Kỳ 2: Liên Xô từng cung cấp vũ khí cho người Do Thái thông qua đồng minh
Ngược lại với nghĩa cử cao đẹp của Liên Xô: cứu người Do Thái khỏi họa diệt chủng từ tay phát xít Đức, sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, tại vùng đất Palestine, chính quyền Anh lại "trở mặt" với người Do Thái. Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Luân Đôn đã đồng ý thành lập Lữ đoàn Do Thái, gồm hơn 5.000 quân tình nguyện Do Thái từ Palestine và chấp nhận để lá cờ phục quốc Do Thái làm chiến kỳ của lữ đoàn này.
Nhưng khi những khó khăn trong chiến tranh qua đi, người Anh đã ra lệnh tịch thu vũ khí, thậm chí còn tiến hành bắt giữ, đưa ra tòa nhiều thành viên Haganah, tiêu biểu là trường hợp Eliahu Sacharoff, bị kết án 7 năm tù chỉ vì sở hữu 2 viên đạn nhiều hơn so với giấy phép. Người Do Thái tỏ ra bất mãn với những chính sách nước Anh cho thực thi trên đất Palestine. Điều đó cũng dễ hiểu bởi: vì dầu lửa, người Anh tìm cách lấy lòng khối Arập bằng việc hạn chế số người Do Thái di cư và hạn chế người Do Thái mua đất đai ở Palestine, gián tiếp gây ra cái chết cho hàng nghìn người Do Thái trên những con tầu di cư nhưng bị trục xuất, không cho cập cảng vào đất Palestine.
Đúng lúc này, nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô Joseph Stalin cũng chú ý tới những thay đổi trên mảnh đất Palextin. Stalin rất hy vọng ở đây sẽ có một quốc gia Do Thái thân Liên Xô để từ đó phá vỡ vòng vây của chủ nghĩa đế quốc đang hình thành ở khu vực Trung Cận Đông. Năm 1947, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thành lập Ủy ban tình báo, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Stalin. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ủy ban này là nỗ lực thúc đẩy sự ra đời của một nhà nước Do Thái ở Trung Đông và khuyến khích nhà nước đó gia nhập phe xã hội chủ nghĩa. Như một bước đi phối hợp, Stalin còn nới rộng những hạn chế đối với những người Do Thái Liên Xô di cư đến Palestine và chỉ thị cho Tổng cục trưởng Tổng cục Trung Đông và Viễn Đông thuộc Ủy ban tình báo Andrea lựa chọn, tuyển mộ một số người Do Thái di cư, huấn luyện, bồi dưỡng làm nhân viên tình báo nhằm đảm bảo nhà nước Do Thái tương lai sẽ gia nhập phe Liên Xô.
Một buổi tập luyện của thành viên Haganah. |
Không để người Do Thái thất thế trong các cuộc xung đột quân sự với người Arập, Stalin còn chỉ thị cho ngành hải quan và tình báo tạo điều kiện thuận lợi cho những cựu chiến binh Liên Xô gốc Do Thái đã từng tham gia Chiến tranh Thế giới hoặc làm công tác đấu tranh địch hậu rời Liên Xô, sang Palestine làm giáo viên giảng dạy kiến thức quân sự, huấn luyện cho các thành viên Haganah. Cuối năm 1947, trong số 25.000 chiến binh của Haganah thì có đến hơn 1/3 là từ Liên Xô tới. Đặc biệt, tiếng Nga còn được sử dụng như một thứ ngôn ngữ chính thức trong các lực lượng chủ chốt của Haganah như thiết giáp, pháo binh, không quân. Sau năm 1947, khi Anh sắp hết quyền ủy trị đối với vùng đất Palextin như Liên hợp quốc giao phó, người Do Thái và người Arập cũng đã sẵn sàng "ngửa bài" với nhau. Nhằm tăng cường thực lực cho Haganah, Ben Gurion chạy đôn chạy đáo khắp nơi lùng mua vũ khí đạn dược. Các quốc gia phương Tây, gồm cả Mỹ ngoảnh mặt làm ngơ. Trong khi đó, lượng vũ khí mà các đoàn thể xã hội của người Do Thái ở các nước mua qua đường buôn lậu lại nhỏ giọt, không thể đáp ứng nhu cầu trang bị của Haganah.
Sau khi biết được điều đó, Mátxcơva đã quyết định bán vũ khí cho người Do Thái thông qua đồng minh Tiệp Khắc. Ngày 1/4/1948, chiếc tầu hàng mang tên Norah chở đầy vũ khí, được ngụy trang trong những kiện hàng "máy móc nông nghiệp" khởi hành đi Palestine. Cho đến khi Chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất bùng nổ, Liên Xô và Tiệp Khắc là hai nước cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Israel. Không những vậy, Liên Xô và Tiệp Khắc còn cung cấp sân bay chuyên dụng, xác lập hành lang trên không để giúp Ixraen huấn luyện phi công, lính dù.
Minh Thành (Theo báo Trung Quốc)
Đón đọc kỳ cuối: Đi theo tiếng gọi của phương Tây