Julian Assange và hiện tượng WikiLeaks

Ngày 5/3/2010, toàn thế giới chấn động khi trang web WikiLeaks - một tổ chức chuyên công bố các thông tin mật - tải một đoạn video ghi lại hình ảnh lính Mỹ ngồi trên máy bay trực thăng bắn vào một nhóm người đi trên phố tại thủ đô Bátđa (Irắc) mà họ nghi là các phần tử nổi dậy. Tiếp sau đó, tháng 12/2010, hàng loạt thông tin mật của chính phủ nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, đã bị WikiLeaks phơi bày trước ánh sáng. Những "quả bom" thông tin này gây xáo trộn quan hệ của Mỹ với các nước, khiến người sáng lập kiêm tổng biên tập WikiLeaks, Julian Assange, trở nên nổi tiếng, có tên trong danh sách "Nhân vật của năm 2010" do độc giả tạp chí TIME bình chọn. Tuy nhiên, ông cũng phải trả giá khi bị truy nã trên toàn thế giới.

Kỳ 1: Đoạn băng gây chấn động

Đoạn băng đen trắng dài 18 phút gây chấn động nói trên có hình ảnh khá mờ ảo được quay tại Irắc tháng 7/2007. Sau khi được công bố, nó trở thành nỗi ám ảnh tâm trí của hầu hết các blogger, nhà báo và các chính trị gia của đất nước này.

Hai phóng viên ảnh Reuters Saeed Chmagh (trái) và Namir Noor-Eldeen.


Trước khi đi vào nội dung chính, đoạn video được mở đầu với câu nói nổi tiếng của cựu nhà báo George Orwell: “Ngôn ngữ chính trị làm cho những lời nói dối trở thành sự thực, biến sự giết chóc thành điều đúng đắn, và làm cho cơn gió cũng có vẻ bề ngoài cứng rắn”.

Mặc dù không thấy cảnh đổ máu hay những cảnh quay chi tiết song đoạn video đã làm nhiều người ghê sợ bởi bản chất man rợ của lính Mỹ khi đưa ra lệnh giết người rồi dùng trực thăng bắn từ xa, như thể đang chơi trò chơi điện tử.

Julian Assange.


Những người bị bắn gồm hai trẻ em bị thương, dân thường và hai phóng viên của hãng Reuters là nhiếp ảnh gia Namir Noor-Eldeen và Saeed Chmagh lúc đó đang tác nghiệp. Những người đi cùng với họ sau đó đã được xác định không phải là quân nổi dậy. Và thứ được cho súng AK47 mà Noor-Eldeen đang cầm trên tay khi những lính Mỹ phát hiện chỉ đơn giản là một chiếc máy quay với ống kính dài.

Sau khi nhìn thấy phóng viên ảnh cầm máy quay có ống kính dài từ trên máy bay, một binh sỹ đã nói: “Họ có vũ khí. Chúng ta đối mặt với 5 đến 6 người có súng AK47”. Khi thấy một trong số những phóng viên nằm trên mặt đất và nhìn qua ống kính, một lính Mỹ khác lại nói: “Một trong số họ có súng phóng lựu, tôi đang chuẩn bị bắn”.

Khi chiếc trực thăng bay vòng quanh tòa nhà, có thể thấy cảnh khoảng 8 người đàn ông đứng nói chuyện điện thoại được quay rất rõ. Một sỹ quan ra lệnh: “Hãy bắn hạ tất cả bọn họ”.

Một hình ảnh từ đoạn băng được công bố trên mạng.


Các lính Mỹ đã nổ súng bắn vào những người mà trông họ không có vẻ gì là đáng khả nghi. Bị thương sau khi trúng phát đạn đầu tiên, Saeed đã chết khi dính phát đạn thứ hai trong lúc đang tìm cách lẩn trốn. Trong khi đó, trên máy bay, binh sỹ Mỹ khen ngợi lẫn nhau: “Tốt, bắn tốt đấy”.

Chưa dừng lại ở đó, đoạn video còn có một cảnh kinh hoàng hơn. Khi một chiếc xe cứu thương đến để đưa những người bị thương đến bệnh viện, lính Mỹ lại tiếp tục nhả đạn khiến chiếc xe nổ tung. Trong xe có hai đứa trẻ đang bị thương, tuy nhiên chúng đã được một lính Mỹ tên là Ehtan McCord cứu sống. Chính người lính này sau đó đã chỉ trích công khai vụ việc trên. Tổng số người thiệt mạng là 12.

Đoạn video được một tổ chức bí mật có tên gọi WikiLeaks công bố. Mặc dù Wikileaks hoạt động từ năm 2006 song đối với rất nhiều người, đoạn video thường được gọi là “Vụ giết người ngoài dự kiến” nêu trên đã trở thành một lời giới thiệu ban đầu về Julian Assange và WikiLeaks - hai cái tên mà vào thời gian tháng 12/2010, xuất hiện dày đặc trên báo chí toàn thế giới.

Hoàng Yến

Đón đọc kỳ 2: Những quả bom thông tin mật

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN