Đi theo tiếng gọi của phương Tây
Ngày 29/11/1947, Đại hội đồng Liên hợp quốc biểu quyết thông qua Nghị quyết số 181 về việc phân trị Palestine. Tin tức vừa loan, người Do Thái ở Palestine như vỡ òa trong niềm sung sướng. Văn phòng đại diện của người Do Thái tại Palestine trong chốc lát đã "thoát thai" trở thành Chính phủ lâm thời Israel. Nhiều nhân sĩ cánh tả không thể chờ thêm nữa, lên tiếng kêu gọi xây dựng một bản hiến pháp mang phong cách Liên Xô nhằm đặt nền móng pháp lý cho việc Israel chính thức trở thành nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Thậm chí, một vị cựu Tổng tư lệnh của Haganah còn đích thân đến phòng làm việc của Ben Gurion thuyết phục nhà lãnh đạo này nên gia nhập phe xã hội chủ nghĩa sau khi quốc gia Do Thái giành được độc lập. Trong suy nghĩ của vị Tổng tư lệnh đó, việc đứng trong hàng ngũ những nước xã hội chủ nghĩa có lợi hơn nhiều so với việc phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây. Bên cạnh đó, thực tế còn cho thấy tới năm 1947, đại đa số tướng lĩnh chỉ huy Haganah có tình cảm tốt với Liên Xô.
Tuy nhiên, điều mà những nhân sĩ cánh tả không thể ngờ tới là Gurion không những cự tuyệt với yêu cầu của vị cựu Tổng tư lệnh kia, mà còn dùng cả uy quyền của mình để ngăn chặn những quan chức của Haganah truyền bá tư tưởng thân Liên Xô ra ngoài. Rõ ràng, trong bối cảnh cuộc đấu tranh giữa Mỹ và Liên Xô đang diễn ra quyết liệt, Gurion không dám đưa ra một quyết định nào mang tính "nhất biên đảo": hoặc là đứng hẳn về phía Mátxcơva hoặc là vào chung chiến tuyến với Oasinhtơn. Đặc biệt là khi đó, Gurion cùng các chiến hữu của mình đang tìm kiếm nguồn chi viện tài chính từ những đoàn thể xã hội Do Thái giàu có ở các nước Âu-Mỹ. Thậm chí, để có được sự tiếp tế từ phương Tây, những nhân vật thuộc phái Gurion còn lớn tiếng hô hào: "Có tiền mới có nhà nước Do Thái" và phát đi tín hiệu: "Quyết không cho phép 'nhuộm đỏ' nhà nước Do Thái".
Ngày 14/5/1948, Israel tuyên bố lập quốc. Chỉ vài giờ sau khi lễ lập quốc kết thúc, Israel đã phải hứng chịu đòn hợp vây của 5 nước Arập. Cuộc Chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất bùng nổ, các nhân viên vũ trang của Haganah lùi dần, lùi dần và cuối cùng là tháo chạy trước những đòn tấn công mãnh liệt của quân đội 5 nước Arập. Trong khi đó, những thành viên Irgun vốn không nghe theo mệnh lệnh của chỉ huy lại càng làm cho vấn đề phức tạp thêm. Bởi hành động tấn công của các phần tử này nhằm vào một số thôn trang Arập đã trực tiếp làm tổn hại tới hình ảnh quốc tế của Israel.
Ngày 26/5, Chính phủ Israel ban hành Luật Lực lượng vũ trang quốc gia, sau đó chính thức thông qua mệnh lệnh xây dựng quân đội, chỉ rõ: "quân quốc phòng" là lực lượng vũ trang hợp pháp duy nhất của Ixraen, đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của tất cả các tổ chức vũ trang khác. Nhưng việc quân đội mới thành lập của Ixraen không mang tên "quân đội cách mạng" hay "quân đội nhân dân" đã làm cho rất nhiều thành viên Haganah phẫn nộ. Họ kéo nhau đệ đơn từ chức. Gurion phải tìm mọi cách khuyên giải, đồng thời cam kết sẽ kết nạp phần lớn thành viên Haganah vào làm lực lượng chủ lực của "quân quốc phòng" mới khiến những người này rút đơn về.
Ngày 20/6, tàu hàng mang tên Altalena của tổ chức Irgun chở theo những kiện súng đạn từ châu Âu trở về, sắp tới vùng biển ngoài khơi Tel Aviv thì bị chặn lại. Gurion ra lệnh tịch thu toàn bộ số vũ khí trên tầu Altalena và giải giáp vũ trang đối với tổ chức Irgun với lý do vi phạm Luật Lực lượng vũ trang quốc gia. Menachem Begin, nhân vật lãnh đạo Irgun lúc đó, không bao giờ nghĩ rằng Gurion sẽ ra tay với mình, nên ra lệnh cho thuộc cấp trên tầu Altalena kháng cự đến cùng. 16 giờ chiều ngày 22/6, đại bác của quân quốc phòng bắn chìm tầu Altalena. Hơn 200 thành viên Irgun, trong đó có Begin bị tống vào ngục giam với tội danh phản quốc. Nhưng hành động này của Gurion không đơn giản là nhằm loại bỏ nỗi lo canh cánh trong lòng (sự tồn tại của Irgun), mà còn có ý nghĩa bắn đi tín hiệu cảnh cáo đối với thế lực cánh tả do Haganah làm đại diện: "Nếu đi theo Liên Xô cũng sẽ chuốc lấy hậu quả như Irgun".
Dưới sự giúp đỡ bí mật của Liên Xô, Israel cuối cùng cũng vượt qua cơn hiểm nguy từ cuộc Chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất. Tuy nhiên, những nhân vật lãnh đạo Ixraen khi đó đã không đi theo con đường Stalin dự trù. Ngược lại, trước sự sức hấp dẫn của những khoản viện trợ kinh tế, Tel Aviv đã dần dần nghiêng về phe phương Tây. Điều này cũng được khẳng định trong những bản báo cáo tình báo do điệp viên KGB cài cắm ở Israel, Vladimir Wellkiboron, gửi về Mátxcơva. Wellkiboron chỉ rõ Chính phủ Công Đảng của Ixraen do Gurion lãnh đạo đã xác định lại chính sách quốc gia và đường lối chính trị hợp tác chặt chẽ với Mỹ của Tel Aviv là không thể thay đổi. Rốt cuộc, Stalin cũng biết được Israel đã đưa ra sự lựa chọn chính trị cuối cùng. Đó chính là lý do Mátxcơva chuyển sang ủng hộ các nước Arập.
Minh Thành (Theo báo Trung Quốc)