Hitler và những biện pháp kích thích tinh thần binh lính

Phát xít Đức thường xuyên biện minh cho chủ trương cấm uống rượu với lý do cải thiện sức khỏe người dân. Thế nhưng trong các cuộc tấn công chớp nhoáng, chúng không hề buông lời ca thán về việc binh sĩ thường xuyên sử dụng chất kích thích và rượu bia. Speed (một chất kích thích dòng amphetamine tạo cảm giác khỏe mạnh và hứng khởi) là lựa chọn hàng đầu nhưng đã khiến nhiều lính Đức mắc nghiện.

“Thần dược”

Trong một lá thư đề ngày 9/11/1939 gửi cho gia đình tại thành phố Cologne, một người lính trẻ đóng quân tại Ba Lan, lúc đó đang bị Đức chiếm đóng, đã viết: "Chiến sự ở đây ác liệt lắm. Con muốn mọi người thông cảm nếu thời gian tới phải 2 hoặc 4 ngày con mới viết thư về nhà được. Lần này con viết thư chủ yếu muốn nhà gửi thêm thuốc Pervitin…; Kính thư, Hein". Pervitin là một chất kích thích ngày nay thường được biết đến với tên gọi speed, là "thần dược" của Lực lượng Vệ quốc (Wehrmacht).

Lính Đức quốc xã ngày càng lệ thuộc vào chất kích thích và rượu để duy trì tinh thần chiến đấu.


Ngày 20/5/1940, anh lính 22 tuổi này lại viết thư cho gia đình: "Ở nhà có thể gửi thêm cho con ít thuốc Pervitin để dự phòng không?" Và trong một lá thư gửi từ thành phố Bromberg đề ngày 19/7/1940, anh ta đã viết: "Nếu có thể thì hãy gửi thêm cho con ít Pervitin". Tác giả của những lá thư trên sau này chính là nhà văn nổi tiếng Heinrich Boell. Năm 1972, ông trở thành người Đức đầu tiên được nhận giải Nobel văn học trong thời kỳ hậu chiến.

Rất nhiều quân lính của Wehrmacht sử dụng Pervitin liều cao khi tham gia chiến đấu, đặc biệt là trong những trận chiến với Ba Lan và Pháp. Nửa đầu thập kỷ 1940, quân Đức được cấp hàng triệu viên methamphetamine (hồng phiến). Những viên thuốc này nằm trong kế hoạch giúp cho các phi công, thủy thủ và lính bộ binh có được khả năng "kỳ diệu". Không chỉ có thế, các chỉ huy quân đội còn cấp cho binh lính cả rượu và thuốc phiện vì tin rằng đội quân với sự trợ giúp của thuốc sẽ làm nên chiến thắng trước quân Đồng minh. Tuy nhiên, Đức quốc xã lại không hề bận tâm tới những tác dụng phụ của việc này như nghiện thuốc hoặc suy đồi đạo đức.

Chất kích thích Pervitin được vận chuyển cho lính Đức quốc xã trên chiến trường.


Sau khi ra mắt thị trường vào năm 1938, Pervitin, một chất kích thích thuộc dòng methamphetamine mới được công ty dược có trụ sở tại Béclin nghiên cứu, đã nhanh chóng tạo nên một cơn sốt trong dân Đức. Chất amphetamine có tác dụng tương tự như adrenaline do cơ thể sản sinh khi ở trong tình trạng hưng phấn cao. Đối với hầu hết mọi người, adrenaline giúp họ tăng sự tự tin, khả năng tập trung và ý chí sẵn sàng mạo hiểm, đồng thời làm giảm cảm giác đau đớn, đói khát và nhu cầu ngủ. Theo một bài viết đăng trên tuần báo Klinische Wochenschrift, tháng 9/1939, Giám đốc Viện Đa khoa và Sinh lý quốc phòng thuộc Học viện Quân y ở Béclin, Otto Ranke, đã cho tiến hành thử nghiệm thuốc này trên 90 sinh viên và đưa ra kết luận rằng Pervitin có thể giúp quân Đức chiến thắng. Lúc đầu, Pervitin được thử nghiệm trên các lái xe quân sự tham gia vào chiến dịch xâm lược Ba Lan. Sau đó, theo nhà nghiên cứu tội phạm Wolf Kemper, thuốc được cấp "vô tội vạ" cho binh sĩ trên chiến trường.

Chỉ trong quãng thời gian ngắn từ tháng 4 đến tháng 7/1940, hơn 35 triệu viên Pervitin và Isophan (một phiên bản thuốc có điều chỉnh nhỏ trong thành phần hóa học do công ty dược phẩm Knoll sản xuất) đã được chuyển cho lục quân và không quân Đức. Mỗi viên thuốc đều chứa khoảng 3 miligam chất kích thích, được gửi cho các đơn vị quân y với mật danh OBM, rồi sau đó tới thẳng tay binh lính. Trong trường hợp khẩn cấp, các đơn vị có thể đặt hàng trực tiếp qua điện đàm. Các gói hàng đều được dán nhãn "Chất kích thích" kèm theo hướng dẫn sử dụng với liều dùng 1-2 viên "chỉ trong trường hợp cần thiết để chống buồn ngủ".

Cho dù vậy, các bác sỹ vẫn lo ngại giai đoạn hồi phục sau khi dùng thuốc sẽ ngày càng kéo dài và tác dụng giảm dần nếu dùng thường xuyên. Trong một vài trường hợp, người dùng cũng gặp những vấn đề sức khỏe như đổ mồ hôi quá nhiều hoặc rối loạn tuần hoàn, cá biệt có trường hợp tử vong. Leonardo Conti, Bộ trưởng Y tế của Đệ tam quốc xã, tin tưởng vào chủ nghĩa khổ hạnh của Adolf Hitler, đã cố gắng hạn chế việc sử dụng thuốc nhưng không mấy thành công. Mặc dù từ ngày 1/7/1941, Pervitin được xếp vào danh mục thuốc hạn chế sử dụng, 10 triệu viên thuốc đã được chuyển tới cho binh lính trong năm đó nhờ đạo luật về thuốc phiện.

Pervitin dần trở thành một loại thuốc "mặc định" kê toa khi binh sĩ có triệu chứng căng thẳng quá độ. Một bản ghi nhớ của các sĩ quan quân y hải quân chỉ rõ: "Tất cả sĩ quan quân y phải nhận thức rõ Pervitin là một chất kích thích mạnh, một công cụ cho phép họ, vào bất cứ thời điểm nào, giúp những cá nhân nhất định trong phạm vi thẩm quyền đạt được thành tích trên trung bình một cách nhanh chóng và hiệu quả".

Hiệu quả được thấy rõ. Tháng 1/1942, một đơn vị gồm 500 lính Đức đồn trú ở mặt trận phía đông bị Hồng quân Liên Xô bao vây đã lên kế hoạch đào thoát. Nhiệt độ lúc đó là âm 30 độ C. Một bác sĩ quân y của đơn vị này đã viết trong báo cáo rằng khoảng nửa đêm, 6 tiếng trước khi đào thoát qua lớp tuyết dày ngang thắt lưng, ngày càng có nhiều binh sĩ kiệt sức và bắt đầu nằm gục xuống tuyết. Các sĩ quan chỉ huy quyết định phát thuốc Pervitin cho họ và nửa giờ sau, quân lính bắt đầu thấy khỏe hơn, tinh thần tăng lên rõ rệt.

Phải mất gần 6 tháng bản báo cáo này mới tới được sở chỉ huy quân y cấp cao. Thế nhưng đáp lại chỉ là những mệnh lệnh tiếp tục cho sử dụng Pervitin, với những khuyến cáo nguy cơ tiềm ẩn chẳng khác gì so với những văn bản trước đó. Cuốn "Hướng dẫn cách phát hiện và chống mệt mỏi" phát hành ngày 18/6/1942 cũng giống hệt như trước: "Mỗi lần dùng 2 viên để chống buồn ngủ trong vòng 3-8 tiếng đồng hồ, liều dùng gấp đôi thường có tác dụng tới 24 giờ".

Vào thời điểm gần kết thúc cuộc chiến, Đức quốc xã thậm chí vẫn tiếp tục nghiên cứu một loại “thần dược” cho quân đội. Ngày 16/3/1944 tại cảng biển Kiel ở miền bắc, Phó Đô đốc Hellmuth Heye, sau này trở thành nghị sĩ của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và giám đốc ủy ban quốc phòng của quốc hội Đức, đã ra yêu cầu về một loại thuốc giúp binh lính ở trạng thái sẵn sàng khi họ được lệnh tiếp tục chiến đấu trong thời gian dài hơn bình thường.

Không lâu sau, dược sĩ Gerhard Orzechowski ở Kiel đã giới thiệu với Heye một viên thuốc có tên gọi D-IX. Viên thuốc này chứa 5 miligam côcain, 3 miligam Pervitin và 5 miligam Eukodal (một loại thuốc giảm đau gốc morphine) và loại thuốc này đã được thử nghiệm với các thành viên thủy thủ đoàn trên các tàu ngầm loại nhỏ nhất, gồm "Seal" và "Beaver".

Rượu và morphine

Rượu cũng rất phổ biến trong quân đội Đức. Nói về rượu, Walter Kittel, một viên tướng quân y, cho rằng chỉ có những kẻ cuồng tín mới cấm binh lính dùng thứ gì đó giúp anh ta thư giãn và hưởng thụ cuộc sống sau khi anh ta phải đối mặt với những nỗi kinh hoàng trong trận chiến và cũng chỉ có những kẻ đó mới trách phạt lính tráng vui một chén với đồng đội. Các sĩ quan dùng rượu làm phần thưởng trong đơn vị và rượu schnapp là loại thường chất đầy kho để bán. Đây cũng là một cách khá "thú vị" để thu lại số tiền lương và phụ cấp của lính tráng.

Chất kích thích cũng là một "vấn nạn" ở hậu phương của Đức quốc xã.


"Bộ chỉ huy quân sự đã nhắm mắt làm ngơ trước việc uống rượu, miễn là không gây ra tình trạng say xỉn tập thể trong đơn vị", Peter Steinkamp, một sử gia ở Freiburg và là một chuyên gia về vấn đề lạm dụng chất kích thích trong quân đội Đức, nói.

Nhưng vào tháng 7/1940, sau khi Pháp thất trận, Hitler đã ra sắc lệnh như sau: "Tôi mong rằng các thành viên của Wehrmacht để bản thân phạm tội do lạm dụng rượu sẽ bị phạt nặng". Các hình phạt nặng thậm chí bao gồm cả "cái chết ô nhục".

Tuy nhiên, sự cám dỗ từ rượu rõ ràng mạnh hơn lời đe dọa của lãnh đạo Đệ tam quốc xã. Chỉ một năm sau, Tổng Tư lệnh quân đội Đức, tướng Walther von Brauchitsch, đã kết luận rằng quân của ông ta đang vi phạm đạo đức và kỷ luật "nghiêm trọng nhất", và nguyên nhân là do quá lạm dụng chất cồn. Ông ta đã liệt kê vài ảnh hưởng có hại từ lạm dụng chất cồn gồm đánh lộn, tai nạn, cư xử không đúng với cấp dưới, sử dụng vũ lực với cấp trên và thậm chí là những tội danh liên quan đến "hành vi tình dục không tự nhiên". Viên tướng này tin rằng rượu đang phá hỏng kỷ luật quân đội.

Theo số liệu nội bộ của tư lệnh quân y Đức, chỉ từ tháng 9/1939 đến tháng 4/1944 đã có 705 trường hợp tử vong liên quan trực tiếp tới rượu. Số liệu không chính thức có lẽ còn cao hơn nhiều do tai nạn giao thông, tai nạn liên quan đến vũ khí và tự sát diễn ra với cường độ khá thường xuyên với nguyên nhân là uống rượu. Các sĩ quan quân y được lệnh đưa những kẻ nghiện rượu và nghiện chất kích thích đến các cơ sở điều trị. Giải pháp này có ưu thế là có thể kéo dài vô thời hạn. Một khi bị tống vào các cơ sở này, những kẻ nghiện sẽ được đánh giá bằng luật "Bảo vệ người mắc bệnh di truyền" và thậm chí có thể bị triệt sản hoặc nhận cái chết không đau đớn.

Số lượng binh lính bị mù hoặc thậm chí tử vong do sử dụng cồn metyl bắt đầu tăng lên. Kể từ năm 1939, Viện Pháp y thuộc Đại học Béclin liên tục đưa cồn metyl vào danh mục nhân tố hàng đầu gây tử vong do vô ý tiêu hóa độc chất.

Vụ xử một sĩ quan 36 tuổi ở Nauy mùa thu năm 1942 được đưa ra làm gương. Viên sĩ quan này là một lái xe, đã bán 5 lít cồn metyl mà anh ta tuyên bố nặng 98 độ và có thể dùng để chiết xuất rượu, cho một đơn vị bộ binh chống tăng. Một số binh sĩ đã bị ốm và hai người tử vong. Người đàn ông này bị tuyên phạt là "kẻ thù của nhân dân" và nhận án tử hình bằng xử bắn. Theo mệnh lệnh ngày 2/10/1942, "hình phạt sẽ được thông báo rộng rãi trong toàn quân và sẽ được áp dụng thường xuyên".

Thế nhưng rõ ràng lính Đức cảm thấy không gì có thể giúp họ trốn tránh được nỗi kinh hoàng của chiến tranh như rượu. Mặc dù ai cũng biết những nguy hiểm có thể xảy đến nhưng tình trạng nghiện morphine trở nên phổ biến ở những người bị thương và quân y trong suốt thời kỳ chiến tranh. Cho đến năm 1945, số bác sĩ quân y nghiện morphine đã tăng lên gấp bốn lần so với khi cuộc chiến mới bắt đầu.

Franz Wertheim, một sĩ quan quân y được cử tới một ngôi làng nhỏ gần Bức tường phía Đông vào ngày 10/5/1940, đã viết như sau: Để giết thời gian, các bác sĩ chúng tôi tự thử nghiệm lên bản thân. Chúng tôi chào ngày mới bằng một cốc rượu cogmac và tiêm hai mũi morphine. Đến giữa trưa thì côcain thật hữu ích còn thỉnh thoảng chúng tôi dùng Hyoskin (một loại acaloit được chiết xuất từ cây kỳ nham dùng trong ngành y) vào buổi tối". Wertheim cũng nói thêm: "Kết quả là không phải lúc nào chúng tôi cũng kiểm soát được các giác quan của mình".

Để tránh bùng nổ vấn nạn nhiễm độc morphine, giáo sư Otto Wuth, một viên thượng sĩ và nhà tư vấn tâm lý cho bộ chỉ huy quân y cấp cao, đã cho đưa ra "đề xuất chống nhiễm độc morphine" vào tháng 2/1941. Theo đó, tất cả những người bị thương và sau đó mắc nghiện do điều trị cần được báo cáo cho Ủy ban Y tế khu vực, nơi họ sẽ được cung cấp morphine một cách hợp pháp hoặc thường xuyên được theo dõi và gửi tới các trung tâm cai nghiện. Như vậy, những người nghiện sẽ được theo dõi chặt chẽ và không trở thành tội phạm.

Rõ ràng là Đức quốc xã "mềm tay" với những người nghiện thuốc phiện do chiến tranh hơn rất nhiều so với những kẻ nghiện rượu. Người ta cho rằng điều này có thể xuất phát từ khả năng Wehrmacht lo ngại bị kiện vì chính quân đội đã khởi xướng việc phân phối chất kích thích.

Quang Minh (theo Spiegel)

pChất kích thích cũng là một "vấn nạn" ở hậu phương của Đức quốc xã. Ảnh: Internet

pChất kích thích Pervitin được vận chuyển cho lính Đức quốc xã trên chiến trường. Ảnh: Internet

Lính Đức quốc xã ngày càng lệ thuộc vào chất kích thích và rượu để duy trì tinh thần chiến đấu. Ảnh: Internet
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN