Guam, đảo du lịch - căn cứ quân sự

Guam, một đảo lớn thuộc quần đảo Microsenia, hiện được biết là một căn cứ đồn trú của Hải quân và không quân lớn nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương. Trước đây, ngày 6/3/1521, nhà hàng hải người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan đã phát hiện ra đảo Guam trong chuyến đi vòng quanh Trái Đất.

Hòn đảo Guam mặc dù chỉ có diện tích khiêm tốn xấp xỉ 549 km2, nhưng từ lâu đã trở thành vị trí chiến lược ở phía Tây Thái Bình Dương, thu hút sự tranh chấp về chủ quyền của nhiều quốc gia trong quá khứ.

Bản đồ đảo Guam.



Xã hội đầu tiên làm chủ nơi đây là cộng đồng người Chamorro, vào khoảng năm 2.000 trước công nguyên. Sau đó, quốc gia châu Âu đầu tiên đến khai phá là Tây Ban Nha, theo sau hành trình vòng quanh thế giới của hạm đội 5 dưới sự lãnh đạo của nhà viễn du Ferdinand Magellan, người Bồ Đào Nha.

Sau khi khám phá ra eo biển mà sau này mang tên ông, Magellan tiến vào Thái Bình Dương, tiếp cận một quần đảo kỳ lạ vào ngày 6/3/1521. Ông đặt tên chúng là Đảo Buồm Tam giác vì hình dáng của những cánh buồm trên thuyền của người bản địa. Sau đó, tên của hòn đảo được đổi thành Đảo Kẻ Trộm do hiểu nhầm thiện ý của người dân.

Máy bay Mỹ tại đảo Guam.



Thuyền trưởng Miguel Lopez de Lagazpi là người đầu tiên chính thức tuyên bố chủ quyền của Đảo Kẻ Trộm thuộc về vua Tây Ban Nha vào năm 1565. Đến năm 1668, Tây Ban Nha chính thức đặt nền móng cho chế độ thực dân tại đây bằng việc xây dựng Hội truyền giáo Công giáo đầu tiên.

Tây Ban Nha duy trì chủ quyền ở Guam mãi đến tận năm 1898, khi Mỹ tuyên bố đảo Guam là "phần thưởng" cho người chiến thắng trong cuộc chiến Tây Ban Nha - Mỹ.

Theo Hiệp ước Paris ký ngày 10/12/1898, Guam, Puerto Rico và Philippines được nhượng lại cho Mỹ và nước này đồng ý trả cho Tây Ban Nha 20 triệu USD.

Guam là một hòn đảo du lịch hấp dẫn.


Giai đoạn đầu Chiến tranh Thế giới lần II, Lực lượng Không quân Hoàng gia Nhật Bản đánh bom và chiếm đóng Guam vào ngày 8/12/1941 (ngay sau vụ tấn công Trân Châu Cảng), biến Guam trở thành vùng lãnh thổ duy nhất có dân cư của Mỹ nằm dưới sự chiếm đóng của nước ngoài.

Ngày 21/7/1944, sau trận Guam, Mỹ đã giành lại hòn đảo và tái lập chính quyền. Kết cục trận chiến vô cùng đẫm máu với hơn 18 vạn quân Nhật bị tiêu diệt và chỉ có 485 quân ra hàng.

Đến cuối những năm 1940, Tổng thống Mỹ lúc đó là Harry Truman đã tách Guam khỏi thẩm quyền của Bộ trưởng Hải quân (sau khi giành lại Guam, Mỹ lập chính quyền quân sự tạm thời do Hải quân đảm nhận), chuyển sang cho Bộ trưởng Nội vụ.

Đến ngày 1/8/1950, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Hữu cơ, cho phép người dân Guam mang quốc tịch Mỹ và thành lập chính phủ dân sự.

Năm 1962, Tổng thống Kenedy bãi bỏ Luật Thông quan Hải quân, mở cửa các cảng của Guam đón khách tham quan trong và ngoài nước, trong khi trước đây, họ phải được sự đồng ý của chính quyền hải quân ở Guam.

Guam là căn cứ quân sự ở tây Thái Bình Dương của Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đồng thời là khoản chi đồ sộ nhất cho cơ sở hạ tầng hải quân trong nhiều thập niên. Guam chẳng khác nào một "tàu sân bay khổng lồ" của Mỹ tại tây Thái Bình Dương.

Mỹ đặt căn cứ hải quân tại cảng Apra ở Guam với 3 tàu ngầm lớp Los Angeles là USS City of Corpus Christi, USS Houston và USS Buffalo.

Đây cũng là căn cứ đồn trú của những máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất như B - 52H, B - 1B, B - 2A. Ngoài ra, còn có một số đơn vị máy bay chiến đấu, máy bay tiếp dầu, trực thăng. Guam là điểm đóng quân của hàng chục đơn vị hoạt động hỗ trợ cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội 7 và Hạm đội 5 của Mỹ. Căn cứ Andersen trên đảo có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động linh hoạt và đặc biệt cho Bộ Chỉ huy ở tây Thái Bình Dương và Đông Á, hỗ trợ trong cả các cuộc xung đột cục bộ lẫn tác chiến lâu dài.

Cơ sở hạ tầng trên đảo đang được mở rộng và phát triển như một phần của chính sách tái cân bằng, và theo dự kiến, lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (USMC) sẽ đến đóng quân ở Guam trong những năm 2020.

Các nhà chiến lược của Mỹ dự trù xây thêm hai căn cứ quân sự tại đảo Guam, hiện đại hóa cảng Apra. Căn cứ không quân cũng sẽ được nâng cấp để đón nhận thêm trực thăng và các loại chiến đấu cơ hiện đại. Trong số này có cả máy bay không người lái Global Hawk với khả năng bay liên tục hơn 30 giờ và có thể bay hơn nửa vòng trái đất.

Không chỉ là một căn cứ quân sự, Guam còn là một hòn đảo du lịch hấp dẫn. Mỗi năm, Guam đón khoảng 1,3 triệu du khách, nhiều gấp 6 lần số lượng cư dân trên đảo.

TL
Tại sao Mỹ đưa máy bay ném bom tàng hình tới Guam?
Tại sao Mỹ đưa máy bay ném bom tàng hình tới Guam?

Hai máy bay ném bom tàng hình B - 2 Spirit của không quân Mỹ đang được triển khai tới căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, khu vực khá gần Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN