Hé lộ bí mật các chiến dịch ngoại giao ngầm giữa Cuba và Mỹ - Kỳ 3

Sau hơn 4 năm trong tù, Alan Gross rơi vào trạng thái tuyệt vọng trước sự thụ động của chính phủ Mỹ trong việc giành lại tự do cho ông và thậm chí từng tính tới phương án không tưởng là tự vượt ngục, như lời thú nhận của ông với nhà sử học Kornbluh trong lần thăm tù năm 2013.

“QUẢ BOM HẸN GIỜ” ALAN GROSS

Nhà thầu này khi đó tự ví mình “như một quả bom hẹn giờ có thể kích nổ bất cứ lúc nào”. Tháng 4/2014, Gross tiến hành một cuộc tuyệt thực 10 ngày nhằm gây sức ép đòi chính quyền Tổng thống Barack Obama phải nhanh chóng tiến tới một thỏa thuận để ông được phóng thích.

Khi mẹ của Gross, bà Evelyn, người đã 92 tuổi và đang ốm thập tử nhất sinh, chuyển bệnh vào cuối tháng 5/2014, các nhà đàm phán Cuba đã hối thúc các đối tác Mỹ trong một cuộc gặp tại Ottawa vào tháng 6/2014 sớm thực hiện cuộc trao đổi tù nhân với e ngại rằng Gross sẽ tự tử vì tuyệt vọng khi mẹ ông qua đời. Bên cạnh lý do nhân đạo, phía Mỹ cũng có lý do để lo ngại vì nếu Gross chết trong nhà tù Cuba, một sự thay đổi chính sách của Mỹ với đảo quốc này sẽ là không thể.

Alan Gross và vợ trên máy bay trở về Mỹ sau khi được phía Cuba phóng thích.

Tới thời điểm đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mở một kênh liên lạc thứ hai bằng các cuộc điện đàm thường xuyên với người đồng cấp Cuba Bruno Rodríguez. Thậm chí, khi bà Evelyn hấp hối, ông Kerry từng đề xuất cho Gross trở về Texas gặp bà lần cuối, với điều kiện đeo một vòng định vị và luật sư của ông, Scott Gilbert, sẽ tình nguyện thay thế vị trí giam giữ tại Cuba cho tới khi Gross trở lại. Nhưng La Habana đã từ chối phương án này vì cho rằng quá phiêu lưu, và khi bà Evelyn mất vào tháng 6/2014, ông Kerry đã cảnh báo phía Cuba: “Sẽ không bao giờ cải thiện được quan hệ với Mỹ” nếu Gross có mệnh hệ khi vẫn bị La Habana giam giữ. 

Khi đó, người đóng vai trò khuyến khích và trấn an Gross chính là luật sư Scott Gilbert. Bên cạnh những chuyến thăm liên tục thân chủ của mình, ông Gilbert thậm chí còn đóng vai trò con thoi đi lại giữa các Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Mỹ, các nhóm nghị sĩ quan tâm tới vấn đề, cũng như các nhà chức trách Cuba, và “làm hộ” một số công việc của các quan chức hai bên như viết báo cáo về những can phạm của Mỹ ẩn náu tại Cuba để có thể cùng Gross trao đổi với các điệp viên “bộ ngũ”, cho ý kiến phê bình từ khía cạnh pháp lý đối với các bản án của nhóm “bộ ngũ”, chuyển thông điệp giữa các bên, với mục đích cung cấp nhiều chọn lựa nhất có thể để hai bên có thể tiến nhanh hơn tới một thỏa thuận phóng thích cho thân chủ của ông. Chỉ riêng trong năm 2014, Gilbert đã tới Cuba 20 lần. Để thông báo cho Gross về các bước tiến trong đàm phán ngầm giữa hai bên liên quan tới số phận của ông, Gilbert đã gửi tin bằng cách lồng vào các biên bản tranh tụng về các vụ kiện của Gross chống chính phủ Mỹ tại tòa án Mỹ, mà luật sư này được quyền để lại sau mỗi lần thăm Gross.

Chiến sỹ tình báo Gerardo Hernandez gặp lại người vợ sau khi trở về Cuba.

Sau khi bà Evelyn qua đời, Gross đã trải qua “những thời khắc thực sự khó khăn”, như lời kể lại của Gilbert, và ông thậm chí từ chối tiếp các cán bộ của Phòng đại diện quyền lợi Mỹ tại Cuba trước đó vẫn đến thăm và tiếp tế định kỳ cho ông, đồng thời nhắn nhủ lời vĩnh biệt tới vợ và con gái. Trong bối cảnh đó, Gilbert -được sự đồng ý từ phía Cuba -đã điện đàm hàng ngày với Gross từ tháng 6 -12/2014 để khuyến khích cựu nhà thầu USAID này ráng chịu đựng thêm, và cuộc điện đàm cuối cùng diễn ra vào đúng ngày 16/12/2017 với lời nhắn nhủ ngắn gọn của Gilbert: “Alan, chúng tôi tới đón anh đây”.

Trong 7 tháng cuối ở tù, ngoài vị luật sư của mình ông Gross còn nhận được hàng ngày những cuộc gọi điện và an ủi thân mật từ Tim Rieser, trợ lý của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy. Ông Rieser được phía Cuba trao đặc ân này sau khi đóng vai trò then chốt trong một biện pháp bất thường bậc nhất để xây dựng lòng tin giữa hai bên trong suốt lịch sử ngoại giao ngầm song phương: nỗ lực giúp vợ của điệp viên Gerardo Hernández được thụ thai với anh từ xa.

Câu chuyện bắt đầu vào đầu năm 2011, khi người đứng đầu Phòng đại diện quyền lợi Cuba tại Mỹ Jorge Bolaños chuyển cho Phó trợ lý Ngoại trưởng Julissa Reynoso một công hàm với đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ giúp thỏa mãn nguyện vọng của chị Adriana Peréz, vợ của Gerardo Hernández được mang thai khi chị đã gần tuổi 40 và chính phủ Cuba vẫn chưa tìm thấy giải pháp nào để giải thoát anh khỏi nhà tù của Mỹ. Nhưng khi bà Reynosso ủy nhiệm cho cán bộ đặc trách về Cuba Peter Brennan để tìm hiểu khả năng tổ chức một chuyến đi bí mật cho chị Peréz tới Mỹ và thực hiện một chuyến thăm thân phối ngẫu với anh Hernández, họ đã nhận được câu trả lời từ Văn phòng liên bang về trại giam rằng điều này là không hợp lệ, và nỗ lực của hai Bộ Ngoại giao để thực hiện cử chỉ nhân đạo này “bị tắt phụt như nến trước gió”, theo lời bình luận sau này của chính bà Reynosso.

Hai năm sau, phía Cuba lặp lại yêu cầu này bằng cách tổ chức cuộc gặp mặt giữa chị Pérez với Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, người khi đó đang thăm Cuba cùng vợ Marcelle và trợ lý Tim Rieser. Ông Leahy nhớ lại: “Đó là một cuộc gặp cảm động. Cô ấy đã nhờ riêng Marcelle (để được có con với người chồng đã ở tù 15 năm và đang chịu 2 án chung thân). Cô sợ rằng sẽ không bao giờ có cơ hội được có 1 đứa con. Là cha mẹ và ông bà, cả hai chúng tôi muốn giúp cô ấy” và nhấn mạnh thêm “Đó là vấn đề nhân đạo, không liên quan gì tới chính sách của 2 nước cả”. Nhưng trên thực tế, sự việc này vẫn có tác động tới quan hệ song phương.

Sau khi trở về Mỹ, ông Leahy đã giao cho Rieser tìm mọi cách giải quyết vấn đề này. Ban đầu, cũng giống như Brennan 2 năm trước, Rieser phát hiện ra rằng một chuyến thăm phối ngẫu là trái luật, nhưng sau đó ông đã tìm ra giải pháp hợp lệ và hợp lý là thụ tinh nhân tạo tại một nước thứ ba. Để phối hợp, các nhà chức trách Cuba đã đưa chị Peréz tới một bệnh tại Panama và sau một lần thất bại, chị đã thụ thai thành công vào tháng 3/2014. Vài tháng sau, khi chị Adriana Pérez bắt đầu “lộ bụng”, phía Mỹ đã lưu ý và phía Cuba đã thu xếp để chị không xuất hiện trước công chúng, đặc biệt là báo giới, để đảm bảo bí mật cho các cuộc đàm phán ngầm lúc đó vẫn đang tiến triển.

Khi Hernández trở về La Habana ngày 17/12/2014 và xuất hiện cùng vợ đang mang bầu rất rõ, anh đã chỉ vào bụng vợ mình và tuyên bố: “Một trong những thành quả đầu tiên của quá trình này chính là đây”, và bé gái Gema Hernández Pérez ra đời ngày 6/1/2015, chỉ 3 tuần sau khi cha mình được phóng thích. Rieser đã gọi cô là “bằng chứng sống của sự khai sinh một thời kỳ mới trong quan hệ Cuba - Mỹ”.

Kỳ tới: Lực đẩy từ phía Quốc hội

Lê Hà
Hé lộ bí mật các chiến dịch ngoại giao ngầm giữa Cuba và Mỹ - Kỳ 2
Hé lộ bí mật các chiến dịch ngoại giao ngầm giữa Cuba và Mỹ - Kỳ 2

Nhóm đàm phán của Cuba cũng nhỏ gọn, gồm những người gần gũi nhất với Chủ tịch Raúl Castro hơn là các cán bộ Bộ Ngoại giao, và theo kênh CNN trích nguồn từ Cuba, là do Alejandro Castro Espín, con trai của Chủ tịch Raúl đứng đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN