Kẻ giả mạo tranh giỏi nhất thế kỷ 20

Kẻ giả mạo tranh giỏi nhất thế kỷ 20-Kỳ 2: Dấn thân vào nghề giả mạo tranh

Để kiếm sống, Elmyr bắt đầu vẽ tranh. Anh ta nhanh chóng nhận ra rằng mình có một tài đáng nể khi vẽ lại những bức tranh của danh họa Pablo Picasso. Thực tế, nhiều bạn bè và người quen của Elmyr đã nhầm tranh của Elmyr và tranh gốc của Picasso.

Danh họa Picasso.

Năm 1946, Elmyr đã bán một trong những bức tranh đầu tay cho một người bạn Anh – người tin rằng bức tranh Elmyr có trong tay là tranh thật của Picasso. Ngửi thấy thời cơ làm giàu đã đến, Elmyr vạch ra một kế hoạch đổi đời.

Sau chiến tranh, nhiều người thiếu tiền đến mức họ phải mang những tài sản giá trị nhất để bán hoặc cầm cố. Elmyr cũng không phải là một ngoại lệ. Nhưng thay vì bán những thứ mình có, anh ta giả vờ là mình phải bán những bức tranh Picasso để lấy tiền ăn ở. Anh ta đi tới hết phòng tranh này đến phòng tranh khác để giải thích rằng đây là những tác phẩm do dòng họ để lại và anh ta buộc phải bán. Không một chủ phòng tranh nào nghi ngờ Elmyr và rất háo hức vì có cơ hội mua được những bức tranh quý hiếm như vậy. Họ không hề biết rằng đó là tranh giả mạo bắt chước phong cách của Picasso.

Elmyr vẽ càng nhiều càng tốt để đáp ứng nhu cầu từ các phòng tranh. Chỉ trong vòng hơn 1 tiếng, Elmyr có thể vẽ xong một bức tranh và kiếm được khoảng 100 đến 400 USD, nhiều bức còn đắt hơn. Ví tiền của Elmyr cứ thế mà dày dần lên.

Mùa hè năm 1946, Elmyr tiết lộ với một người bạn là Jacques Chamberlin về công việc thực sự của mình. Chamberlin rất ấn tượng với sự liều lĩnh của Elmyr và số tiền mà anh ta kiếm được. Vì cũng đang túng bấn nên Chamberlin đề nghị tham gia cùng Elmyr. Chamberlin đề xuất rằng họ sẽ đi khắp châu Âu để bán các bức tranh nhái do Elmyr vẽ cho những người trả giá cao nhất. Trong khi đó, Elmyr vẫn tiếp tục trổ tài “đẻ” tranh nhái của mình.

Danh họa Amedeo Modigliani.


Đúng theo kế hoạch, Chamberlin và Elmyr đi hết thành phố này đến thành phố khác, bán tranh giả và kiếm được một món tiền khổng lồ mà họ nhanh chóng vung tay vào những bộ quần áo, thức ăn và khách sạn đắt tiền. Lợi nhuận được chia đôi nhưng Elmyr bắt đầu nghi ngờ về tính trung thực của Chamberlin. Elmyr phát hiện ra rằng Chamberlin đã nói dối về giá bán tranh và bỏ túi phần lớn lợi nhuận. Quá tức giận, Elmyr đã cắt đứt quan hệ làm ăn với Chamberlin.

Khi không có Chamberlin, Elmyr lại một mình đi khắp châu Âu và Nam Mỹ để bán các tác phẩm của mình cho các phòng tranh. Năm 1947, anh ta đến Mỹ với một chiếc visa thời hạn 3 tháng. Elmyr thích nước Mỹ và con người nơi đây đến mức anh ta ở Mỹ chui tới hơn 11 năm. Trong suốt những năm này, Elmyr đi đi về về giữa New York và Los Angeles để bán tranh. Anh ta gặp nhiều người giàu có và nổi tiếng – một vài trong số đó đã trở thành con mồi của anh ta.

Đôi lúc, Elmyr cũng không vẽ tranh giả mạo mà thay vào đó tự vẽ tranh của riêng mình. Nghề vẽ tranh giả mạo đã cho anh ta đủ tiền và anh ta cũng muốn chứng minh rằng anh ta có thể tự thành công. Tuy nhiên, tranh do anh ta tự vẽ lại chẳng bán được trong khi tiền ngày càng cạn dần. Chán nản, Elmyr trở lại vẽ tranh giả.

Nhiều chủ phòng tranh đã hỏi xem Elmyr có tranh của các danh họa khác ngoài Picasso hay không. Elmyr đã quyết định thử tài nhái tranh của các bậc thầy hội họa khác ngoài Picasso. Thật ngạc nhiên, anh ta cũng có thể bắt chước phong cách của những họa sĩ khác như Matisse, Modigliani và Renoir. Elmyr thử vẽ cả tranh sơn dầu, một loại tranh khó vẽ hơn nhưng bán được giá cao hơn.

Tuy nhiên, cứ bán được một bức tranh thì nguy cơ bị bắt lại tăng lên. Elmyr từng một lần mua bán không thành công với nhà buôn tranh nghệ thuật Klaus Perls. Elmyr sợ rằng điều này sẽ làm nảy sinh những tin đồn về độ "xịn" các bức tranh mà anh ta rao bán. Hơn nữa, Klaus còn biết cả thân phận của Elmyr và sau này đã khiến anh ta gặp nhiều rắc rối.

Lo sợ bị bắt, Elmyr bắt đầu chọn cho mình một số tên giả để làm ăn, trong số đó có những cái tên như Elmyr von Houry, L. E. Raynal và Louis Cassau. Anh ta cũng quyết định thay đổi phương thức bán tranh giả, thay vì đi chào hàng tận các phòng tranh, Elmyr chỉ bán tranh từ xa. Anh ta nghĩ ra một cách bán tranh an toàn hơn để không lộ mặt khi liên hệ với khách hàng là thực hiện giao dịch qua thư từ. Nhờ đó, anh ta tiết kiệm được khối thời gian, tiền bạc và tiền lại chảy vào túi anh ta như nước.

Thùy Dương

Đón đọc kỳ tới: “Lên voi xuống chó”

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN