Jonas Salk, vị cứu tinh của nhân dân Mỹ trong đại dịch bại liệt - Kỳ 2

Mặc dù bị nhiều nhà khoa học phản đối, vaccine ngừa bại liệt thử nghiệm của Jonas Salk vẫn được người dân Mỹ hào hứng đón nhận. Khoảng 1,5 triệu người đã tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine lớn nhất trong lịch sử, và kết quả đã chứng minh kỳ tích y học của Salk.

TỪ ĐẠI DỊCH CÚM ĐẾN CUỘC CHIẾN CHỐNG BẠI LIỆT 

Đại dịch cúm năm 1918

Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1920 đã giết chết 50-100 triệu người trên toàn thế giới, so với 15 - 19 triệu người chết do cuộc Đại chiến thế giới thứ nhất. Ít nhất nửa triệu người Mỹ chết vì căn bệnh này, trong đó có khoảng 40.000 binh sĩ.

Chú thích ảnh
Một bệnh viện dã chiến cho bệnh nhân cúm ở Kansas, Mỹ năm 1918. Ảnh: Smithsonian 

Khi Salk tới làm việc ở trường Y tế Công cộng mới thành lập, thuộc Đại học Michigan, nơi đây đang chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm thực địa, tiêm chủng cho một số lượng lớn người tham gia và so sánh tỷ lệ nhiễm bệnh của họ với tỷ lệ nhiễm của nhóm đối chứng không tiêm vaccine. Dưới sự chỉ đạo của Salk, 8.000 người tâm thần tại hai bệnh viện công đã được tiêm vaccine thử nghiệm phòng cúm hoặc giả dược. Thử nghiệm cho thấy mức độ kháng thể tăng đáng kể trong số những người được tiêm chủng, nhưng vì không có dịch cúm xảy ra vào mùa đó nên kết quả thử nghiệm vẫn gây tranh cãi.

Trận dịch cúm A năm 1943 đã cho Salk và cấp trên của ông, Thomas Francis, Jr., Chủ nhiệm khoa Virus học của trường, cơ hội chứng minh rằng vaccine cũng có tác dụng chống lại virus trong tự nhiên. Nó đã hoạt động rất hiệu quả. 12.500 học viên quân đội đã tham gia một thử nghiệm khác, và chỉ 2% trong số những người được tiêm chủng bị cúm trong thời gian dịch bùng phát.

Hơn nữa, những bệnh nhân tâm thần đã được tiêm vaccine hơn một năm trước đó vẫn không mắc bệnh. Vì vậy, hiệu quả của vaccine từ virus bất hoạt đã được củng cố: Nó tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài, do đó làm thay đổi dự đoán của hầu hết các nhà vi sinh vật học, những người đã tin tưởng rằng bất kỳ sự bảo vệ nào mà vaccine bất hoạt cung cấp sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Kết thúc thời gian làm việc với Francis, Salk được đề nghị tham gia chiến dịch phát triển vaccine phòng bại liệt, căn bệnh là nỗi khiếp sợ của người Mỹ và cả thế giới thời đó. Ông bắt đầu công việc tại Đại học Pittsburgh và đây cũng là nơi Salk sớm lập nên một kỳ tích y học.

Chú thích ảnh
Jonas Salk làm việc trong phòng thí nghiệm. Ảnh: AP

Công cuộc phát triển vaccine bại liệt

Điều kiện tiên quyết để thực hiện chiến dịch chống bệnh bại liệt là phải xác định các chủng loại virus. Nhiều chủng virus mà các nhà nghiên cứu đã phân lập từ các bệnh nhân trong nhiều năm cần được phân loại. Nhờ những nỗ lực của Jonas Salk, việc phân loại virus bại liệt cuối cùng kết thúc vào năm 1951, với chi phí 1,3 triệu USD và mạng sống của khoảng 20.000 con khỉ.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng virus bại liệt loại 1 là phổ biến nhất, chiếm hơn 80% các trường hợp, trong khi loại 2 và 3 chiếm khoảng 10% mỗi trường hợp. Loại 1 là nguyên nhân gây ra các bệnh tê liệt liên quan đến bệnh quen thuộc, trong khi loại 2 là một loại virus nhẹ hơn thường không gây ra triệu chứng gì. Loại 3, dạng hiếm nhất, cũng là dạng gây tử vong cao nhất, vì nó có khả năng gây nhiễm trùng ống tủy, có thể làm tê liệt cơ hoành, khiến bệnh nhân không thể thở được.

Chú thích ảnh
Thời kỳ đỉnh dịch bại liệt ở Mỹ, một số bệnh viện đã thiết kế những chiếc "phổi sắt" to như căn phòng, làm nơi điều trị cho trẻ em bại liệt. Ảnh: Getty Images

Cuối cùng Salk bỏ hẳn nghiên cứu về bệnh cúm để tập trung toàn lực cho nỗ lực phòng chống bệnh bại liệt. Việc sản xuất các kháng thể - protein xuất hiện trong máu để phản ứng với những kẻ xâm nhập (virus bại liệt) là yếu tố then chốt. Khi đó, có hai phương pháp đã biết để cung cấp kháng thể, đó là: Mọi người có thể được chủng ngừa chủ động để tự sản sinh kháng thể thông qua việc tiêm chủng (với virus sống hoặc virus bất hoạt).

Ngoài ra, có thể lấy gamma globulin, tức huyết thanh có chứa kháng thể, từ những bệnh nhân đã mắc bệnh bại liệt, và tiêm vào những người khỏe mạnh, giúp họ hình thành cái gọi là “miễn dịch thụ động”. Salk ban đầu dự định theo đuổi cả hai cách tiếp cận. Ông thậm chí còn cân nhắc việc tiêm chủng cho bò và gà mái để người dân có thể nhận được kháng thể chống bại liệt từ... sữa và trứng.

Tuy nhiên, gamma globulin, vốn chỉ cung cấp khả năng miễn dịch thụ động trong vài tuần, có thể được sử dụng để ngăn chặn bùng phát dịch, nhưng không hứa hẹn là một biện pháp phòng ngừa phổ biến, lâu dài. Vì thế Jonas Salk đã tập trung vào việc phát triển vaccine để tiêu diệt bệnh bại liệt một lần và mãi mãi.

Mối quan tâm của ông lúc này là ngăn chặn khả năng lây nhiễm của virus bại liệt trong vaccine trong khi vẫn bảo toàn kháng nguyên của nó. Salk đã sử dụng formalin, một loại formaldehyde, để khử hoạt tính của virus trước khi đưa vào vaccine, khiến chúng không thể lây nhiễm bệnh cho người được tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Jonas Salk cầm hai chai đựng dung dịch để cấy vaccine bại liệt vào năm 1955. Ảnh: Đại học Pittsburgh

Đến tháng 6/1952, trong trận dịch bại liệt lớn nhất mà Mỹ từng chứng kiến, Salk đã sẵn sàng cho cuộc thử nghiệm ở người đầu tiên với vaccine của mình, trên các bệnh nhân bại liệt tại Trung tâm Chăm sóc trẻ khuyết tật D. T. Watson Home ở ngoại ô Pittsburgh. Ông chọn địa điểm này cho cuộc thử nghiệm đầu tiên của mình vì nó đủ tách biệt với các đồng nghiệp và phóng viên; Salk muốn đảm bảo chương trình không bị công chúng soi mói cho đến khi nó kết thúc.

Những đứa trẻ đã mắc bệnh bại liệt tất nhiên sẽ không nhận được bất kỳ lợi ích y tế nào từ những thử nghiệm này. Trước hết, Salk đã thử nghiệm các tác dụng phụ, cũng như khả năng sản xuất kháng thể, và do đó, các nạn nhân bại liệt dường như là đối tượng đầu tiên lý tưởng, vì họ không có nguy cơ mắc bệnh nữa. Kết qủa, không có em nhỏ nào bị tác dụng phụ, và tất cả đều cho thấy mức độ kháng thể cao.

Nhưng những em nhỏ này vốn đã có kháng thể chống lại loại bệnh bại liệt mà các em đã mắc phải. Vì vậy, Salk phải thử nghiệm một lần nữa, lần này rủi ro hơn, với những đứa trẻ không bị bệnh bại liệt - và do đó không có miễn dịch sẵn- nhưng lại bị chứng tê liệt do các nguyên nhân khác. Bằng cách này, tính an toàn của vaccine có thể được kiểm tra lại trên trẻ em trong khi tránh được nguy cơ bị liệt (vì các em vốn đã bị liệt), nếu bất kỳ trẻ nào vô tình mắc bệnh từ chính virus trong vaccine. Ở lần thử nghiệm này, không ai trong số 27 người tham gia bị mắc bệnh bại liệt do vaccine của Salk.

Vaccine bại liệt do ông phát triển đã hoạt động hiệu quả. Salk lặp lại thử nghiệm với một nhóm lớn hơn gồm 63 trẻ em khuyết tật tâm thần tại Trường Polk State và thử nghiệm này cũng thành công.

Những thử nghiệm như vậy của Salk ngày nay chắc chắn không được phép diễn ra vì những vấn đề đạo đức, tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng thời đó, ông không còn lựa chọn khác cho các nghiên cứu của mình.

Khi ông trình bày kết quả với Ủy ban Tiêm chủng Quốc gia Mỹ vào tháng 1/1953, các đồng nghiệp của Salk đã tỏ ra nghi ngờ. Nhà khoa học Albert Sabin chỉ trích Salk vì đã chọn sai chủng virus và cho rằng việc lạm dụng dầu khoáng bổ trợ có thể gây ung thư. Các thành viên khác của ủy ban lo lắng về phản ứng dị ứng, tổn thương nội tạng và các nguy cơ tiềm ẩn khác.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Albert B. Sabin (phải) và Tiến sĩ Jonas Salk tại Washington năm 1955. Ảnh: AP

Khi ngày thử nghiệm đại trà dự kiến ​​sắp đến, các nhà khoa học đối thủ đã tìm cách trì hoãn và loại bỏ vaccine của Salk. Albert Sabin chỉ trích sự kém hiệu quả và nguy cơ của vaccine này, cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy nó mang lại khả năng miễn dịch lâu dài và chủng bại liệt số 1 mà vaccine của Salk sử dụng có độc lực cao đến mức nếu còn bất kỳ virus sống nào trong vaccine, đứa trẻ được tiêm có thể tử vong. Sabin cho rằng chỉ có vaccine đường uống, với virus sống đã bị giảm độc lực do ông tự nghiên cứu, mới thực sự làm được mọi thứ mà vaccine phải làm.

Cuộc thử nghiệm vaccine khổng lồ

Nhưng bất chấp những lời cảnh báo đó, hầu hết công chúng Mỹ đều tin vào vị cứu tinh Jonas Salk và đăng ký cho con họ tham gia cuộc thử nghiệm lớn. Trong lịch sử, thuốc chủng ngừa bệnh dại không được gọi là thuốc Pasteur; vaccine ngừa sốt vàng da chưa bao giờ được gọi là thuốc Theiler; Cũng không người dân thường nào có thể kể tên những người đã phát triển ra vaccine ho gà, bạch hầu, cúm, uốn ván, thương hàn hoặc viêm não. Nhưng thời đó, người ta đã gọi đích danh vaccine bại liệt do Salk phát triển là “vaccine Salk” để tỏ lòng yêu mến ông.

Chú thích ảnh
Y tá tiêm phòng vaccine bại liệt thử nghiệm của Tiến sĩ Salk cho các em nhỏ tiểu học ở Pittsburgh năm 1954. Ảnh: Getty Images

Đó là một cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn nhất từ ​​trước đến nay, được tiến hành theo kế hoạch vào ngày 26/4/1954, với gần 1,5 triệu người tham gia. Hơn 600.000 người trong số họ được tiêm vaccine (số còn lại được tiêm giả dược). Phần lớn những người này đã tiêm đủ ba mũi vaccine Salk, hai mũi đầu cách nhau một tuần và mũi thứ ba sau đó một tháng, đều tiêm vào bắp tay.

Hàng chục nghìn bác sĩ, y tá, hiệu trưởng và giáo viên, cùng hàng trăm nghìn tình nguyện viên đã tham gia thử nghiệm. Nhà chức trách chi tới hơn 34 triệu USD (giá trị thời đó) cho nghiên cứu sơ bộ, thử nghiệm và 27 triệu liều vaccine đã sẵn sàng đưa vào sử dụng trong năm 1955.

Những nỗ lực và cố gắng của Jonas Salk cuối cùng đã được đền đáp. Đúng một năm sau, ngày 12/4/1955, Tiến sĩ Francis tuyên bố vaccine Salk được xác nhận là an toàn và hiệu quả. Chuông ngân vang trên khắp nước Mỹ, các bậc phụ huynh và giáo viên mừng rơi nước mắt vì từ nay trẻ em không còn phải sống trong sợ hãi nữa. Tối hôm đó, trên talk-show “See It Now”, nhà báo lừng danh Edward R. Murrow hỏi Salk rằng ai sẽ nắm bản quyền vaccine bại liệt. “Chà, tôi có thể nói đó là nhân dân” - Salk trả lời. “Không có bản quyền nào cả. Liệu anh có thể đăng ký bản quyền Mặt trời không?”.

Xem tiếp Kỳ cuối: VINH QUANG VÀ TỦI NHỤC

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New Atlantic)
Jonas Salk, vị cứu tinh của nhân dân Mỹ trong đại dịch bại liệt - Kỳ cuối
Jonas Salk, vị cứu tinh của nhân dân Mỹ trong đại dịch bại liệt - Kỳ cuối

Vinh quang thuộc về Jonas Salk. Ông giống như một đấng Cứu thế trong mắt người Mỹ. Bệnh bại liệt từng khiến từ 13.000 -20.000 đứa trẻ bị liệt mỗi giờ đây đã có vaccine ngăn ngừa. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN