối với các máy bay, Phi đội 340 chỉ hứng chịu rất ít thương vong và không có trường hợp nào nguy cấp.


Trong vụ phun trào trớ trêu này, núi Vesuvius đã gây ra thiệt hại tổng cộng 25 triệu USD cho các máy bay và cơ sở vật chất của Mỹ. Nhưng với tất cả sự giận giữ của mình, ngọn núi đã không thể làm trì hoãn sức tiến công vũ bão của quân đồng minh nhằm vào các mặt trận đang nguy khốn của quân Đức. Chỉ chưa đầy một tuần sau khi ngọn núi lặng yên trở lại, Phi đội ném bom 340 đã được cung cấp đủ số máy bay B-25 để tiếp tục công phá các mục tiêu của phát xít Đức.


Sau khi khá im ắng từ năm 1944, núi Vesuvius, cùng với di tích thành cổ Pompeii nổi tiếng, hiện là một phần trong công viên quốc gia rộng lớn thu hút hàng nghìn du khách. Ngày nay, tại khu vực xung quanh ngọn núi vẫn có tới ba triệu người sinh sống, nhưng trong nỗi ám ảnh đeo đẳng về vụ phun trào tiếp theo.


Huy Lê

Kẻ thù giấu mặt-Kỳ 2: Cơn giận dữ của kẻ thù
Kẻ thù giấu mặt-Kỳ 2: Cơn giận dữ của kẻ thù

Trong hai ngày tiếp theo, phi hành đoàn trên các máy bay ném bom mới của Mỹ khi bay qua núi Vesuvius trong lúc đang làm nhiệm vụ đã được chứng kiến hơi nóng bốc lên nghi ngút từ miệng núi. Cảnh tượng này khiến họ không khỏi lo ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN