Hồi giáo trong chiến lược của Hitler - Kỳ cuối

Việc người Đức không thể phân biệt các nhóm Karaite và Krymchak, vốn trên thực tế đều là những cộng đồng Do Thái, quả là điều “ấn tượng”. Cuối cùng, nhóm Karaite được xác định là người sắc tộc Thổ và được tha trong khi nhóm Krymchak bị coi là người sắc tộc Do Thái và bị giết hại.

 THỰC TẾ PHŨ PHÀNG CỦA CHIẾN TRANH

Ở các khu vực biên giới miền Nam Liên Xô, các đội hành quyết của Đức quốc xã vẫn gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa người Hồi giáo và người Do Thái. Khi Đội hành quyết D bắt đầu tàn sát người Do Thái ở Caucasus và Crimea, nhóm này gặp phải một tình huống đặc biệt liên quan đến ba cộng đồng Do Thái vốn cư ngụ lâu đời sát cạnh người Hồi giáo và chịu ảnh hưởng của đạo Hồi, gồm Karaite và Krymchak ở Crimea và Judeo-Tat ở Bắc Caucasus. 

Tại Crimea, các quan chức SS lúng túng khi gặp các cộng đồng Karaite và Krymchak nói tiếng Thổ. Khi thăm Simferopol vào tháng 12/1941, hai sĩ quan quân đội Đức là Fritz Donner và Ernst Seifert đã ghi lại một chi tiết thú vị: Phần lớn những người Do Thái này ở Crimea giữ đức tin Hồi giáo, trong khi cũng có những nhóm chủng tộc vùng Cận Đông không mang đặc trưng của người Do Thái lại theo đạo Do Thái.

Binh sĩ Hồi giáo trong lực lượng SS đọc cuốn “Hồi giáo và Do Thái giáo”.

Việc người Đức không thể phân biệt các nhóm Karaite và Krymchak, vốn trên thực tế đều là những cộng đồng Do Thái, quả là điều “ấn tượng”. Cuối cùng, nhóm Karaite được xác định là người sắc tộc Thổ và được tha trong khi nhóm Krymchak bị coi là người sắc tộc Do Thái và bị giết hại. Theo ông Walter Groß, Trưởng phòng Chính sách chủng tộc thuộc đảng Quốc xã, sở dĩ nhóm Karaite không bị ngược đãi là do họ có mối quan hệ gần gũi với những đồng minh Tatar Hồi giáo.

Ở Caucasus, các đại diện của cộng đồng Judeo-Tat - một nhóm thiểu số là nhánh của các tộc người Iran, đã nêu cảnh ngộ của mình cho nhà chức trách Đức. Sau đó lực lượng SS bắt đầu điều tra, đến thăm các ngôi nhà, tham dự các buổi lễ và tìm hiểu các phong tục của cộng đồng này. Walther Bierkamp, Đội trưởng Đội hành quyết D, đã đích thân đến thăm một ngôi làng của người Judeo-Tat ở khu vực Nalchik. Trong chuyến thăm này, người Judeo-Tat hết sức hiếu khách và Bierkamp nhận ra rằng ngoài niềm tin tôn giáo ra thì họ không có điểm nào giống với người Do Thái. Bên cạnh đó ông cũng cảm nhận được đạo Hồi ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống của họ, điển hình là người Judeo-Tat cũng có phong tục đa thê. Vậy là, Bierkamp nhanh chóng ra lệnh không làm hại những người này.

Ở các vùng chiến sự khác, nhà chức trách Đức Quốc xã và các “cộng tác viên” địa phương cũng bị nhầm lẫn giữa người Do Thái và người Hồi giáo, đặc biệt ở khu vực Balkan. Nhiều người Do Thái “khao khát” vị thế đặc quyền của người Hồi giáo ở nước Ustaša (Croatia), cho rằng vị thế đó sẽ giúp họ tránh bị ngược đãi. Bởi vậy, không ít người Do Thái đã tìm cách chính thức cải sang đạo Hồi với hy vọng thoát khỏi sự áp chế và trục xuất.

Binh sĩ Hồi giáo do Đức quốc xã chiêu mộ thực hành cầu nguyện năm 1943

Chỉ tính riêng ở Sarajevo, ước tính khoảng 20% dân số Do Thái đã cải sang đạo Hồi hay Thiên chúa giáo trong khoảng thời gian từ 4 -10/1941. Đến mùa thu cùng năm đó, chính quyền Ustaša đã chính thức can thiệp, cấm đoán việc cải đạo và thậm chí những người đã cải đạo rồi vẫn không được yên thân, bởi theo quan điểm của chính quyền Đức và Ustaša, chủng tộc, chứ không phải tôn giáo, mới là yếu tố xác định đâu là người Do Thái. Mặc dù vậy, một số người Do Thái cải đạo hoặc không cải đạo đã trốn thoát được nhờ cải trang thành người Hồi giáo. Một số, kể cả đàn ông và phụ nữ, đeo khăn trùm mặt Hồi giáo.

Cuối cùng, các cuộc tàn sát những người Di-gan ở châu Âu đã liên quan trực tiếp đến Hồi giáo. Khi quân đội Đức bắt đầu rà soát những vùng lãnh thổ chiếm đóng từ Liên Xô, họ sớm bắt gặp nhiều người Di-gan Hồi giáo. Trên thực tế, đa số người Di-gan ở Crimea theo đạo Hồi. Trong nhiều thế kỷ họ đã hòa nhập với các cộng đồng Tatar. Ngược lại, người Tatar cũng thể hiện sự đoàn kết đáng kể đối với người Di-gan. Các đại diện Hồi giáo cấp cao đã nhiều lần đề nghị chính quyền Đức bảo vệ những người Di-gan có chung tín ngưỡng với họ.

Với sự giúp đỡ của người Tatar, nhiều người Di-gan Hồi giáo đã đóng giả là người Tatar để tránh bị trục xuất. Một số thì sử dụng đạo Hồi. Một ví dụ điển hình là vụ vây hãm người Di-gan ở Simferopol hồi tháng 12/1941, trong đó những người bị bắt cố gắng thể hiện các hành vi, biểu tượng tôn giáo để thuyết phục người Đức rằng họ đã bắt nhầm đối tượng.

Mùa Hè năm 1941, người Di-gan kiến nghị lên Ủy ban Hồi giáo về việc họ bị phân biệt đối xử. Sau đó, một phái đoàn Hồi giáo cấp cao đã kiến nghị Berlin rằng người Di-gan Hồi giáo cần được xem như một phần của cộng đồng Hồi giáo và bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào họ cũng sẽ bị coi là hành động chống lại đạo Hồi. Vì muốn tranh thủ sự ủng hộ của người Hồi giáo, các quan chức Ustaša và Đức rốt cuộc đã trao “quyền miễn trừ” cho người Di-gan.

Trong quá trình thực thi các chính sách ủng hộ người Hồi giáo, giới chức Đức đã không tính đến thực tế rằng một số cộng đồng (được xác định về mặt tôn giáo) Hồi giáo mà họ muốn lôi kéo làm đồng minh lại có thể chính là những nhóm (được xác định về mặt chủng tộc) nằm trong danh sách đen diệt chủng.

Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến, khi ẩn náu trong boong-ke ở Berlin, Hitler đã than thở rằng những nỗ lực của Đệ tam Đế chế nhằm huy động thế giới Hồi giáo đã thất bại bởi những cố gắng muộn màng đó chưa đủ mạnh và còn thường xuyên đi ngược lại những thực tế “phũ phàng” của chiến tranh. Quan trọng hơn, Berlin đã không tạo được uy tín trong cam kết bảo vệ người Hồi giáo, bởi hầu hết người Hồi giáo trong các vùng chiến sự đều hiểu rằng họ sẽ chỉ phục vụ những lợi ích chính trị ngoại đạo mà thôi.

Người Đức cũng không thể khơi dậy một cuộc nổi dậy Hồi giáo quy mô lớn chống lại phe Đồng minh. Mặc dù hàng chục nghìn người Hồi giáo đã được tuyển mộ vào quân đội Đức, tuy nhiên, Anh, Pháp và Liên Xô lại thành công hơn trong lời “hiệu triệu” các tín đồ của Allah. Hàng trăm nghìn tín đồ Hồi giáo đã chiến đấu bên cạnh các lực lượng chống phe Trục. Chỉ riêng các vùng lãnh thổ Bắc Phi do Pháp kiểm soát, có tới 250.000 người Hồi giáo ghi tên tham gia các đơn vị của Tướng Charles de Gaulle (1890 - 1970), góp phần đáng kể vào những chiến dịch giải phóng châu Âu.

Xem từ Kỳ 1: Công cụ hóa đạo Hồi
Huy Lê
Hồi giáo trong chiến lược của Hitler - Kỳ 3
Hồi giáo trong chiến lược của Hitler - Kỳ 3

Từ năm 1941 trở đi khi cục diện chiến tranh thay đổi theo hướng bất lợi cho phe Trục, quân đội Đức và lực lượng SS đã tuyển mộ hàng chục nghìn người Hồi giáo, bao gồm những người từ Bosnia, Tatar ở Crimea, Caucasus và Trung Á, chủ yếu là nhằm tránh cho người Đức phải đầu rơi máu chảy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN